Cần khẩn trương có các biện pháp khắc phục sạt lở bờ hữu sông Thao

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 cùng mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã gây lũ trên sông Thao, làm thiệt hại tài sản, hoa màu của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông. Đặc biệt nghiêm trọng, nước sông lên cao đã gây sạt lở bờ vở sông Thao tại khu 18, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân.

Vị trí sạt lở tại khu 18, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông

Vị trí sạt lở tại khu 18, xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông

Tại hiện trường vị trí sạt lở có thể dễ dàng quan sát thấy cung trượt lên đến 50m, sạt lở 35m tường rào, lở sâu trong đất của 1 hộ gia đình và chùa Vực Long khoảng 3,5m.

Dẫn chúng tôi ra vị trí bị nước lũ ăn sâu, anh Lê Ngọc Minh - đại diện hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp cho biết: “Hiện cả gia đình tôi rất lo lắng, bất an khi vị trí sạt lở chỉ còn cách nhà chưa đến 10m. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, sạt lở sẽ lấn sâu vào đất ở, uy hiếp tính mạng, tài sản của gia đình tôi”.

Về phía chùa Vực Long, vị trí sạt lở đã ở sát sân chùa, khiến mặt sân xuất hiện nhiều vết nứt gãy dài, sâu đến 70cm, rất nguy hiểm.

Cán bộ địa chính xã đo độ sâu của những vết nứt trong sân chùa Vực Long.

Cán bộ địa chính xã đo độ sâu của những vết nứt trong sân chùa Vực Long.

Qua tìm hiểu được biết, xã Bắc Sơn được sáp nhập từ ba xã Xuân Quang, Hương Nha và Vực Trường trước đây. Từ năm 2009, khi tình hình mưa lũ trên địa bàn diễn biến ngày một phức tạp, tỉnh đã đầu tư xây dựng kè tại một số vị trí có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn 3 xã. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, tỉnh chỉ ưu tiên xử lý những khu vực có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn của người dân và công trình đê điều.

Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn xã Bắc Sơn có 3 vị trí xuất hiện tình trạng sạt lở thuộc các khu 1 (xã Xuân Quang cũ), khu 10 (thuộc xã Hương Nha cũ) và khu 18 (thuộc khu 1,2,3 xã Vực Trường cũ). Trong đó, khu 1 đã được tỉnh đầu tư kè khẩn cấp khoảng 700m vào năm 2018. Tuy nhiên, năm 2022, do thay đổi dòng chủ lưu, khoảng 2/3 kè đã bị sụt lún và trôi xuống sông. Đến tháng 5/2024, sau khi kiểm tra thực tế, tỉnh một lần nữa phê duyệt kè đá hộc 300m và kè lát mái 50m bờ sông tại khu vực này.

Cán bộ và người dân luân phiên trực tại vị trí sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Cán bộ và người dân luân phiên trực tại vị trí sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Trong khi đó, gần 700m đoạn bờ sông thuộc khu 10 và gần 800m đoạn bờ sông thuộc khu 18, đến nay, vẫn chưa được xử lý kè đá hộc hay kè lát mái dù xã đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri và báo cáo gửi cấp trên, do chưa bố trí được nguồn kinh phí.

Khi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây lũ trên sông Thao trong những ngày qua, tình trạng sạt lở bờ vở sông lại xuất hiện ở cả 3 vị trí trên. Đặc biệt, vị trí khu 1 bị sạt 220m kè, khiến 5 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 2 hộ dân phải di dời; vị trí khu 18 bị sạt lở nghiêm trọng như đã đề cập ở trên.

Đồng chí Phan Kim Trọng - Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết: “Ngay khi nhận được tin báo từ người dân tại khu 18, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã cũng như UBND xã đã xuống kiểm tra, xác minh thực tế và báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện; đồng thời căng dây, cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở, nghiêm cấm người dân tiếp cận khu vực này. Bên cạnh đó, xã đã tổ chức 3 kíp trực luân phiên 24/24 giờ tại UBND xã và 2 vị trí sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân”.

Cũng theo đồng chí Phan Kim Trọng, UBND xã đã có văn bản báo cáo UBND huyện, đề nghị cho kè khẩn cấp 2 vị trí sạt lở bờ vở sông tại khu 1 với chiều dài là 200m và khu 18 với chiều dài là 300m; mong muốn UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện nghiên cứu, đề xuất với tỉnh xem xét triển khai kè toàn bộ bờ vở sông tại khu 10 và khu 18 hoặc có biện pháp khắc phục triệt để để người dân yên tâm sinh hoạt và sản xuất.

Phương Thúy - Bảo Thoa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/can-khan-truong-co-cac-bien-phap-khac-phuc-sat-lo-bo-huu-song-thao-219341.htm