Cần khắc phục chồng chéo trong thanh tra, kiểm toán

Chiều 7/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Nguyễn Văn Sinh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần “khoanh” phạm vi đích thực để không tràn lan, tránh chồng chéo với các đối tượng kiểm toán khác.

Theo ĐB Nguyễn Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), Kiểm toán Nhà nước là một thiết chế rất đặc thù do Quốc hội thành lập. Vì đặc thù nên yêu cầu luật cũng phải phù hợp với tổ chức và chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước. “Chính vì vậy để hoạt động kiểm toán mang lại hiệu quả tốt hơn, chúng ta phải rà soát bổ sung luật để nâng cao vị trí vai trò chức năng nhiệm vụ của Kiểm toán, hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ chính trị được Quốc hội giao”, ĐB Sinh nói.

ĐB Sinh cho rằng, trong kỳ họp lần này, có mấy vấn đề đặt ra đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Thứ nhất là đối tượng kiểm toán, Luật Kiểm toán quy định đối tượng kiểm toán là nguồn tài sản liên quan đến tài sản công mà đã là tài sản công thì có mối liên hệ kinh tế đối với các cơ quan trực tiếp sử dụng tài sản này, như vậy rõ ràng phạm vi đối tượng trực tiếp đúng là sử dụng tài sản công, nguồn vốn công nhưng đối tượng này có quan hệ kinh tế với các đơn vị khác thì rõ ràng khi kiểm toán sẽ có quyền được kiểm tra các liên kết thông tin và khi đó kết quả kiểm toán mới hoàn chỉnh thông tin để có thể đưa ra kết luận.

Vấn đề thứ hai, Kiểm toán Nhà nước là một thiết chế riêng không phải là cơ quan lập pháp, không phải là cơ quan hành pháp cũng không phải cơ quan tư pháp nhưng cần ban hành các văn bản để hướng dẫn. Ví dụ, hướng dẫn Luật Kiểm toán, hướng dẫn các nghị quyết của Quốc hội hoặc hướng dẫn các nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán,… nên Kiểm toán Nhà nước cũng có quyền được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

“Một số ý kiến cho rằng Kiểm toán Nhà nước không có quyền đó nhưng tôi cho rằng như vậy là vô lý bởi quyền đó là do luật định. Do đó, theo tôi cần sửa Luật Ban hành quy phạm pháp luật cho phép Kiểm toán Nhà nước được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chức năng hoạt động của kiểm toán và đảm bảo hoạt động có hiệu quả hơn”, ĐB Sinh nói thêm.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trong 18 nội dung mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra thì chỉ có 5 nội dung Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng tình với dự thảo Luật; 2 nội dung đề nghị chỉnh sửa lại; 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến trong Ủy ban không đồng tình vì chưa thực sự cần thiết, không đảm bảo công bằng và đề nghị giữ như Luật hiện hành. Hơn nữa, nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung chưa nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan.

Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung do nhiều vấn đề mới phát sinh cần giải quyết. Một số quy định bộc lộ những bất cập hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với các luật khác có liên quan.

Sửa luật còn để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan...

Lê Sơn (ghi)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/kiem-toan-nha-nuoc-can-khac-phuc-chong-cheo-trong-thanh-tra-kiem-toan/367834.vgp