Cần giải pháp quản lý người qua lại giữa các tỉnh

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 24/6, cả nước ghi nhận 285 ca mắc Covid-19 (người bệnh thứ 13.948 đến 14.232), trong đó có sáu ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 279 ca ghi nhận trong nước, tại TP Hồ Chí Minh (162 ca), Bình Dương (27 ca), Bắc Giang (28 ca), Bắc Ninh (bảy ca), Thái Bình (năm ca), Tây Ninh (hai ca), Long An (hai ca), Hưng Yên (hai ca), Khánh Hòa (một ca), Ðà Nẵng (20 ca), Tiền Giang (chín ca), Phú Yên (tám ca), Nghệ An (năm ca), Hải Phòng (một ca).

Công nhân khử khuẩn trước khi vào làm việc tại Công ty TNHH Interwood Việt Nam (Bình Dương).

Công nhân khử khuẩn trước khi vào làm việc tại Công ty TNHH Interwood Việt Nam (Bình Dương).

Trong đó 260 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, số còn lại đang điều tra dịch tễ. Ðáng chú ý, hai tỉnh lần đầu ghi nhận các ca mắc Covid-19 là Khánh Hòa, Phú Yên. Hiện cả nước có 46 tỉnh, thành phố có người mắc Covid-19. Trong ngày, có 75 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; đồng thời ghi nhận hai người bệnh mắc Covid-19 bị chết.

Cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai về công tác PCD Covid-19. Ðến nay, tỉnh Ðồng Nai ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó có bốn ca mắc trong đợt dịch thứ tư này. Hiện, các lực lượng chức năng đã truy vết 500 trường hợp F1, 2.000 F2.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu tỉnh Ðồng Nai chủ động ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn; kiểm soát chặt chẽ người từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đến Ðồng Nai và ngược lại. Tuy nhiên, kiểm soát chặt không có nghĩa "ngăn sông, cấm chợ", cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người qua lại, đẩy mạnh khai báo y tế, nhất là đối với công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài… Trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện, cần khoanh gọn ngay từ đầu, làm nhanh; bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật chất để lực lượng y tế yên tâm, tập trung công tác chuyên môn chống dịch.

Thông báo cho người dân trong khu phong tỏa trên tuyến đường Trần Phú, TP Tuy Hòa
(Phú Yên) tuân thủ biện pháp phòng dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng lưu ý, với chủng mới của vi-rút SARS-CoV-2, Ðồng Nai cần bàn kỹ lưỡng các tình huống để bình tĩnh, chủ động, sẵn sàng PCD; căn cứ vào thực tiễn, quyết định khoanh vùng gọn, nghiêm ngặt, tập trung toàn lực để dập dịch. Tuyệt đối tránh tình trạng bên ngoài phong tỏa nghiêm ngặt, bên trong lại "lùng nhùng" do không có đủ lực lượng để quản lý. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế họp với các địa phương để thống nhất cơ chế phối hợp, triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ, quản lý chặt chẽ người qua lại giữa các tỉnh trong khu vực, tránh để dịch bệnh lây lan giữa các địa bàn.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đã kiểm tra việc triển khai PCD Covid-19 tại tỉnh Ðồng Nai và đề nghị địa phương chuẩn bị cơ sở hồi sức để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng; tăng cường thành lập các Tổ Covid-19 trong doanh nghiệp; kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng dịch ở từng nhà máy.

Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, số bệnh nhân mắc đã vượt qua con số 2.000, ngành y tế thành phố đã chủ động tăng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 từ 3.500 lên 5.000. TP Hồ Chí Minh đã triển khai Hệ thống khai báo y tế điện tử cho 9.694 đơn vị. Riêng tại quận Gò Vấp, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số lượt khai báo y tế điện tử là 888.608, qua đó phát hiện 8.941 trường hợp có nguy cơ.

Tỉnh Phú Yên lần đầu ghi nhận tám trường hợp nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, trong đó, TP Tuy Hòa sáu trường hợp và thị xã Ðông Hòa hai trường hợp. Tất cả những trường hợp này đều là F1 của bệnh nhân 13.960. TP Tuy Hòa đã phong tỏa sáu khu vực và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch từ 15 giờ chiều 24/6. Riêng các khu vực đã bị phong tỏa do có trường hợp F0 thực hiện các biện pháp PCD theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tỉnh Bình Ðịnh tăng cường PCD trên địa bàn do lo ngại dịch lây lan từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh lân cận. Theo đó, từ ngày 24/6, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống dọc các tuyến quốc lộ chỉ được bán mang đi; các cơ sở dịch vụ ăn dừng phục vụ ăn uống tại chỗ sau 21 giờ hằng ngày; cấm tắm biển trên địa bàn toàn tỉnh...

Từ 0 giờ ngày 24/6, tỉnh Hậu Giang tái thiết lập các chốt kiểm soát PCD tại các tuyến giao thông trọng kiểm, cửa ngõ vào Hậu Giang để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông từ các địa phương đang có ca nhiễm trong cộng đồng vào địa phương.

Ngày 24/6, tỉnh Bình Thuận phát hiện một trường hợp nghi nhiễm Covid-19, là bác sĩ làm việc tại Khoa sản, Bệnh viên đa khoa tỉnh Bình Thuận. Tỉnh đã tạm dừng việc tiếp nhận người bệnh đến khám, chữa bệnh trong ba ngày; phong tỏa Khoa sản của Bệnh viện từ 0 giờ ngày 24/6. Ngành y tế và các địa phương bước đầu đã xác định được 308 F1. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo TP Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 từ 12 giờ ngày 24/6 và huyện Tuy Phong thực hiện giãn cách từ 0 giờ ngày 25/6.

Ngày 24/6, Ban Chỉ đạo PCD tỉnh Tây Ninh họp đột xuất trực tuyến nhằm triển khai các biện pháp khẩn cấp khi phát hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH Winga Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Thành Công (thị xã Trảng Bàng). Tỉnh đã tổ chức cách ly y tế đối với toàn bộ khuôn viên công ty trong 28 ngày, áp dụng cách ly y tế một khu vực thuộc ấp Phước Dân, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng ít nhất 21 ngày.

Trước việc xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Vĩnh Bảo, chiều 24/6, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành Văn bản số 4154/UBND-VX về chấn chỉnh kiểm soát phương tiện ra vào thành phố tại các chốt cửa ngõ.

Ðể tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc-xin PCD Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay, với mục tiêu nhanh và an toàn, Sở Y tế Hà Nội đề nghị chính quyền các địa phương, thủ trưởng các đơn vị, Ban chỉ đạo khu công nghiệp chịu trách nhiệm lập danh sách, vận động người đi tiêm đầy đủ. Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đang xây dựng kế hoạch tiêm chủng, gồm ba phương án dự kiến là: Thiết lập từ 1.000 đến 1.200 điểm tiêm trên toàn thành phố (cố định, lưu động); thiết lập hai điểm tiêm/một xã, phường; thiết lập điểm tiêm theo quy mô
dân số.

PV

Chiều 24/6, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ðỗ Văn Chiến đã tiếp nhận từ Tập đoàn TCC ủng hộ Quỹ vắc-xin 23 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Aon Vina (Landmark72) ủng hộ Quỹ vắc-xin số tiền 300 triệu đồng. Ðến nay, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương hơn 4.200 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/can-giai-phap-quan-ly-nguoi-qua-lai-giua-cac-tinh--652094/