Cần hiểu đúng về trùng tu biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo

Trong những ngày qua, dư luận đã có những phản ứng trái chiều về dự án trùng tu biệt thự có kiến trúc Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều khẳng định hầu hết mọi người đều chưa hiểu đúng về dự án trùng tu lần này.

Biệt thự có kiến trúc Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài trước khi trùng tu.

Biệt thự có kiến trúc Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài trước khi trùng tu.

Tôn trọng nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc

Dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp Nhà biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài tại quận Hoàn Kiếm được khởi công từ ngày 27/04/2022. Đây là một trong những công trình được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX vẫn còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc.

Sau gần 1 năm thực hiện, đến nay dự án đang đi vào giai đoạn hoàn thiện nhưng dư luận đã phản ứng khá gay gắt về màu vôi mới và mức kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng quá trình trùng tu còn chưa hoàn tất nên chưa thể đánh giá vội vàng.

Trước hết, giải thích về các nguyên tắc trùng tu công trình lần này, ông Emmanuel Cerise - đại diện vùng Ile-de-France tại Việt Nam, Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam, chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài cho biết: “Khi thực hiện dự án trùng tu, chúng tôi phải đảm bảo rất nhiều vấn đề về mặt kỹ thuật, kết cấu, nguyên vật liệu, lựa chọn làm sao cho phù hợp, hài hòa và đúng nguyên tắc bảo tồn. Lựa chọn màu vôi chỉ là chi tiết rất nhỏ nhưng lại là điều mà dư luận quan tâm nhất. Trong khi đó, quá trình tu bổ công trình đã có nhiều vấn đề khác phức tạp hơn”.

Ông Cerise chia sẻ: Biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo được xây dựng vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và là công trình do tư nhân quản lý, sử dụng nên gần như không có hồ sơ lưu trữ. Chính vì thế, trong quá trình tìm hiểu đặc điểm công trình, các chuyên gia đã dựa trên nghiên cứu mang tính chất đánh giá hiện trạng và thám sát vật liệu công trình.

“Trong quá trình thám sát các lớp vữa phủ bên ngoài, chúng tôi may mắn tìm được lớp vữa gốc là có gam màu đang được quét như hiện nay. Sau gần 100 năm, lớp màu đó đã có những thay đổi nhất định nhưng chúng tôi đã dựa vào một số bức ảnh cũ chụp về Hà Nội (ảnh màu đầu tiên về Hà Nội) để áp dụng cho việc trùng tư dự án này.

Nếu chúng tôi cố tình làm màu nhạt đi thì nó sẽ trông có vẻ nhuốm màu thời gian và được mọi người đồng thuận hơn, nhưng đó không phải là cách bảo tồn thật sự. Chúng ta phải tôn trọng đặc điểm gốc như khi biệt thự mới được xây dựng, còn làm cho nó nhạt nhòa đi thì rất nhanh sau đó màu sắc ấy sẽ không còn là màu của công trình nữa”.

Theo Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam, nếu làm nhạt màu vôi thì sau một thời gian nữa, tác động của ánh nắng, mưa gió sẽ khiến màu nhạt tiếp và không còn giữ đúng đặc điểm của công trình. Do đó, đơn vị trùng tu có thể điều chỉnh màu vôi một chút nhưng về cơ bản sẽ không thay đổi gam màu gốc của công trình.

Ngoài ra, ông Emmanuel Cerise cũng khẳng định dự án đến thời điểm này là chưa hoàn thành nên chúng ta không nên coi đó là hình ảnh của công trình đã được trùng tu một cách hoàn thiện.

Cùng chung ý kiến với chuyên gia Pháp, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, dự án trùng tu biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo vẫn chưa hoàn thiện, còn nhiều hạng mục như sân, thềm chưa triển khai nên chưa thể đánh giá chính xác. Tông màu về cơ bản vẫn bám sát nguyên gốc, nhưng độ đậm nhạt có thể điều chỉnh.

TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc dư luận có những ý kiến trái chiều khi trùng tu công trình kiến trúc là điều khó tránh khỏi. Trước đây, khi Hà Nội tu sửa Tháp Rùa, Ô Quan Chưởng hay sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng có nhiều ý kiến tranh cãi. Công trình Nhà hát Lớn thậm chí còn phải sơn lại toàn bộ vì màu sơn đầu bị phản ứng là quá lòe loẹt. Tuy nhiên, các công trình này sau khi hoàn thiện, điều chỉnh thì đều khiến người dân hài lòng.

Chia sẻ về vấn đề này, KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất khi trùng tu tôn tạo là tuân thủ nguyên mẫu cũ. Màu vôi không chỉ cần phù hợp với công trình mà còn phải phù hợp với không gian, cây cỏ xung quanh.

Màu vôi mới của biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài bị dư luận chê không phù hợp với công trình gần 100 năm tuổi.

Màu vôi mới của biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài bị dư luận chê không phù hợp với công trình gần 100 năm tuổi.

Kinh phí 14 tỷ đồng không quá lớn

Củng cố thêm quan điểm của Giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France tại Việt Nam, ông Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc được đưa lên hàng đầu: “Trong quá trình tu bổ, chúng tôi đã phát hiện màu vôi đầu tiên của công trình. Với nguyên tắc bảo tồn, công trình này được hoàn chỉnh bằng lớp vữa chát tam hợp gồm cát, vôi và xi măng. Chất liệu đưa ra màu hiện nay có nguồn gốc vôi, đảm bảo tính đồng nhất về mặt vật liệu”.

Giải thích về kinh phí trùng tu dự án, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, kinh phí 14 tỷ đồng được lấy từ nguồn ngân sách của quận. Số tiền này chỉ dành cho việc trùng tu dự án, còn kinh phí cho nội thất bên trong công trình đang tiếp tục được tính toán. Nguồn kinh phí này được duyệt trong định mức cho phép. Ngoài ra, trong hơn 1 năm qua, phía Pháp đã chi trả toàn bộ kinh phí cho các chuyên gia người Pháp tham gia quá trình đánh giá và tu bổ.

Cá nhân ông Emmannuel Cerise cũng nói rằng, số tiền 14 tỷ đồng không phải là quá lớn bởi việc trùng tu một biệt thự cổ đúng với nguyên gốc rất kỳ công. Số tiền này cũng không thể xây được một biệt thự đúng như công trình gốc sau trùng tu, dù nó đắt đỏ so với xây một biệt thự giả cổ mới.

Dịch Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/can-hieu-dung-ve-trung-tu-biet-thu-phap-co-so-49-tran-hung-dao-352769.html