Cần có quy hoạch phát triển phù hợp
Việc sử dụng năng lượng sạch trong đó có điện năng lượng mặt trời (ĐNLMT) là một trong những định hướng sử dụng năng lượng được Chính phủ khuyến khích.
Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng sạch nói chung cũng như ĐNLMT nói riêng cần phương án quy hoạch để ngành điện phát triển hạ tầng lưới điện đáp ứng với sự phát triển của ĐNLMT.
* Hạn chế tình trạng quá tải
Theo Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai), chính sách mua lại điện từ hệ thống năng lượng mặt trời đã được quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐNLMT và Thông tư số 05/2019/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 11-3-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2017/TT-BCT.
Căn cứ vào 2 văn bản trên và các văn bản của Tổng công ty điện lực miền Nam, đến nay tất cả khách hàng lắp đặt ĐNLMT mái nhà trên địa bàn PC Đồng Nai quản lý đều đã được các điện lực trên địa bàn ký hợp đồng mua bán ĐNLMT, hằng tháng ghi chỉ số và thanh toán tiền điện phát từ hệ thống ĐNLMT theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc PC Đồng Nai chia sẻ, việc phát triển năng lượng sạch nói chung cũng như ĐNLMT mái nhà nói riêng cần phương án quy hoạch để ngành điện phát triển hạ tầng lưới điện đáp ứng với sự phát triển của ĐNLMT.
Đối với ĐNLMT trên mái nhà, khi khách hàng có nhu cầu lắp đặt cần thông tin đăng ký với điện lực để được tư vấn về kỹ thuật và công suất lắp đặt, tránh trường hợp người dân lắp đặt hệ thống ĐNLMT mái nhà nhưng ngành điện không mua được điện do chất lượng và lưới điện khu vực lắp đặt bị quá tải khi tiếp nhận điện năng từ ĐNLMT mái nhà.
Trong thời gian tới, công ty sẽ phối hợp các với ban, ngành địa phương (Sở Công thương, Ban Chỉ đạo điều hành cung cấp điện…) và các tổ chức đoàn thể để quảng bá lắp đặt hệ thống ĐNLMT mái nhà song song với hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm. Công ty sẽ làm việc với khách hàng tiềm năng (có cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật lắp đặt hệ thống ĐNLMT mái nhà như: cơ quan, trường học, bệnh viện, khách sạn, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, hộ gia đình) để cung cấp tài liệu tuyên truyền về ĐNLMT…
* Phát triển nhiều dự án ĐNLMT lớn
Theo Sở Công thương, hiện đơn vị đã gửi tờ trình phê duyệt kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020. Trong đó, sẽ tiến hành xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, dự kiến tổ chức lắp đặt pin năng lượng mặt trời áp mái hòa lưới điện công cộng cho 20 nhà máy trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh.
Ông Trần Minh Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật và quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục cập nhật các chính sách mới về ĐNLMT, phối hợp với PC Đồng Nai và các địa phương có phương án quản lý phát triển ĐNLMT ở các hộ gia đình, nhà máy, doanh nghiệp… phù hợp, cũng như nâng cao hiệu quả tuyên truyền về sử dụng các nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm đến với người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay Sở Công thương cũng đã có phương án, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án ĐNLMT lớn trên lòng hồ Trị An nhằm tăng nguồn cung cấp điện cho Đồng Nai và khu vực Nam bộ, góp phần ổn định hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, có 8 dự án đang trình Bộ Công thương thẩm định, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2025.
Tổng công suất của các dự án này dự kiến gần 5.400MWp trên diện tích hơn 7,1 ngàn hécta thuộc địa bàn các địa phương như: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất… Ngoài ra, còn có một dự án trình UBND tỉnh xem xét để trình lên Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Đồng Nai với công suất khoảng 50MWp ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).