Cần giải pháp toàn diện

Nếu như các nước phát triển đang lao đao vì đại dịch, thì các quốc gia kém phát triển và là 'điểm nóng' xung đột hiện đang đối mặt nguy cơ chìm trong khủng hoảng nhân đạo. Trước nguy cơ này, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã cấp tốc thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên ở những 'điểm nóng' tạm ngừng xung đột trong 90 ngày, nhằm tập trung cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Nếu như các nước phát triển đang lao đao vì đại dịch, thì các quốc gia kém phát triển và là “điểm nóng” xung đột hiện đang đối mặt nguy cơ chìm trong khủng hoảng nhân đạo. Trước nguy cơ này, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) đã cấp tốc thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên ở những “điểm nóng” tạm ngừng xung đột trong 90 ngày, nhằm tập trung cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Bức tranh “nhân đạo” tại các quốc gia nêu trên đang chìm trong xung đột ngày càng trở nên u ám hơn khi các báo cáo cho thấy, giao tranh và thảm họa thiên tai buộc hơn 33 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn ngay trong chính quốc gia của họ trong năm 2019. Con số này đã nâng tổng số người phải đi lánh nạn ngay trong các nước xảy ra xung đột và thiên tai tăng lên mức kỷ lục 50,8 triệu người, cao hơn nhiều so với khoảng 26 triệu người di tản khỏi quốc gia của họ để xin tị nạn tại những nước khác. Xung đột khiến 8,5 triệu người phải di tản tại các quốc gia như Xy-ri, CHDC Công-gô, Ê-ti-ô-pi-a và Nam Xu-đăng. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, người tị nạn càng dễ bị tổn thương hơn và bị hạn chế tiếp cận những dịch vụ thiết yếu hay viện trợ nhân đạo do điều kiện sống bấp bênh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể bùng phát và tác động tới các vùng xung đột. Cuộc sống của người dân ở những “điểm nóng” đối mặt thêm nhiều thách thức với sự xuất hiện của đại dịch ở nhiều nước như Xy-ri, Li-bi và Y-ê-men…

Một trong những thách thức nghiêm trọng ở những quốc gia đang chìm trong xung đột là sự chia rẽ chính trị, vốn thường cản trở việc chia sẻ thông tin và gây khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực vì mục đích nhân đạo. Giao tranh gây đình trệ hoạt động sản xuất lương thực, phá hủy cơ sở hạ tầng, dẫn đến hậu quả người dân mất nhà cửa, gây khủng hoảng nhân đạo và nạn đói nghiêm trọng. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, năm 2019, có 135 triệu người tại 55 quốc gia đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cao nhất trong vòng bốn năm trở lại đây, trong đó 60% là tại các nước có xung đột hoặc bất ổn.

FAO cảnh báo, khủng hoảng lương thực năm nay sẽ còn nghiêm trọng hơn do tác động kép của xung đột, thời tiết cực đoan, sâu bọ, khủng hoảng kinh tế, cũng như đại dịch. Số người đối mặt nguy cơ chết đói có thể tăng gần gấp đôi, lên tới 265 triệu người.

Dự thảo nghị quyết mới của HĐBA đề cập hàng loạt cuộc xung đột ở các nước Xy-ri, Y-ê-men, Áp-ga-ni-xtan, Ma-li, CH Trung Phi, Li-bi, Cô-lôm-bi-a và Xu-đăng. Nhiều năm hỗn loạn và đụng độ ở các nước này đã hủy hoại cơ sở hạ tầng y tế, khiến người dân vốn chịu nhiều tổn thương dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Bất ổn và xung đột tại Xy-ri đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng triệu người mất nơi cư trú và phải đi tị nạn. Gần một triệu người di cư ở Y-ê-men cũng có nguy cơ không có nơi trú ngụ. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Y-ê-men cần khoảng 89,4 triệu USD trong những tuần tới nhằm duy trì các chương trình viện trợ cứu sinh. Hơn 3,5 triệu người, gồm người di cư nội địa, người hồi hương, người tị nạn và người xin tị nạn, hiện phụ thuộc vào nguồn viện trợ nhân đạo thường xuyên để duy trì sự sống. Khoảng 80% dân số Y-ê-men, tương đương 24 triệu người, phải dựa vào nguồn viện trợ và 10 triệu người đang đối mặt nạn đói.

LHQ cảnh báo, Xu-đăng cũng đang đối mặt thảm họa nhân đạo do dịch Covid-19, nếu các lệnh trừng phạt đối với nước này không được dỡ bỏ và quốc tế không hỗ trợ tài chính. Hệ thống y tế của Xu-đăng chưa được trang bị để ứng phó dịch bệnh với quy mô lớn như hiện nay. Hiện khu vực Tây và Trung Phi đang chứng kiến những dòng người tị nạn khổng lồ, với khoảng chín triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do xung đột và biến đổi khí hậu.

Lo ngại nguy cơ xảy ra thêm các thảm kịch nhân đạo, HĐBA kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn, tuân thủ triệt để luật nhân đạo quốc tế và các nghị quyết liên quan của HĐBA, để tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ tiếp cận với những khu vực đang xảy ra giao tranh. Bên cạnh việc duy trì cam kết viện trợ nhân đạo cho người dân, LHQ và cộng đồng quốc tế cần hợp tác, hỗ trợ các nước khôi phục sau xung đột, cải thiện sinh kế người dân, tìm giải pháp xây dựng hòa bình và bảo đảm an ninh lương thực. Những “phương thuốc cứu đói” đang được cộng đồng quốc tế xúc tiến hiện nay chỉ là tạm thời, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần tập trung hỗ trợ tìm giải pháp toàn diện nhằm ngăn chặn vòng luẩn quẩn đói nghèo - xung đột mới có thể tránh cho thế giới phải chứng kiến thêm những thảm kịch trong tương lai.

MINH AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/44332402-can-giai-phap-toan-dien.html