Cần cơ chế đột phá phát triển ngành công nghiệp hóa dược

Ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác.

Tăng trưởng tốt, nhưng vẫn còn điểm yếu

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), trong những năm qua, ngành công nghiệp dược phẩm nói chung và hóa dược Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhanh chóng. Theo các thống kê, thị trường dược phẩm Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD vào năm 2020, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 10-15% mỗi năm trong những năm tới.

Ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Ảnh: HT

Ngành công nghiệp hóa dược là ngành có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Ảnh: HT

Ông Hoàng Quốc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, ngành công nghiệp dược Việt Nam trong những năm vừa qua đã có bước tăng trưởng khá tốt về sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp dược ở trong nước đã đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó một số đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc Japan-GMP.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dược trong nước đều sản xuất các loại thuốc thông thường, phổ biến trên thị trường như một số loại kháng sinh, giảm đau, hạ sốt… Trong khi các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị có yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa sản xuất được”- ông Hoàng Quốc Lâm chỉ ra.

Cục Hóa chất đánh giá, ngành công nghiệp hóa dược Việt Nam nhìn chung chưa phát triển. Trong cả nước hiện nay chỉ có khoảng 8 doanh nghiệp hóa dược, trong đó có 3 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP-WHO. Sản phẩm của các doanh nghiệp này tương đối đơn giản bao gồm terpin hydrat, một số khoáng chất bổ sung như hydroxit magie, canxi cacbonat, canxi phosphate, gelatin.

Theo phân loại của UNIDO, công nghiệp dược của Việt Nam được xếp loại ở mức 3/5, nghĩa là “công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập”, theo phân loại của WHO thì công nghiệp dược Việt Nam mới ở gần cấp độ 3 (bao gồm 4 mức) “có công nghiệp dược nội địa; có sản xuất thuốc generic; xuất khẩu được một số dược phẩm”. Hoạt động bào chế thuốc mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu thuốc tính theo số lượng và 50% tính theo giá trị, song sử dụng nguyên liệu nhập khẩu là chủ yếu, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ cho nhu cầu sản xuất thuốc (khoảng 5,2% cho thuốc tân dược và khoảng 20% cho thuốc đông dược).

Do công nghiệp hóa dược chưa phát triển và sản phẩm của ngành chưa cạnh tranh được với sản phẩm của các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Ấn Độ nên phần lớn nguyên liệu sử dụng để bào chế thuốc và sản xuất các sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác đều phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, những điểm yếu, hạn chế của ngành công nghiệp hóa dược nước ta do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của một số yếu tố, bao gồm: Hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu thô còn thấp; chưa tận dụng được các điểm mạnh về kinh tế - xã hội của đất nước; cơ chế chính sách hiện hành còn một số bất cập nên chưa thu hút được các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư; mặt trái của các Hiệp định FTA.

Đặt mục tiêu xây dựng 2 khu công nghiệp hóa dược chất lượng cao

Theo Cục Hóa chất, trong bối cảnh như vậy, cần thiết phải nhận diện được thuận lợi và khó khăn, thách thức để xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa dược. Cụ thể Chương trình Phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định 376/QĐ-TTg và Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 1165/QĐ-TTg tháng 10/2023.

Chương trình hướng đến mục tiêu ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hóa dược là ngành kinh tế có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác.

Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đang được Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) xây dựng đặt mục tiêu, đến năm 2030, sản xuất trong nước bảo đảm đáp ứng 15%, năm 2045 đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu tính theo giá trị phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc, chế phẩm, vật tư ngành y tế phù hợp với mục tiêu của. Đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu các chất chiết xuất từ dược liệu cho sản xuất thực phẩm bổ sung (Dietary Supplement), thực phẩm chức năng (Functional Food) và mỹ phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng trong nước và xuất khẩu tới các nước sử dụng cuối cùng. Triển khai nghiên cứu và thử nghiệm dược chất phát minh, thuốc mới.

Có ít nhất 30 sản phẩm là nguyên liệu hóa dược, thành phần bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, tá dược từ các nguồn nguyên liệu tự nhiên, dược liệu,…dựa trên kết quả nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm của Đề án đưa ra thị trường. Sản xuất 100 tạp chuẩn, 20 chất chuẩn cho ngành hóa dược và dược.

Đồng thời, hình thành và xây dựng 02 khu công nghiệp hóa dược tại miền Bắc và miền Trung. Hình thành và xây dựng Trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư và chuyển giao công nghệ hóa dược và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và đánh giá tương đương sinh học.

Đến năm 2045, đảm bảo đáp ứng 30% nhu cầu nguyên liệu hóa dược tính theo giá trị phục vụ cho công nghiệp bào chế thuốc và các chế phẩm y tế. Đáp ứng ít nhất 75% nhu cầu các chất chiết xuất từ dược liệu cho sản xuất thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sử dụng trong nước và xuất khẩu tới các nước sử dụng cuối cùng. Triển khai sản xuất dược chất phát minh, thuốc mới.

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Hoàng Quốc Lâm, Chương trình xây dựng phát triển công nghiệp hóa dược đề xuất 7 giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện thể chế chính sách; giải pháp về quy hoạch; giải pháp về tài chính và hỗ trợ đầu tư; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp hợp tá quốc tế; giải pháp về đào tạo nhân lực và giải pháp về xúc tiến thương mại.

Cùng với đó, đẩy mạnh quá trình xây dựng ngành công nghiệp hóa dược trên cơ sở hình thành và phát triển bền vững các doanh nghiệp hóa dược thuộc mọi thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách cụ thể ưu đãi đặc biệt cho đầu tư sản xuấ hóa dược, nhất là dược chất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp hóa dược; đẩy nhanh thủ tục chuyển giao và đổi mới công nghệ, dây chuyền máy móc thiết bị; ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất các sản phẩm hóa dược có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và tạo lập thị trường thuận lợi cho các sản phẩm hóa dược.

Liên quan đến các giải pháp về chính sách, Cục Hóa chất cũng đề xuất đưa các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thuốc sản xuất trong nước và danh mục thuốc bảo hiểm y tế. Ưu tiên đấu thầu thuốc vào bệnh viện đối với thuốc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, tạo điều liện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành thuốc đối với thuốc sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước. Kết hợp đầu tư ngân sách nhà nước với hy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp hóa dược.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-co-che-dot-pha-phat-trien-nganh-cong-nghiep-hoa-duoc-356019.html