Cần giải pháp quản lý hoạt động khai thác lá giang bền vững

Thời gian qua, tại một số xã thuộc huyện Bảo Yên, việc thu hái lá cây giang (một loại cây họ tre nứa) đã mang lại nguồn lợi khá lớn cho người dân địa phương; thậm chí, có hộ thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên, thu hái lá giang ở các khu rừng phòng hộ chưa được quản lý chặt chẽ, gây ảnh hưởng đến môi trường rừng và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự ở địa phương.

Hái ra tiền từ “lộc rừng”

Đến các xã Xuân Thượng, Việt Tiến, Xuân Hòa những ngày này, đi đâu cũng thấy người dân xôn xao rủ nhau vào rừng phòng hộ lấy lá giang về bán và bàn tán xung quanh giá thu mua cao - thấp giữa các điểm thu mua trên địa bàn. Họ không cần biết tư thương thu mua lá giang về làm gì và tiếp tục xuất bán đi đâu, chỉ biết có cầu ắt có cung. Theo yêu cầu của tư thương, chỉ mua những lá giang còn tươi, bản to và không bị dập nát. Hiện trên thị trường, lá giang tươi bán với giá dao động từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg.

Người dân vào rừng phòng hộ thu hái lá giang.

Người dân vào rừng phòng hộ thu hái lá giang.

Đi hái “lộc rừng” cũng rất đơn giản, chỉ cần mang theo bao tải lên các khu rừng phòng hộ có cây giang mọc tự nhiên hái mang xuống cửa rừng bán là có tiền. Cây giang thuộc họ tre nứa, thân dẻo dai, sống thành từng khóm lớn, mọc đan cài vào nhau như những tấm lưới. Người dân di chuyển phía trên những "tấm lưới" đó, chuyền từ cây này sang cây khác để hái lá. Theo những người đi lấy lá giang, công việc tuy vất vả nhưng bù lại cho thu nhập khá cao, dao động từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng/ngày.

Chúng tôi theo chân một số người dân xã Việt Tiến mục sở thị việc hái “lộc rừng”. Từ sáng sớm, hàng đoàn xe máy của người dân các xã Xuân Thượng, Xuân Hòa, Việt Tiến… (Bảo Yên) và một số địa phương lân cận dọc Tỉnh lộ 160 nhộn nhịp tỏa theo những con đường dẫn vào những cánh rừng phòng hộ. Chúng tôi bám theo một tốp người đến thôn Việt Hải, sau đó rẽ vào tuyến đường đất để lên cửa rừng. Ở bìa rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 358, chúng tôi bắt gặp rất nhiều điểm tập kết xe máy của người dân đi hái lá giang.

Thu hái lá giang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Thu hái lá giang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Sau khoảng nửa giờ luồn rừng, vượt dốc lên đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn lô 1 - lô 2, Tiểu khu 358, thuộc địa phận thôn Việt Hải, xã Việt Tiến, chúng tôi thấy nhiều quần thể cây giang đã bị hái lá xơ xác, thậm chí nhiều bụi giang lớn đã bị người dân đốn hạ không thương tiếc. Khu vực gần không còn, người dân phải đi vào sâu hơn với khoảng 1 đến 2 giờ đi bộ. Càng vào sâu, càng lên cao cũng đồng nghĩa việc thu hái, vận chuyển lá giang về nơi tiêu thụ sẽ khó khăn và vất vả thêm nhiều lần.

Dưới tán rừng phòng hộ vốn tĩnh mịch, không thấy bóng người nhưng không khó để nghe thấy những tiếng bẻ lá giang nghe răng rắc. Lần theo tiếng bẻ lá, chúng tôi gặp chị Lý Tả Mẩy ở bản Thâu 6, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên. Theo chị Mẩy, những ngày qua lá giang được giá, chị và một số người cùng xã sang xã Việt Tiến để thu hái lá giang đem bán. Công việc hái lá khá vất vả nhưng cũng mang lại thêm một nguồn thu cho gia đình.

Trao đổi với phóng viên, anh Tẩn A Q, một người dân thôn Việt Hải, xã Việt Tiến kể: Từ đầu tháng 5, nhiều người dân các xã giáp ranh thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái và huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang kéo sang hái lá giang. Nguy hiểm hơn họ còn chặt ngả cả cây làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và môi trường rừng. Biết chuyện, người dân xã Việt Tiến đã thông tin cho lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, xử lý. Sự việc tưởng sẽ được vãn hồi, nhưng do một số tiểu thương hướng dẫn cách hái lá và tiến hành thu mua, nhiều người dân trong xã tiếp tục lên rừng hái lá giang về bán. Thấy việc hái lá giang có nguồn thu nhập khá, nên mỗi ngày có vài trăm người trong xã Việt Tiến lên các khu rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 358 để hái, sau đó mang bán cho các điểm thu mua trên địa bàn.

“Nếu việc hái lá giang vẫn diễn ra với tốc độ như hiện nay, khi bước vào mùa khô nguy cơ xảy ra cháy rừng sẽ rất cao” – Anh Q lo lắng!

Cần quản lý bền vững

Qua tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 8 đến nay giá lá giang tăng cao hơn, có thời điểm lên đến 17.000 đồng/kg nên số người đổ xô lên rừng hái lá cũng tăng. Lá bánh tẻ bị vặt trụi, cành nhỏ bị gẫy do vít cành hái lá, cây đổ gẫy và bị chặt phá khiến nhiều khoảnh rừng phòng hộ xác xơ. Dư luận nhân dân địa phương hết sức lo lắng vì các cánh rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 358 là nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân phía hạ lưu.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Hồng Cờ, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên cho biết: Tình trạng người dân ồ ạt lên rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã hái lá giang đã và đang đẩy những khoảnh rừng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều người dân ở xã khác, thậm chí cả bên Yên Bái, Hà Giang đổ vào khai thác lá giang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là ở khu vực giáp ranh, khi phát hiện thì họ lập tức di chuyển sang địa phận khác, rất khó xử lý. Người dân vào rừng hái lá giang làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái rừng phòng hộ. Bên cạnh đó, các thương lái ở địa phương khác đến cạnh tranh thu mua lá giang cũng đang gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ông Phạm Hồng Thái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Yên, cho biết: Cây giang sinh trưởng rải rác trong 8.600 ha rừng phòng hộ của địa phương, nhưng tập trung nhiều ở các xã Việt Tiến, Xuân Thượng, Thượng Hà, Xuân Hòa, Phúc Khánh… Theo quy định, người dân địa phương tham gia chăm sóc bảo vệ rừng sẽ được vào rừng lấy măng tre, nứa, nấm và khai thác lâm sản ngoài gỗ nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng, không được phép hủy hoại rừng. Người dân ở xã nào chỉ được khai thác lá giang tại diện tích rừng phòng hộ của xã đó, nếu sang địa bàn xã khác là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định.“Trước tình trạng người dân ồ ạt khai thác lá giang, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra mức độ khai thác, đối tượng khai thác để xây dựng phương án khai thác phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây rừng, đảm bảo tính năng của rừng cũng như khai thác bền vững”, ông Thái khẳng định.

Người dân sau khi thu hái lá giang rồi bán cho các tiểu thương để mang đến các xưởng sơ chế ở các địa phương khác như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ và được xuất khẩu ra nước ngoài. Giá trị của lá giang như thế nào cần được làm rõ để đánh giá đúng hiệu quả kinh tế của cây giang, từ đó xác định những giải pháp quản lý, khai thác bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Chỉ có như vậy mới khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, nhất là với những diện tích rừng phòng hộ, để người dân thực sự được hưởng lợi từ rừng.

Còn trước mắt, chính quyền các địa phương và các ngành liên quan của huyện Bảo Yên cần triển khai ngay những giải pháp hạn chế và quản lý chặt việc người dân vào rừng hái lá giang để bảo vệ những cánh rừng phòng hộ trước khi chưa muộn. Đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở xung quanh hoạt động cạnh tranh thu mua lá giang, không để phức tạp tình hình và những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360010-can-giai-phap-quan-ly-hoat-dong-khai-thac-la-giang-ben-vung