Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước

TS. Hà Huy Ngọc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, cần cơ chế đặc thù khuyến khích các nhà đầu tư trong nước tham gia sâu hơn thị trường này, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Theo dự kiến kịch bản cho phát triển năng lượng tái tạo của Quy hoạch điện VIII, Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050 nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý.

Để có góc nhìn về hướng đi cho các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian tới, khai thác tối đa tiềm năng hiện có, PetroTimes đã có những trao đổi với TS. Hà Huy Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế vùng và địa phương của Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có tiềm lực thực hiện các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua cơ chế khuyến khích đủ mạnh.

TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam): Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có tiềm lực thực hiện các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua cơ chế khuyến khích đủ mạnh.

PV: Xin ông cho biết tiềm năng của các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam?

TS. Hà Huy Ngọc: Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho tăng trưởng xanh nói chung và năng lượng tái tạo nói riêng.

Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng cùng với bờ biển dài nhiều gió. Theo ước tính, tổng tiềm năng kỹ thuật cho sản xuất năng lượng mặt trời khoảng 840 GW (gấp gần 50 lần công suất năm 2020) và cho sản xuất gió khoảng 350 GW (gấp gần 700 lần công suất năm 2020).

Dân số Việt Nam lớn với nhận thức ngày càng cao. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ rệt về các yếu tố môi trường và sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh.

Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam, với tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 8 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn 4 lần so với năm 2019. Tính đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam ước đạt khoảng 38,4 GW.

Vào tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII, tạo hành lang pháp lý ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, với mục tiêu đạt tỷ lệ từ 30,9-39,2% vào năm 2030 và từ 67,5-71,5% vào năm 2050.

Trong tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, năng lượng tái tạo đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế xanh bền vững với hơn 50% lượng điện sản xuất đến từ điện gió và mặt trời, đem lại khả năng tự chủ hệ thống năng lượng quốc gia.

PV: Các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?

TS. Hà Huy Ngọc: Khó khăn của dự án năng lượng tái tạo đang còn nhiều. Hiện nay, với điện gió, chúng ta chưa có cơ chế giá và quy hoạch cụ thể, nên các nhà đầu tư nước ngoài không thể chờ lâu, nản lòng. Họ đến khảo sát, nghiên cứu rồi rời đi. Việt Nam mới có cơ chế thí điểm điện gió ngoài khơi giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thực hiện ở trên các khu khoan dầu của Tập đoàn, quy mô nhỏ.

Để xây dựng, đưa vào vận hành các dự án điện gió ngoài khơi, nhà đầu tư phải bỏ ra vốn lớn đầu tư trụ gió, hạ tầng truyền tải điện trên biển, thi công vốn rất tốn kém và phức tạp, chi phí cao hơn nhiều so với điện mặt trời và điện gió ven bờ. Do đó, để khuyến khích nhà đầu tư, cần có cơ chế thí điểm, cơ chế giá và các cơ chế đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp.

Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Công trường thi công chân đế điện gió ngoài khơi tại cảng PTSC của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Sắp tới, khi vận hành thị trường carbon, từ cuối năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu truy xuất dấu chân carbon, một trong những yêu cầu là sản phẩm cần được sản xuất bằng điện sạch. Đây là cách bù trừ tín chỉ, chứng minh dấu chân carbon tạo thuận lợi cho hàng hóa đi vào các nước EU. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2028 vận hành thị trường. Lộ trình này mà chậm thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu, do đó, các dự án năng lượng tái tạo cần được thúc đẩy sớm.

Tuy nhiên, để đầu tư một dự án điện lớn, doanh nghiệp cần có tiềm lực về tài chính, tài sản đảm bảo đủ lớn. Quy định chung của ngân hàng là muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, tài sản cố định để vay vốn.

Nhìn từ kinh nghiệm chính sách hỗ trợ của các nước trên thế giới có thể thấy, các nước phát triển điện gió ngoài khơi mạnh như Trung Quốc, Na Uy hỗ trợ lớn về giá điện và tín dụng. Các dự án đầu tư vào điện tái tạo quy mô lớn sẽ được họ ưu đãi tín dụng riêng, với các gói tín dụng xanh, thủ tục hỗ trợ dễ dàng. Ở Việt Nam, ngoài tín dụng, doanh nghiệp còn gặp vướng mắc về cơ chế mua bán điện và quy hoạch.

Các dự án điện khí cũng gặp khó khăn tương tự, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thể hiện quan điểm đưa điện khí thành điện nền, tuy nhiên chưa có các quy định về chuyển ngang giá khí và các thành phần giá khác vào giá điện. Hy vọng Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) tuy không thể quy định chi tiết về các nội dung này, nhưng sẽ có các câu từ làm căn cứ để sau này ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn hoặc quy định cho các loại năng lượng mới.

PV: Theo ông, các dự án năng lượng tái tạo cần những cơ chế khuyến khích như thế nào để hỗ trợ triển khai thuận lợi?

TS. Hà Huy Ngọc: Yếu tố cần nhất cho các dự án năng lượng tái tạo chính là quy hoạch về vùng nào có tiềm năng, ô thửa chi tiết, diện tích bao nhiêu được ưu tiên phát triển, để doanh nghiệp tự tin đầu tư dự án, tránh việc chồng chéo, xây dựng xong mới phát hiện ra bị chồng lấn lên quy hoạch khác.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thiện mà không thể bán điện vì vướng mắc cơ sở pháp lý, quy hoạch. Điển hình như các dự án điện gió, điện mặt trời ở khu vực Tây Nguyên đã xây dựng xong nhưng chưa đấu nối và vận hành thương mại được vì chồng lên quy hoạch đất khai thác khoáng sản bô-xít. Trong khi doanh nghiệp vay ngân hàng để đầu tư, đất nước thiếu điện nhưng vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Dự án điện gió tại Đắk Nông chồng lên quy hoạch khoáng sản.

Dự án điện gió tại Đắk Nông chồng lên quy hoạch khoáng sản.

Các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi lập các dự án mới về điện tái tạo bởi mất nhiều công sức và rủi ro, đặc biệt với nhà đầu tư trong nước. Họ đều phải e dè, chờ tín hiệu chính sách.

Đây là câu chuyện của tương lai gần ngay những năm trước mắt. Muốn đáp ứng được nguồn cung về điện cho phát triển đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài nhất là các ngành công nghệ, chỉ có thể hy vọng vào các dự án mới và giải quyết vướng mắc ở các dự án cũ.

Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng đó là cải thiện hạ tầng khi muốn tăng công suất nguồn điện. Hệ thống truyền tải phải sẵn sàng đáp ứng khi nguồn điện tăng lên và có sự tham gia hòa lưới của điện tái tạo.

PV: Theo ông, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, các cơ chế thí điểm ưu tiên nào cần được đề cập tới?

TS. Hà Huy Ngọc: Qua khảo sát các địa phương từ miền Trung đến Tây Nguyên, phần lớn các dự án năng lượng tái tạo lớn là của các nhà đầu tư nước ngoài, đây là vấn đề an ninh năng lượng cũng cần phải được tính đến. Câu chuyện đặt ra là làm sao chúng ta khuyến khích được các nhà đầu tư trong nước tham gia sâu hơn vào thị trường này để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam là những doanh nghiệp nội địa hoàn toàn có tiềm lực thực hiện các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua nguồn tín dụng đủ lớn, cơ chế mua bán điện ưu đãi và thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài.

Về công nghệ điện mặt trời, Việt Nam cũng hoàn toàn đủ khả năng làm chủ, nếu Chính phủ có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dân tộc tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo lớn. Trong đó, cần nhất là cơ chế về tín dụng, cơ chế về giá, cơ chế bán điện trực tiếp, thủ tục thuê đất, thủ tục đầu tư...

Vừa rồi, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược về công nghiệp bán dẫn vi mạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Chương trình đào tạo nhân lực, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành mắt xích, cứ điểm mới của công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là ngành sử dụng rất nhiều điện, yêu cầu nguồn điện đủ lớn và ổn định. Để thực hiện được tham vọng này, Việt Nam đứng trước thách thức phải đầu tư vào các dự án điện, nhất là điện năng lượng tái tạo có quy mô lớn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/can-co-che-du-manh-khuyen-khich-cac-du-an-nang-luong-tai-tao-cua-doanh-nghiep-trong-nuoc-719209.html