CẦN CÓ CHẾ ĐỊNH CỤ THỂ VỚI ĐẤT THƯƠNG MẠI, DỊCH VỤ TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI

Thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm cho quy định về phân loại đất tại Điều 10 trong dự thảo Luật. Theo đó, các đại biểu kiến nghị cần có các chế định cụ thể đối với đất thương mại, dịch vụ trong Luật Đất đai và các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở… để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi triển khai.

Cần có chế định cụ thể với đất thương mại, dịch vụ

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, về đất thương mại, dịch vụ, Điều 10 về phân loại đất trong dự thảo luật quy định đây là loại đất thuộc nhóm đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, có mục đích sử dụng để xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại và các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại.

Nhấn mạnh đất thương mại, dịch vụ đóng một vai trò khá lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai hoa cho biết, đất thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu về phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ mới của nền kinh tế. Cụ thể, việc thực hiện các dự án đầu tư tạo ra các sản phẩm bất động sản mới đang thu hút nhu cầu lớn ở cả trong nước và quốc tế như bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản văn phòng hoặc văn phòng kết hợp với ở…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Bên cạnh đó, đất thương mại, dịch vụ góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Nguồn thu ổn định, lâu dài và có xu hướng tăng thêm từ việc thu tiền thuê đất thương mại, dịch vụ do điều chỉnh giá thuê đất theo định kỳ. Đất thương mại, dịch vụ cũng tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân. Theo thống kê, tại Việt Nam, khoảng 25% lực lượng lao động làm việc trong ngành ăn uống và các ngành liên quan đến lưu trú. Điều đó cho thấy loại đất này cũng góp phần giải quyết an sinh, xã hội, xóa đói giảm nghèo, điều tiết giàu-nghèo hiệu quả.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong tương quan so sánh với thể chế về đất ở, chính sách, pháp luật về đất thương mại, dịch vụ trong Luật Đất đai năm 2013 cũng như dự thảo luật sửa đổi lần này còn mờ nhạt.

Cùng với đó, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đất đai hiện nay còn có những quy định chưa phù hợp đối với đất đai nói chung và đất thương mại, dịch vụ nói riêng. Dự thảo luật chưa có quy định về việc người nước ngoài mua bất động sản trên đất thương mại, dịch vụ để thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phát triển du lịch; chưa có quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua bất động sản du lịch, bất động sản trên đất thương mại, dịch vụ; quy định các dự án trên đất thương mại, dịch vụ không được miễn, giảm tiền thuê đất; chỉ được cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Dự thảo luật chưa làm rõ cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ là gì, bao gồm các cơ sở thương mại, dịch vụ cụ thể nào và đất thương mại, dịch vụ là những loại đất cụ thể nào?… Đại biểu đánh giá, các quy định này đang hạn chế tiềm năng của đất thương mại, dịch vụ, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các chủ đầu tư và người mua sản phẩm bất động sản trên đất thương mại, dịch vụ… Do đó, hoàn thiện quy định liên quan tới đất thương mại, dịch vụ cần được coi là vấn đề lớn khi sửa đổi Luật Đất đai. Đại biểu đề nghị cần có các chế định cụ thể đối với đất thương mại, dịch vụ trong Luật Đất đai và các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở… để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi triển khai.

Bổ sung cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình vào quy định về đất xây dựng công trình sự nghiệp

Cùng quan tâm đến nội dung về phân loại đất được quy định tại Điều 10 của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay, nội dung tại điểm d, khoản 2 dự thảo đang quy định về đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng “cơ sở xã hội…”. Cho rằng quy định như trong dự thảo luật là còn chung chung, chưa rõ ràng, đại biểu đề nghị cần rà soát, cụ thể hóa nội hàm “cơ sở xã hội” trong quy định của dự thảo, tránh sự tùy nghi trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp nhu cầu thực tế, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm viện dẫn, Điều 35 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) quy định về cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện việc chăm sóc, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình và trẻ em; hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang

Cùng với đó, điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Phòng, chống ma túy có quy định “cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật”... Đại biểu cho rằng, việc có quỹ đất cho những cơ sở này là rất cần thiết, góp phần vào việc bảo vệ, thực hiện quyền con người một cách tốt hơn, góp phần thực hiện mục đích xã hội của các loại hình cơ sở này.

Tại Điều 79 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích cộng đồng, đại biểu cũng đề nghị bổ sung vào điểm d, khoản 2 về cơ sở dịch vụ xã hội hai loại hình cơ sở gồm cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã cho biết, qua lấy ý kiến nhân dân, đa số ý kiến đồng ý với phân loại đất quy định trong dự thảo. Có ý kiến đề nghị việc phân loại đất cần phải cụ thể hơn, đặc biệt là đất sử dụng cho mục đích công cộng, làm rõ hơn đất nông nghiệp khác là những loại đất gì để tránh bị lợi dụng, đối với đất chưa sử dụng thì không nên liệt kê vì sẽ không đầy đủ.

Tiếp thu ý kiến góp ý, nội dung phân loại đất trong Điều 10 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, làm rõ hơn việc phân loại đất để sử dụng vào mục đích công cộng, quy định khái quát đối với đất nông nghiệp khác, đất chưa sử dụng, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các loại đất này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Điều 121 trong dự thảo luật có quy định tương đối chi tiết và đầy đủ về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất.

Cụ thể, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép gồm: Chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang loại đất khác trong nhóm đất nông nghiệp; Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; Chuyển các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung; Chuyển mục đích sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 118 sang các loại đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 119 hoặc Điều 120 của Luật này; Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; Chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải đất thương mại dịch vụ sang đất thương mại dịch vụ. Có ý kiến chỉnh sửa quy định về phân loại đất tại Điều 10 thống nhất với quy định tại Điều 121 về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất giữa các loại đất.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77252