Cần đa dạng hóa trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở bậc phổ thông
Đa số các nhà trường trung học cơ sở và trung học phổ thông đều tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì môn Ngữ văn theo hình thức tự luận và trắc nghiệm.
Vừa qua, giáo viên cốt cán bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông đã được tập huấn về việc xây dựng đề kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì) môn Ngữ văn theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nội dung tập huấn nhắc lại, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau bên cạnh hình thức tự luận và trắc nghiệm.
Trong phạm vi bài viết này, người viết là giáo viên tiếp tục xin được chia sẻ cùng thầy cô một số nội dung tập huấn liên quan các văn bản quy định về kiểm tra, đánh giá và cấu trúc chung của đề kiểm tra định kì môn Ngữ văn.
Các văn bản quy định về kiểm tra, đánh giá
Cụ thể, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/07/2021 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông:
Điều 7: Đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Nếu áp dụng hình thức này giáo viên cần có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện. Các tiêu chí đánh giá dự án học tập cần đáp ứng mục tiêu của môn học, yêu cầu cần đạt của chương trình.
Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/07/2022 về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông:
Tập trung thiết kế và sử dụng các câu hỏi, bài tập yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học và kĩ năng đọc, viết, nói, nghe vào bối cảnh và ngữ liệu mới; tạo cơ hội để học sinh khám phá những tri thức mới, đề xuất ý tưởng và tạo ra sản phẩm mới; gợi mở những liên tưởng, tưởng tượng, huy động được vốn sống vào quá trình đọc, viết, nói, nghe.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng qui định rất cụ thể: "Đánh định kì thường thông qua các đề kiểm tra hoặc đề thi viết […]. Có thể sử dụng hình thức kiểm tra vấn đáp (để đánh giá nói và nghe) nếu thấy cần thiết và có điều kiện.
Đáng chú ý, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông và Chương trình Giáo dục phổ thông cũng như Công văn hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không đặt ra những qui chuẩn về cấu trúc và định dạng cũng như hình thức kiểm tra, đánh giá định kì đối với học sinh.
Vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng những yêu cầu và cấu trúc đề thi (đề tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 môn Ngữ văn) trên diện rộng đã được công bố với yêu cầu của đề kiểm tra định kì.
Cần lưu ý, Chương trình Ngữ văn 2018 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu chủ trương “tránh”, đồng thời khuyến khích xây dựng các đề mở để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, do vậy, giáo viên cần hiểu chủ trương trên theo tinh thần mở và linh hoạt.
Có nghĩa là giáo viên vẫn được phép dùng lại các văn bản đã học để làm ngữ liệu đánh giá học sinh trong những bài kiểm tra thường xuyên hoặc giữa kỳ, dưới các hình thức linh hoạt như các dự án học tập, bài tập nghiên cứu khoa học, thảo luận, tranh biện,… đặc biệt với mục đích hình thành và phát huy tư duy phản biện cho học sinh.
Cấu trúc chung của đề kiểm tra định kì
Đề đánh giá định kì gồm hai phần Đọc hiểu – Viết. Theo đó, phần Đọc hiểu có nhiệm vụ đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh theo các loại văn bản, trên cơ sở những kiến thức, kĩ năng về ngôn ngữ và văn học học sinh đã được tiếp nhận, rèn luyện trong quá trình học tập.
Còn phần Viết có nhiệm vụ đánh giá năng lực viết của học sinh trên cơ sở vận dụng những tri thức về xã hội, văn học mà các em đã được học chủ yếu trong học kì. Lưu ý bám sát vào các loại bài viết mà học sinh vừa được học.
Nội dung kiểm tra giữa hai phần Đọc hiểu và Viết có thể được triển khai theo các mô hình cấu trúc như sau:
Mô hình 1: Đọc hiểu Văn bản văn học – Viết bài Nghị luận xã hội.
Mô hình 2: Đọc hiểu Văn bản nghị luận/Văn bản thông tin – Viết bài Nghị luận văn học.
Mô hình 3: Đọc hiểu Văn bản văn học – Viết bài Nghị luận văn học từ bài đọc hiểu.
Mô hình 4: Đọc hiểu Văn bản văn học/ nghị luận/ thông tin – Viết bài theo các kiểu loại VB khác (tùy từng lớp).
Yêu cầu cụ thể của phần Đọc hiểu:
- Số lượng câu hỏi đọc hiểu: khoảng từ 5 – 6 câu hỏi (với hình thức tự luận).
- Tùy mục đích kiểm tra, giáo viên có thể kết hợp sử dụng các dạng câu hỏi khác nhau như câu hỏi tự luận, câu hỏi kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan (số câu hỏi có thể nhiều hơn 6 câu).
- Các câu hỏi nên bám vào yêu cầu cần đạt của chương trình và bao quát các yếu tố thuộc về nội dung cũng như hình thức của văn bản.
- Nên thiết kế những câu hỏi có sự vận dụng, so sánh, mở rộng để có thể phân hóa được trình độ của học sinh.
- Câu hỏi đọc hiểu ở mức “vận dụng” nên yêu cầu hình thức trả lời (trả lời trong khoảng bao nhiêu câu văn, hoặc trình bày bằng 1 đoạn văn bao nhiêu câu/chữ).
Tránh sử dụng câu hỏi mang tính áp đặt. Ví dụ: Từ nội dung văn bản, anh/chị cho rằng chúng ta cần làm gì để vượt qua nỗi buồn? Câu hỏi này không phù hợp với trải nghiệm sống của mọi đối tượng học sinh. Cách sửa: Theo anh/chị, chúng ta nên có cách ứng xử như thế nào với nỗi buồn?
Hoặc: Anh/chị có cho rằng lòng tự trọng là một phẩm chất cần thiết với thế hệ trẻ ngày nay không? Câu hỏi này đặt học sinh vào tâm thế hiển nhiên trả lời “Có”/ “Đồng tình”… Cách sửa: Theo anh/chị, người trẻ ngày nay nên làm gì để nuôi dưỡng lòng tự trọng?
Cần có 01 câu để học sinh được vận dụng kiến thức tiếng Việt trong đọc hiểu văn bản.
Cùng với đó, Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các câu hỏi mở/đề mở trong đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.
Câu hỏi mở là câu hỏi chấp nhận nhiều góc nhìn, phương án trả lời khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, điều quan trọng là học sinh thể hiện được nhận thức, lập luận phù hợp, đảm bảo logic để đưa ra câu trả lời.
Trong yêu cầu tạo lập văn bản, đề mở là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết văn tự sự, miêu tả,… không nêu mệnh lệnh gì về thao tác lập luận như kiểu: hãy chứng minh, hãy phân tích, hãy giải thích,… hoặc phương thức biểu đạt như: hãy kể, hãy phát biểu cảm nghĩ,...