Cần được tính toán kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc phòng dịch
Theo các chuyên gia, việc đưa công dân về quê phải được tính toán kỹ lưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc phòng dịch. Người dân tính toán kỹ trước khi đăng ký về quê, không đăng ký theo phong trào.
Chủ trương giàu tính nhân văn
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, tâm dịch là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương. Mỗi ngày, ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 lên trên 4 nghìn ca. Các mức lây nhiễm liên tục ở mức cao cho thấy sự phức tạp của đợt bùng phát dịch lần này và còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn dịch khiến dịch có thể bùng phát mạnh hơn nếu lơi lỏng trong khâu phòng, chống.
Công dân được đưa đón về quê thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, “tình làng nghĩa xóm” giúp nhau trong khó khăn.
TP. Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với phương châm tỉnh cách tỉnh, huyện cách huyện, nhà cách nhà, người cách người một cách rất nghiêm ngặt. Trong bối cảnh đó, chủ trương để các tỉnh, thành phố được phép đón công dân của mình từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về quê là một “ngoại lệ”. Cũng vì “ngoại lệ” này nhiều người đang lo lắng nếu tổ chức không tốt thì dịch có thể sẽ lan rộng ra nhiều tỉnh.
Câu chuyện 4 mẹ con người Nghi Lộc, Nghệ An đạp xe đạp từ Đồng Nai về quê Nghệ An là minh chứng rõ nét về những khó khăn mà người yếu thế xa quê đang gặp phải. Việc Chính phủ cho phép các địa phương đón công dân của mình về quê thể hiện chính sách nhân đạo, phát huy tình cảm “tình làng nghĩa xóm” trong đại dịch. Theo ghi nhận của phóng viên, số lượng công dân đăng ký về quê của các địa phương rất cao, mỗi tỉnh lên đến nhiều nghìn người, tổng số công dân muốn di chuyển khỏi tâm dịch của cả nước như vậy sẽ rất lớn.
Tại Hà Tĩnh, hiện số người đăng ký về quê đã hơn 2 nghìn người, con số này chắc chắn sẽ còn lớn hơn nhiều. Theo kế hoạch, tỉnh Hà Tĩnh sẽ ưu tiên đón các trường hợp người có bệnh hiểm nghèo, ốm đau dài ngày, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ, người cao tuổi, người khuyết tật, người lao động bị thất nghiệp, dừng việc dài ngày, công dân vào thăm thân bị mắt kẹt, công dân đã hoàn thành cách ly...
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang xét duyệt danh sách đăng ký trở về địa phương theo hướng ưu tiên người yếu thế, người gặp khó khăn, bị ảnh hưởng lớn hơn, như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, lao động tự do, người mất việc làm, người bị mắc kẹt do thăm thân, đi công tác, học sinh, sinh viên... Dự kiến đợt đầu tiên sẽ đón khoảng 300 người dân từ thành phố Hồ Chí Minh trở về bằng tàu hỏa.
Bình Định là một trong những tỉnh sớm nhất đã “giải cứu” được công dân của mình khỏi tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Vào 21h tối 20/7, chuyến bay đầu tiên chở 196 người Bình Định từ thành phố Hồ Chí Minh về quê đã hạ cánh xuống sân bay Phù Cát. Họ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, không việc làm, không có chỗ ở ổn định trong TP. Hồ Chí Minh.
Có thể nói, qua ghi nhận cho thấy, công tác đưa công dân từ TP. Hồ Chí Minh về các địa phương đang được thực hiện rốt ráo. Mỗi tỉnh một kịch bản khác nhau.
An toàn phòng dịch phải đặt lên hàng đầu
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhiều người dân cho rằng việc đón công dân là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo nhưng ngoài việc đưa về địa phương vẫn còn nhiều cách để có thể hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở tâm dịch.
Bốn mẹ con ở Nghệ An đi xe đạp từ Đồng Nai về quê.
Anh Trần Minh Tuấn ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho rằng: “Không nhất thiết tất cả những người kẹt lại ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về quê lúc này. Bởi, nếu ai cũng kéo nhau về quê cùng thời điểm dịch bùng phát sẽ nguy hiểm và công tác tổ chức đưa đón quá tải, gây mệt mỏi, áp lực, trong khi bài toán chống dịch còn lâu dài. Vì thế, phải cùng đường, không còn lựa chọn nào khác mọi người mới tính chuyện về quê. “Ai ở đâu ngồi yên ở đó” để chống dịch. Các địa phương còn có nhiều cách để hỗ trợ công dân của mình. Có thể hỗ trợ bằng tiền hoặc tiếp tế lương thực, thực phẩm. Đây là cách vừa chống dịch hiệu quả, lại đảm bảo không bỏ ai lại phía sau”.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thu Hà ở Nghệ An cho rằng: “Mọi người trước khi về quê nên cân nhắc, tính toán. Vì về quê cũng phải đi cách ly. Chưa nói đến việc di chuyển, đi lại trong tâm dịch có nguy cơ mất an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Nếu không còn lựa chọn nào khác tốt hơn mới về quê trong thời điểm này. Cần phát huy tinh thần chịu thương, chịu khó để vượt qua đại dịch”.
Trước ý kiến đa chiều của người dân liên quan đến công tác đưa công dân của các tỉnh về địa phương, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, đây là việc làm nhân văn. Bởi, người ở các tỉnh lao động tại TP. Hồ Chí Minh khi dịch bệnh bùng phát mất việc làm, không có nơi ăn chốn ở vì thế cần phải giúp đỡ họ.
Tuy vậy, chuyên gia này nhấn mạnh: “Nhân văn cũng phải thực hiện tốt các khâu phòng bệnh, nếu không lại lây dịch bệnh ra nhiều khu vực. Do đó, công tác đưa đón người từ các địa phương cần thực hiện nghiêm biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt. Ngay từ việc đón tiếp, di chuyển trên phương tiện giao thông và đến nơi cách ly đều phải đảm bảo biện pháp phòng bệnh mà Bộ Y tế, Bộ Giáo thông Vận tải và Chính phủ đã quy định. Trước khi về, người dân phải thực hiện xét nghiệm, những người âm tính mới được về. Trên phương tiện giao thông mọi người phải tuân thủ nghiêm biện pháp phòng bệnh theo quy định”.
Vị chuyên gia này còn cho rằng, theo quy định của Bộ Y tế, người từ vùng dịch trở về phải khai báo y tế, cách ly 14 ngày, xét nghiệm. Vì thế, địa phương phải bố trí giám sát y tế đầy đủ, để tránh dịch bệnh mang theo về địa phương. Cần tổ chức các phương pháp phòng bệnh cho cộng đồng tránh lây lan dịch. “Chỉ cần xét nghiệm âm tính là đủ điều kiện cho về” - ông Trần Đắc Phu chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội nhận định: Việc “giải cứu” công dân khỏi tâm dịch cho thấy việc làm nhân đạo, thể hiện “tình làng nghĩa xóm” nên rất tốt nhưng tổ chức như thế nào là vấn đề. Bài toán vận chuyển an toàn, về quê cách ly đang đặt ra trong công tác tổ chức đưa người về quê. “Những người có bệnh chắc chắn phải ở lại chữa, còn người xét nghiệm âm tính sẽ được cho về” - bà An nêu ý kiến.
Theo chuyên gia này, việc tổ chức đưa công dân về địa phương chắc chắn tạo áp lực rất lớn từ khâu tổ chức đến công tác phòng bệnh. “Một số địa phương có quá sức không?” - vị chuyên gia này nêu câu hỏi và cho rằng, hiện công tác chống dịch tại nhiều tỉnh rất vất vả, đón thêm sẽ gây khó khăn. Vì thế cần phải tính toán chu toàn thì mới triển khai.
Qua trao đổi với các chuyên gia, có thể thấy công tác đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương về quê hiện là thách thức lớn đối với công tác phòng dịch. Nếu tổ chức không tốt, nguy cơ lây dịch ra diện rộng rất cao. Vì thế, mỗi người dân cần phải cân nhắc trước khi đăng ký về quê, tránh về theo phong trào.