Cần cơ chế đặc thù đào tạo bác sỹ người dân tộc thiểu số

Phản ánh tình trạng Tây Nguyên thiếu bác sỹ, nhất là ở tuyến cơ sở, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị cần có cơ chế đặc thù để đào tạo bác sỹ là người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Sáng 26.10, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh: Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum (Tổ 8) thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội; thi hành Hiến pháp, pháp luật; thực hiện ngân sách nhà nước; về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.

Tây Nguyên thiếu nhiều bác sỹ, nhất là ở tuyến cơ sở

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho biết, qua khảo sát thực trạng ở các tỉnh Tây Nguyên, đội ngũ bác sỹ, nhất là tuyến cơ sở còn thiếu nhiều.

“Riêng tỉnh Kon Tum hiện nay mới đạt khoảng 10 bác sỹ trên 10.000 dân”, đại biểu cho biết.

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại phiên họp

ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) phát biểu tại phiên họp

Tình trạng thiếu bác sỹ như vậy dẫn đến “chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân và rất khó khăn về nguồn để bổ sung”.

Trong khi đó, mức trung bình hiện tại của cả nước là 12,5 bác sỹ trên 10.000 dân. Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 27.2.2024 của Thủ tướng) đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đạt 15 bác sỹ trên 10.000 dân; năm 2030 là 19 bác sĩ trên 10.000 dân, và đến năm 2050 là 35 bác sĩ trên 10.000 dân.

Theo ĐBQH Phạm Đình Thanh, “thời gian tới, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng ở Trung ương và các chính sách đặc thù ưu tiên, ưu đãi phù hợp thì không thể thực hiện đạt các mục tiêu đã được xác định tại Quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đồng thời “sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực khám, chữa bệnh; kiểm soát tốt các dịch bệnh theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã xác định trong Báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp này”.

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề để thu hút bác sỹ về miền núi, vùng cao

Vì vậy, ĐBQH Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo bác sỹ là người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, có chính sách thu hút bác sỹ nhằm khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ ở tuyến cơ sở tại các tỉnh miền núi, vùng cao hiện nay.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm chỉ đạo, thực hiện chính sách cử tuyển đào tạo bác sỹ. Trong đó, sớm xem xét phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển bác sỹ đa khoa năm 2024 theo đề xuất của các địa phương đã trình Chính phủ.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đối tượng là viên chức ngành y tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cử đi đào tạo trình độ đại học, như đã được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, cần bổ sung quy định phù hợp để tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với các đối tượng nêu trên, bảo đảm tương xứng với công sức và đặc thù công việc của họ, nhất là đối với viên chức làm công tác quản lý, phục vụ; viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp dân số tại các cơ sở y tế công lập...”

Bên cạnh đó, ĐBQH Phạm Đình Thanh cho biết, hiện nay đã có rất nhiều xã, huyện ở các địa phương, trong đó có các địa phương ở vùng Tây Nguyên, hoàn thành mục tiêu nông thôn mới. Cùng với việc đạt xã nông thôn mới/ thì các xã này cũng đã ra khỏi xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực II, khu vực III.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số, còn khó khăn, chưa đảm bảo thu nhập bền vững.

“Do đó, khi thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã đặc biệt khó khăn, xã khó khăn như: chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; các chính sách an sinh xã hội, chính sách về giáo dục và một số chính sách khác, người dân đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao, cần tiếp tục được Nhà nước quan tâm hỗ trợ”, đại biểu nói.

Vấn đề này các địa phương đã báo cáo đến Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 1.4.2024 của Văn phòng Chính phủ.

“Đề nghị Chính phủ sớm xem xét ban hành Nghị định quy định về việc tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, tiền lương, phụ cấp và các chính sách khác (nếu có) đối với địa bàn các xã khu vực III, khu vực II, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được cấp có thẩm quyền công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đúng theo kết luận tại Thông báo số 133/TB-VPCP”, đại biểu Phạm Đình Thanh nói.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-co-che-dac-thu-dao-tao-bac-sy-nguoi-dan-toc-thieu-so-post394422.html