Cần điều tra bổ sung, làm rõ ai đưa tiền để nâng điểm thi ở Sơn La

Phó bí thư Tỉnh ủy Sơn La nói nếu dùng tiền để nhờ nâng điểm thì phải xử lý tội nhận hối lộ. Luật sư cũng cho rằng cần trả lại hồ sơ vụ án, điều tra bổ sung thêm tội đưa hối lộ.

Ngày 31/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về bê bối gian lận thi cử ở Sơn La, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy địa phương này khẳng định cơ quan chức năng đã yêu cầu làm rõ thông tin giá nâng điểm trung bình cho mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng.

Cần xử lý tội nhận hối lộ

Ông Quỳnh nhấn mạnh nếu chứng minh không có việc đó nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền.

"Nếu dùng tiền để tác động nâng điểm thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ", Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ rõ.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Sơn La cũng khẳng định việc xử lý cán bộ liên quan gian lận thi cử sẽ không có vùng cấm. Ông nói sẽ xử lý nghiêm minh trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra, điều tra đến đâu xử lý đến đó.

Phó giám đốc Sở GDĐT Sơn La Trần Xuân Yến (áo trắng) đứng nghe đại diện cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định sau vụ bê bối gian lận điểm thi. Ảnh: Hoàng Minh.

Phó giám đốc Sở GDĐT Sơn La Trần Xuân Yến (áo trắng) đứng nghe đại diện cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định sau vụ bê bối gian lận điểm thi. Ảnh: Hoàng Minh.

Trong kết luận điều tra bổ sung vụ án sửa điểm thi THPT 2018 tại Sơn La, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng khảo thí) khai thỏa thuận nhận hơn một tỷ đồng để sửa điểm cho 4 thí sinh.

Một số bị can khác khai "giá" nâng điểm cho mỗi thí sinh họ nhận được từ 150 triệu đến 700 triệu đồng. Số tiền này đã được các bị can và người thân tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra.

Tuy nhiên, những người bị tố đưa tiền “chạy điểm” đã phủ nhận. Do không có chứng cứ nên cơ quan công an không đủ căn cứ quy kết việc giao tiền để nhờ sửa điểm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp), cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh số tiền các bị can tự nguyện nộp là của ai. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được, chủ sở hữu khoản tiền đó sẽ được làm rõ mà không cần người đưa tiền phải thừa nhận.

Trong vụ án này, công an đã thu được vật chứng. Ngoài ra còn có lời khai của người nhận tiền. Cơ quan điều tra có thể thu thập chứng cứ về việc giao dịch giữa 2 bên thông qua điện thoại, tin nhắn hoặc ghi âm về nội dung đưa - nhận tiền để sửa điểm.

"Lúc đó sẽ đủ căn cứ để xử lý về tội đưa hay nhận hối lộ mà không cần người đưa tiền thừa nhận", ông Cường phân tích.

Luật sư chỉ rõ kết luận điều tra cho thấy các chứng cứ khách quan thu thập được đã chứng minh có việc làm sai lệch kết quả thi, có sử dụng tiền bạc hoặc các lợi ích phi vật chất làm động cơ mục đích của việc thay đổi kết quả.

Nên trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung

Về số tiền các bị can khai thỏa thuận cho việc nâng điểm mỗi trường hợp, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng 700 triệu hay một tỷ đồng không quan trọng. Bởi lẽ, hành vi đưa và nhận tiền để nâng điểm thi đã là vi phạm pháp luật.

"Nếu không xử lý về tội đưa hối lộ, nhận hối lộ thì số tiền mà cơ quan điều tra thu giữ được là tiền gì, động cơ mục đích của việc sửa điểm là gì?", luật sư thắc mắc.

Một trong 8 bị can khai bà ta đã sửa điểm thi cho thí sinh ngay tại phòng làm việc trong Sở GD&ĐT tỉnh. Ảnh: N.H.

Một trong 8 bị can khai bà ta đã sửa điểm thi cho thí sinh ngay tại phòng làm việc trong Sở GD&ĐT tỉnh. Ảnh: N.H.

Ông Cường nêu quan điểm cho rằng nếu căn cứ kết luận điều tra được ban hành, Cơ quan An ninh điều tra đã xác định có người sửa điểm thi, có người (thí sinh) được sửa điểm, có số điểm và số bài được sửa.

Thậm chí, theo lời khai các bị can thì có cả giá tiền để nâng điểm cho mỗi trường hợp. Vật chứng là số tiền đã ứng trước để sửa điểm.

Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ ai trong số người thân của 44 thí sinh đã đưa tiền? Ai là người chi tiền sửa điểm? Việc xử lý người đưa tiền về tội đưa hối lộ sẽ là căn cứ để truy cứu người đã nhận tiền để sửa điểm về tội nhận hối lộ.

"Tôi cho rằng cơ quan tố tụng cần trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ mục đích của hành vi sửa điểm, xác minh nguồn gốc số tiền đã thu giữ và tìm ra người đưa tiền để xử lý", luật sư Cường nhận định.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/can-dieu-tra-bo-sung-lam-ro-ai-dua-tien-de-nang-diem-thi-o-son-la-post951972.html