Cần có giải pháp thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2019, Lâm đồng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 821 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 7.716,5 tỷ đồng. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp tăng 11,2%, vốn đăng ký tăng 65,2% và bình quân vốn đăng ký của mỗi doanh nghiệp đạt 9,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 384 đơn vị trực thuộc, giảm 37,3% so với cùng kỳ.

Điều đáng lưu ý, trong khi 9 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh có tới 241 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 2,1% và 67 doanh nghiệp giải thể, giảm 2,9% so cùng kỳ nhưng chỉ có 196 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,3% so cùng kỳ năm trước. Có nghĩa là số doanh nghiệp hoạt động trở lại so với số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể thấp hơn 112 doanh nghiệp. Chính vì thế mà tổng số doanh nghiệp tính đến ngày 20/9/2019, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 8.683 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 93.100 tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và 13% về vốn so với đầu năm 2019. Cùng đó, có 3.652 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, tăng 7,8% so với đầu năm 2019. Với mức tăng về số lượng doanh nghiệp 8,1% từ đầu năm đến nay đặt ra câu hỏi rằng, trong 3 tháng còn lại của năm 2019, liệu chỉ tiêu này có thể hoàn thành theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra là tăng từ 12 - 14%?

Mặt khác, về thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 22 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.038 tỷ đồng, quy mô diện tích gần 222,6 ha. Nếu so với cùng kỳ năm 2018, giảm 31% về số dự án, tăng 38,3% về vốn đăng ký và giảm 37,6% về diện tích. Đồng thời, có 64 dự án điều chỉnh nội dung dự án đầu tư; thu hồi hoặc chấm dứt hoạt động 14 dự án với số vốn đăng ký đầu tư hơn 1.021 tỷ đồng và quy mô diện tích hơn 106,2 ha. Cụ thể, dự án có vốn đầu tư nước ngoài chỉ có 3 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 209,4 tỷ đồng nhưng cùng đó chấm dứt hoạt động 1 dự án. Tương tự, dự án có vốn đầu tư trong nước khi có tới 13 dự án bị thu hồi hay chấm dứt hoạt động nhưng chỉ có 19 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.829,05 tỷ đồng, quy mô diện tích 216,43 ha.

Với mức độ phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư nêu trên hẳn nhiên Lâm Đồng đang gặp phải không ít khó khăn trong lĩnh vực này. Bởi, theo Nghị quyết của Chính phủ, các tỉnh cần phải có mức tăng số lượng doanh nghiệp trong năm đạt 20% mới đạt điểm tối đa về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và với mức tăng 8,1% trong thời gian qua như tại Lâm Đồng sẽ khó bề thực hiện để đạt chỉ tiêu này. Do đó, cần có giải pháp toàn diện trong thời gian tới không chỉ nhằm phát triển doanh nghiệp mà kể cả thu hút đầu tư thông qua việc rà soát tìm ra nguyên nhân do thủ tục hành chính hay môi trường đầu tư... đang có những vướng mắc để tháo gỡ.

XUÂN TRUNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/so-tay-phong-vien-can-co-giai-phap-thu-hut-dau-tu-va-phat-trien-doanh-nghiep-2966635/