Cần gỡ 'nút thắt' trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42

Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng do Quốc hội ban hành, có hiệu lực trong vòng 5 năm kể từ ngày 15/8/2017 giúp tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 42 đã giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu theo phương thức thông thường, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

 Nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong việc trả nợ vay đóng tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ - Ảnh: T.T

Nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong việc trả nợ vay đóng tàu theo Nghị định số 67 của Chính phủ - Ảnh: T.T

Nghị quyết số 42 đóng vai trò như một công cụ giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) gia tăng khả năng xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong hoạt động mua, bán nợ xấu, thực thi quyền thu giữ tài sản bảo đảm, rút gọn thủ tục trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án.

Vì vậy, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh quán triệt, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Tăng cường, đổi mới công tác thanh tra, giám sát các TCTD trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 42. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của từng hội sở chính và đã tích cực thường xuyên theo dõi tình hình kinh doanh, bám sát nguồn trả nợ của khách hàng để thu nợ dần.

Đôn đốc khách hàng trả nợ kết hợp với xem xét miễn giảm lãi đối với khách hàng nợ xấu nhưng có thiện chí trả nợ, phối hợp cùng với các cơ quan thi hành án tỉnh, thành phố, cơ quan tòa án để yêu cầu khách hàng trả nợ; tìm biện pháp xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ. Đối với các quỹ tín dụng nhân dân, căn cứ vào phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện, đảm bảo các chỉ tiêu đề ra đạt kết quả tốt.

Đến thời điểm 30/10/2021, tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 (bao gồm tổng các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020 của NHNN Việt Nam được giữ nguyên nhóm nợ, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản) của các TCTD trên địa bàn tỉnh là 1.230.253 triệu đồng. Số nợ xấu đã được xử lý là 1.389.074 triệu đồng.

Nợ xấu chủ yếu tập trung tại các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thi công xây lắp công trình, kinh doanh xăng dầu, mua bán vật liệu xây dựng, một số khách hàng vay vốn đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/ NĐ-CP của Chính phủ, các khách hàng cá nhân vay phục vụ đời sống…

Năm 2021, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp khiến cho khả năng trả nợ của khách hàng gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến nợ xấu tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong hai năm qua khiến giá cả hàng nông sản xuất khẩu xuống thấp, nguồn thu nhập bị giảm sút, làm ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của các TCTD. Trên thực tế, tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản ở vùng nông thôn, việc xử lý tài sản để thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt đối với tỉnh Quảng Trị, nợ xấu của các khoản cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về phát triển thủy sản có xu hướng tăng lên, một phần do khó khăn trong quá trình đánh bắt xa bờ, một phần do một số khách hàng thiếu thiện chí trả nợ…Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ trả nợ được bảo đảm của TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ không có bảo đảm của bên bảo đảm (như nghĩa vụ thuế, án phí…).

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, các TCTD phản ánh về việc nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là TCTD đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, nhiều trường hợp số tiền bán tài sản đảm bảo không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chủ nợ có bảo đảm của TCTD.

Thực tế triển khai Nghị quyết số 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Trong khi đó, chỉ trong vòng một năm nữa, Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD là rất lớn.

Nhằm xử lý rốt ráo nợ xấu, hình thành và phát triển thị trường nợ xấu, cần nghiên cứu luật hóa Nghị quyết số 42 để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, đặc biệt là tính cưỡng chế, cùng sự vào cuộc của nhiều cơ quan để có tính mạnh mẽ hơn. Việc luật hóa quy định này cần theo hướng kế thừa các quy định về xử lý nợ còn phù hợp. Đồng thời bổ sung các quy định về việc thu giữ tài sản bảo đảm, về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật của các vụ việc hành chính... cho phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả thực hiện trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164080&title=can-go-%E2%80%9Cnut-that%E2%80%9D-trong-xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-so-42