Cần có luật ngăn tẩu tán tài sản tham nhũng
Nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì người tham nhũng sẽ che giấu bằng cách nhờ người khác đứng tên, từ ô tô đến nhà đất.
Hơn một lần trước Quốc hội, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật Đăng ký tài sản, bởi chừng nào chưa có luật này thì chừng đó tài sản tham nhũng vẫn còn ẩn nấp ngoài xã hội, rất khó thu hồi.
Trao đổi với Báo Giao thông, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, đề xuất này là rất cần thiết.
Ông Trịnh Xuân An
Có luật mới có cơ sở xử lý
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, hiện nay chúng ta mới kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản ngoài xã hội có chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hay không đang là “khoảng trống” rất lớn. Dù có nghi ngờ tài sản nào đó bất minh nhưng việc làm rõ, thu hồi là không thể. Ông thấy đề xuất của người đứng đầu Viện KSND Tối cao thế nào?
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai ngày càng bài bản và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt số tiền thu hồi từ những vụ tham nhũng ngày một cao.
Phát biểu trước Quốc hội về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại phiên thảo luận sáng 24/10, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt so với yêu cầu.
“Dù rất quyết tâm kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng nhưng cần tuân thủ pháp luật. Với quy định hiện hành, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể niêm phong, kê biên, nhất là khi các cơ quan còn phải chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước”, ông Trí nói và giải thích thêm, nếu kê biên không đúng, người dân có quyền khởi kiện.
Theo ông Trí, nếu chưa có Luật Đăng ký tài sản thì người tham nhũng sẽ che giấu bằng cách nhờ người khác đứng tên, từ ô tô đến nhà đất. Cho dù cơ quan chức năng biết những tài sản đó có nguồn gốc bất minh nhưng không làm gì được.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là số tiền bị thất thoát từ những vụ án tham nhũng so với số tiền thu lại được vẫn chưa tương xứng như kỳ vọng.
Điều này cũng được Viện trưởng KSND Tối cao chỉ ra trong phiên thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 trước Quốc hội.
Một trong những giải pháp được Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề xuất là ban hành Luật Đăng ký tài sản. Cá nhân tôi đồng tình với đề xuất này.
Bởi, Luật Đăng ký tài sản sẽ là công cụ kèm theo các quy định khác, tăng cường minh bạch và chứng minh tài sản, thúc đẩy thu hồi tài sản tham nhũng tốt hơn.
Nếu có luật này, người đăng ký tài sản không chứng minh được thì bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý.
Điều này có thể ngăn chặn tài sản bị tẩu tán từ những đối tượng tham nhũng.
Như vậy, có thể hiểu, nếu được xây dựng, Luật Đăng ký tài sản sẽ chỉ dùng để phục vụ công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng?
Không. Đăng ký tài sản nghĩa là thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, nếu thực hiện việc này thì người dân còn được bảo vệ quyền sở hữu tài sản của họ nếu xảy ra tranh chấp.
Bởi thực tế, nhiều người có tài sản lớn, nhưng không rõ nguồn gốc, mà luật hiện hành thì chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh, vì vậy rất khó trong việc truy nguồn gốc tài sản.
Tuy nhiên, quyền bảo hộ tài sản của công dân cần phải được hiểu cho đúng, đó là, tài sản của công dân muốn được pháp luật bảo hộ, tài sản đó phải hợp pháp. Pháp luật không bảo hộ những tài sản bất hợp pháp.
Việc đăng ký tài sản nếu được thực hiện không chỉ góp phần tạo thuận lợi trong công tác quản lý, thu hồi tài sản tham nhũng mà còn có ý nghĩa ngăn chặn hoạt động “rửa” tiền.
Nếu thực hiện các quy định này có thể ngăn chặn người cố tình vi phạm pháp luật để có tiền, sau đó chuyển tiền cho người khác, từ đó chuyển hóa tiền này thành tiền ‘sạch”.
Trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện Luật Đăng ký tài sản chưa, thưa ông?
Quản lý tài sản của công dân trên thế giới thì nhiều nước cũng đã làm, không chỉ đối với riêng tài sản của cán bộ, công chức.
Những tài sản lớn như bất động sản, trang sức giá trị lớn hay số tiền lớn… của công dân nếu được đăng ký thì sẽ phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Tránh trùng lặp trong đăng ký tài sản
Nhưng cũng có ý kiến lo ngại, nếu bắt buộc phải đăng ký tài sản thì có thể sẽ vi phạm các quy định về quyền sở hữu tài sản?
Đăng ký tài sản không có nghĩa là vi phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân. Bởi khi đăng ký, nếu là tài sản hình thành hợp pháp thì công dân sẽ được bảo vệ bí mật và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được pháp luật bảo vệ.
Thực tế hiện nay nhiều tài sản có giá trị như nhà, xe… đã có giấy đăng ký như đăng ký xe máy, đăng ký xe ô tô, sổ đỏ, sổ hồng… Đó chính là đăng ký tài sản.
Vì thế, việc có thêm Luật Đăng ký tài sản là cần thiết, song cần nghiên cứu để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, phiền hà cho người dân.
Theo ông, những tài sản nào bắt buộc phải kê khai, hay là tất cả tài sản của người dân đều phải kê khai?
Như đã nói ở trên, điều chúng ta cần lưu ý nếu xây dựng Luật Đăng ký tài sản là phải phân loại tài sản nào cần đăng ký, tài sản nào thì không.
Bởi như đã lấy ví dụ, đăng ký ô tô, đất đai cũng là một hình thức đăng ký tài sản. Vì thế cần phải sắp xếp làm sao tránh trùng lặp, một tài sản nhưng lại phải đăng ký nhiều lần.
Hơn nữa đối với những loại hình kinh doanh cần phải luân chuyển dòng tiền, tài sản thường xuyên thì cũng phải cân nhắc và có hình thức đăng ký phù hợp.
Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến phiền phức, cản trở hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân.
Hạn chế giao dịch không dùng tiền mặt
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu trước Quốc hội ngày 24/10, đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Hiện nay, khi chưa có Luật Đăng ký tài sản, việc kiểm soát và thu hồi tài sản tham nhũng đang được thực hiện theo những quy định nào, thưa ông?
Hiện nay, trong Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã quy định rất rõ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 130 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Kiểm soát tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn chính là một cách để chúng ta có thể thu hồi tài sản nếu họ có hành vi tham nhũng và tài sản của họ hình thành do tham nhũng.
Chính vì vậy, chúng ta cần kiểm soát tốt những tài sản thu nhập tăng thêm của những cán bộ có chức, có quyền được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định số 130 như đã nêu ở trên.
Nếu làm nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao nhất thì tôi tin rằng sẽ hạn chế được những hành vi tham nhũng và nếu có xảy ra chúng ta cũng thu hồi được tài sản tham nhũng một cách nhiều nhất có thể.
Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là biện pháp thúc đẩy minh bạch, công khai tài chính, điều này phần nào góp phần vào phòng, chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế.
Bởi, khi có công nghệ thông tin kết hợp với cơ chế chính sách của Nhà nước trong quản lý các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt thì những giao dịch của những người có chức, có quyền, doanh nghiệp sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.
Cảm ơn ông!
Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 5%
Theo Thanh tra Chính phủ, trong năm qua, các cơ quan điều tra trong ngành công an đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng. Viện KSND các cấp đã thụ lý giải quyết 402 vụ với 1.222 bị can. TAND các cấp đã thụ lý 415 vụ với 1.163 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 254 vụ với 631 bị cáo về các tội tham nhũng.
Trong số 631 bị cáo phạm tội tham nhũng đã xét xử, các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 6 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm với 22 bị cáo.
Tuy vậy, việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.
Trong đó, số việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế phải thi hành là 4.799 việc; số có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc. Tổng số tiền phải thi hành trên 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành trên 34.000 tỷ đồng; đã thu được trên 4.000 tỷ đồng.
Thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu băn khoăn khi cho rằng, năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt hơn 40% nhưng năm 2021 chỉ đạt trên 5%.