Cần đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng, an ninh y tế

Đó là nhấn mạnh của một số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 5-11.

Có phương án chuyển người dân miền Trung đến nơi an toàn

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần đưa ra các kịch bản về dịch Covid-19 trong năm 2021 để có phương án điều chỉnh cho phù hợp. Kịch bản 1, vắc-xin điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi.

Kịch bản 2, vắc-xin không hiệu quả, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, kinh tế thế giới suy thoái kém, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4-4,5%. Để kiểm soát dịch bệnh tốt, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế cộng đồng và y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, ngành y tế cần có sự liên kết giữa các vùng, các địa phương, và với các trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin....

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh:VPQH

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh:VPQH

Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, theo đại biểu, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt cũng là bài toán cần lưu tâm vì năm nào nước ta cũng hứng chịu hậu quả của lũ lụt, thiên tai. Do đó, ông Ngân đồng ý với kiến nghị Chính phủ trích một phần trong quỹ dự phòng 35.000 tỷ đồng để chi cho các địa phương đang gặp khó khăn do hậu quả do thiên tai.

“Tuy nhiên, năm nào nước ta cũng có lũ lụt, bão tố ở khu vực miền Trung. Do đó, để giải quyết bài toán lũ lụt một cách căn cơ, tôi cho rằng cần lên phương án quy hoạch cụ thể và chuyển người dân đến nơi an toàn”, đại biểu Ngân nêu ý kiến.

Cần đầu tư đúng mức cho an ninh y tế

Từ thực tiễn đại dịch Covid-19 phức tạp trong thời gian qua, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nhấn mạnh đến một số bất cập. Đó là, vật tư y tế phòng, chống dịch như khẩu trang y tế, đồ bảo hộ chống dịch, nước sát khuẩn rửa tay nhanh, nhiệt kế điện tử... bị khan hiếm, thiếu thốn và bị đẩy giá rất cao so với giá trị thực; vật tư y tế không rõ chất lượng, nguồn gốc, đồng thời còn xuất hiện tình trạng tái chế khẩu trang, đồ bảo hộ đã qua sử dụng, không bảo đảm an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán bệnh dịch bệnh. Đặc biệt là, theo đại biểu, việc thiếu các trang thiết bị máy móc, máy thở, máy xét nghiệm Covid-19... dẫn đến việc phải gấp rút nhập khẩu, mua sắm bổ sung. Thậm chí, có nơi còn xuất hiện tình trạng nâng khống giá máy xét nghiệm, gây bức xúc dư luận.

“Điều này phản ánh vấn đề an ninh y tế chưa có sự quan tâm đúng mức, khi gặp vấn đề thì chúng ta cứ loay hoay, lúng túng mà trước giờ chúng ta chỉ tập trung quan tâm đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng”, đại biểu nêu quan điểm.

 Đại biểu Trương Thị Yến Linh phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trương Thị Yến Linh phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Nhắc đến một loạt mối nguy mới như biến đổi gen gây dịch bệnh nguy hiểm, chiến tranh sinh học..., đại biểu nhấn mạnh: Việc bảo đảm sức khỏe cho người dân cần phải được ưu tiên quan tâm đầu tư. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho vấn đề an ninh y tế, để ngành y tế củng cố, hoàn thiện phát triển hệ thống y tế dự phòng, đầu tư y tế cơ sở đúng "chất", bảo đảm công tác chống dịch theo phương châm tại chỗ.

Hỗ trợ phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho ngành kinh tế

Ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) nhấn mạnh đến một loạt khó khăn trong năm 2020 như hạn hán, sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long, bão lụt, lở đất hoành hành các tỉnh miền Trung, dịch tả lợn châu Phi, suy thoái kinh tế thế giới, đại dịch Covid-19... Tuy vậy, đại biểu cho rằng: “Thành tựu đạt được trong bối cảnh như trên cho phép chúng ta có quyền ước mơ đến khát vọng phồn vinh, đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao”.

Theo đại biểu, để đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển như trên thì Chỉ số phát triển con người (HDI) và GDP bình quân đầu người đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, cần ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, bởi chỉ có đổi mới sáng tạo mới có khả năng “đặt chân” vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị để tăng năng suất lao động, tạo ra mức tăng trưởng đột phá.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mức đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ chiếm 0,33% GDP. Trong khi đó, các nước có số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP lớn hơn, mức đầu tư giáo dục đại học chiếm 1,1% GDP. Chính vì vậy, mức chi cho giáo dục của một sinh viên trường đại học tốp đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển.

Trong khi đó, theo đại biểu, sản phẩm đào tạo trong nước của trường đại học tốp đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không có sự khác biệt rõ ràng về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài, ngoại trừ có trình độ ngoại ngữ. Do vậy, đại biểu cho rằng, cần tập trung đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học để các trường tốp đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế. Việc này sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so việc chúng ta đang dành tiền để đầu tư cho các trường mới để những trường này trở thành trường đẳng cấp quốc tế.

“Theo kinh nghiệm của các nước, cất cánh trở thành những “con rồng châu Á” thì phải có một giai đoạn tăng trưởng rất cao, có thể đạt đến 10%/1 năm dựa vào đầu tư, đổi mới, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, phát triển các tập đoàn lớn làm trụ cột trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng”, đại biểu nói và đề nghị trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn mới phải tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-dau-tu-nhieu-hon-cho-y-te-du-phong-an-ninh-y-te-643027