Cần hoàn thiện biểu mẫu hình sự theo hướng thống nhất

Ngày 14-12-2017, Bộ Công an ban hành Thông tư số 61/2017-BCA kèm theo 284 biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự. Văn bản này đã có ý kiến thống nhất với Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên được áp dụng với cơ quan điều tra của Công an nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao và các cơ quan của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Nội dung của thông tư có tác dụng tích cực, giúp lực lượng đấu tranh trực tiếp với các loại tội phạm thuận lợi khi ban hành các văn bản tố tụng có căn cứ, mang tính thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề thực tiễn, được tham gia tố tụng cùng với các điều tra viên và những người có thẩm quyền trong cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều người có ý kiến cho rằng: Những năm qua, diễn biến tội phạm ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất, xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là các vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người phạm tội dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, án có đông bị can, nhiều bị hại và những người tham gia tố tụng khác thì quy định trong một số biểu mẫu có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) ở những điểm sau:

1-Tại mẫu biên bản hỏi cung bị can và biên bản ghi lời khai ở các mẫu số 117 và 118, trong phần ghi chú có quy định “Biên bản này phải được viết tay, không được đánh máy”. “Phải được viết tay” là công việc thủ công truyền thống, có ưu điểm là phản ảnh trung thực diễn biến của việc hỏi cung, lấy lời khai các đương sự, phân biệt được những điểm bổ sung, chỉnh sửa. Tuy nhiên, viết tay khiến các điều tra viên mất nhiều thời gian, đến nay không còn phù hợp với sự phát triển của các phương tiện thu nhận, khai thác thông tin. Bên cạnh đó, một số điều tra viên chữ viết chưa bảo đảm về mặt hình thức (xấu, khó đọc) nên những người khi tham gia tố tụng ở các giai đoạn tiếp theo sẽ gặp khó khăn khi nghiên cứu hồ sơ.

Hiện nay, việc sử dụng máy vi tính trong hoạt động tiếp nhận, ban hành văn bản đã trở thành phổ biến ở cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân. Những công đoạn in văn bản từ máy vi tính được thực hiện phổ thông. Hơn nữa, tại các Điều 133, 178, 183, 184, 186, 187 và 188 BLTTHS đã quy định chặt chẽ về trình tự thủ tục những việc điều tra viên phải làm khi lập biên bản hỏi cung bị can và lấy lời khai những người tham gia tố tụng khác.

Cùng là các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng theo danh mục mẫu ban hành văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 9-1-2018 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao) thì mẫu số 125, 126 là biên bản lấy lời khai và biên bản hỏi cung bị can không quy định “phải được viết tay”. Còn ở giai đoạn xét xử, đối với tòa án, để thực hiện Điều 258 BLTTHS, tại phiên tòa, các thư ký tòa đều sử dụng máy vi tính tác nghiệp biên bản phiên tòa. Nhiều biên bản lấy lời khai ở giai đoạn điều tra được đánh máy, khi xét xử tòa án vẫn chấp nhận, thậm chí họ còn đồng tình với phương pháp xây dựng văn bản này.

2-Tại mẫu số 118-Biên bản khám xét, thành phần tham gia chỉ có người bị khám xét, điều tra viên, người chứng kiến, đại diện chính quyền địa phương, đại diện gia đình và người lập biên bản. Đối chiếu với BLTTHS thì mẫu số 118 chỉ sử dụng được khi điều tra viên thi hành lệnh khám xét khẩn cấp, quy định tại khoản 2 Điều 193. Còn nếu lập biên bản khám xét không thuộc trường hợp khẩn cấp thì tại khoản 3 Điều 193 BLTTHS quy định: “Trước khi tiến hành khám xét, điều tra viên phải thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để cử kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét”.

Như vậy, biên bản khám xét trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 193 phải có thành phần viện kiểm sát, nhưng Thông tư số 61/2017-BCA ngày 14-12-2017 của Bộ Công an lại chưa quy định loại biểu mẫu này.

Từ thực tiễn áp dụng luật xin đề nghị Bộ Công an:

Một, đối với mẫu số 117, 118, biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai không nên quy định “phải được viết tay” mà có thể hướng dẫn việc lập biên bản tùy điều kiện cụ thể điều tra viên có thể thực hiện bằng phương pháp đánh máy.

Hai, cần bổ sung mẫu biên bản khám xét trong trường hợp thuộc khoản 3 Điều 193 BLTTHS như đã dẫn ở trên.

Luật gia NGUYỄN THÀNH MINH (Chi hội Luật gia - Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/luat-su-cua-ban/can-hoan-thien-bieu-mau-hinh-su-theo-huong-thong-nhat-614510