Cần duy trì những tiếng còi trách nhiệm trong xử lý xe chở cồng kềnh, xe tự chế
Dư luận Thủ đô đang bàng hoàng, hoảng hốt khi biết thông tin vào khoảng 6 giờ 30 ngày 8/5, xe bus mang biển 29B-193.63 đang chở theo nhiều hành khách di chuyển trên đường Nguyễn Trãi, hướng từ quận Thanh Xuân đi quận Hà Đông (Hà Nội), xảy ra va chạm với xe ba bánh tự chế chạy ngược chiều.
Vào thời điểm trên, xe bus đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi thì bất ngờ xe tự chế chở nhiều thanh sắt dài đi từ phố Vũ Trọng Phụng ra rồi lao vào ô tô bus. Cú va chạm khiến hàng chục thanh sắt dài khoảng 10 mét xuyên qua kính chắn gió, đâm thẳng vào ghế lái của xe bus. Nhanh trí, tài xế xe bus đã chạy khỏi cabin nên không bị thương. Còn tài xế xe ba bánh tự chế chở sắt bị thương nhẹ. Vụ việc khiến hành khách trên xe bus vô cùng hoảng sợ.
Liên quan đến xe tự chế, chở cồng kềnh cách đây ít năm, tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội), một cháu nhỏ sinh năm 2007, đi xe đạp trên đường đã va chạm vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ bên đường. Hậu quả cháu bé bị tấm tôn cứa vào cổ. Sự việc này khiến nhiều người dân vừa phẫn nộ, vừa thương cho người lính già từng tham gia chiến đấu ở biên giới Vị Xuyên (Hà Giang), lái chiếc xe chở cồng kềnh trên đã gây tai nạn chết người. Dẫu biết, việc chở vật liệu của ông hàng ngày bằng xích lô - là mưu sinh chính đáng nhưng cái chết của đứa trẻ đang tuổi đến trường lại tức tưởi và đau thương vô cùng, không sự chính đáng nào khỏa lấp được.
Hàng ngày tại các tuyến đường Thủ đô như: Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; quanh khu vực có nhiều công trình đang xây dựng hay tại các quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm... cũng luôn xuất hiện các loại xe chở cồng kềnh: sắt, tôn thép, cửa cổng sắt, bàn ghế, tủ… Và chúng ta vẫn nhìn thấy những hình ảnh xe ba gác, xe chở tôn, xe chở vật cồng kềnh như vậy lưu thông đương nhiên trên đường.
Nhưng chỉ khi sự việc đau lòng xảy ra, mọi người mới ớ người ra khi thủ phạm chính là chiếc xe chở tôn, chở sắt với những người lái xe thuộc diện khó khăn, đối tượng chính sách. Nhiều người đã đặt câu hỏi, giá như có sự cẩn thận hơn, che chắn tấm tôn, thanh sắt kỹ càng hơn; làm chủ tốc hộ hơn, tuân thủ luật giao thông sẽ không có chuyện gây ra những vụ tai nạn như kể trên. Nhưng đó không phải căn nguyên chính của vấn đề. Mà ở đây là tiếng còi trách nhiệm của lực lượng chức năng đã tuýt lên một cách thường xuyên đối với xe chở cồng kềnh, xe tự chế chưa?
Chúng ta thử nhìn lại, hàng ngày trên đường phố Thủ đô có biết bao nhiêu xe ba gác, xe tự chế chở hàng cồng kềnh, chở tôn, chở sắt lưu thông từ ngõ nhỏ, đường lớn nhưng không bị xử lý. Ngày nối ngày, tạo thành thói quen, khi mà lực lượng chức trách có suy nghĩ "dây" vào mấy ông xe ba gác, xe chở tôn làm gì cho mất thời gian. Có lẽ chính vì điều đó mà những “lưỡi dao”, “mũi giáo” vẫn chĩa về phía người đi đường và gây ra những hậu quả đau lòng.
Trước đòi hỏi của dư luận, của thực tế xã hội, sau vụ việc xe tự chế chở những thanh sắt đâm vào ghế lái xe bus; xe chở tôn gây chết người…, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Hà Nội cần tăng cường xử phạt những xe chở hàng cồng kềnh, xe tự chế trên các tuyến phố để bớt lo ngại về hiểm họa từ những tấm tôn, thanh sắt sắc lẹm ngênh ngang trên phố.
Cùng với đó, đề nghị UBND thành phố Hà Nội, chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền cấp quận, huyện, xã, phường tiếp tục tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, thành phố cũng nên khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Vì trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trên cả nước, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả triển khai quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương vào nội dung báo cáo thường kỳ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Thực hiện các chỉ đạo cũng như quy định của pháp luật, thành phố Hà Nội cũng đã tiến hành xử phạt, thu hồi một số xe tự chế... Song, trên thực tế do mưu sinh, nhiều chủ xe tự chế có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thuộc diện đối tượng chính sách nên vẫn được phép hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu. Nhưng cũng có một số người không thuộc đối tượng trên vẫn đóng xe tự chế để lén lút hoạt động vào thời điểm vắng lực lượng chức năng, gây nguy hiểm cho người đi đường.
Do vậy, về lâu dài để ngăn chặn triệt để tình trạng xe chở cổng kềnh lưu thông trên đường, theo một số chuyên gia về lĩnh vực an toàn giao thông, bên cạnh việc xử phạt nghiêm hành vi vi phạm, thu hồi phương tiện thì cần chuyển đổi, tạo công ăn việc làm khác phù hợp hơn cho người chở thuê, người lái xe tự chế, cồng kềnh. Nhưng hơn hết và trước hết, các cơ quan chức năng cần duy trì những tiếng còi trách nhiệm trong xử lý xe chở cồng kềnh, xe tự chế ở Thủ đô.