Cần kíp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí

Báo chí hiện nay đang phải đối diện với việc sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi phần lớn doanh thu quảng cáo. Trong thời điểm khó khăn này, các cơ quan báo chí và Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị áp một mức thuế chung với báo chí là 10%, để tạo thuận lợi cho cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân. Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này, và việc đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí là cấp thiết và đang được các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương quan tâm.

Giảm thuế sẽ giảm gánh nặng kinh tế báo chí

Thực tế, các cơ quan báo chí in đã được Nhà nước ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất là 10%. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí có hai loại hình báo chí trở lên (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử). Trong khi đó, hoạt động báo chí đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Vì vậy, Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất Nhà nước thống nhất áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình báo chí, tạo điều kiện hỗ trợ cho báo chí và thuận lợi cho công tác hạch toán, quản lý thuế.

 Việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí xuống 10% đối với tất cả các loại hình báo chí là phù hợp. Ảnh: minh họa

Việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí xuống 10% đối với tất cả các loại hình báo chí là phù hợp. Ảnh: minh họa

Là một trong những lãnh đạo báo chí đặc biệt quan tâm đến các vấn đề cơ chế chính sách cho báo chí, hướng đến quyền lợi cho cán bộ, người lao động, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho rằng, thực tế hiện nay, khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, kinh tế báo chí cũng đang trên đà tụt dốc khi độc giả bỏ báo in chuyển dần sang báo điện tử. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều nền tảng quảng cáo mới dẫn đến kinh tế báo chí ngày càng khó khăn hơn. Cho nên, báo Thanh niên đã từng kiến nghị vấn đề này tới Bộ Thông tin & Truyền thông và ông mong rằng trong thời điểm sửa Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp thì những kiến nghị của báo chí được xem xét và quan tâm.

Ông cho biết, trên thực tế, báo chí vẫn đang chia sẻ với khó khăn chung của đất nước và vẫn thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhưng quả thực, hiện nay báo chí đang gặp khó khăn, khi vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự chủ tài chính. Đặc biệt, trong bối cảnh báo chí đang phải cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, báo chí cần có nguồn lực tài chính, đủ sức duy trì nuôi bộ máy để tiếp tục làm tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững quan điểm chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Chính vì thế, theo Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn, việc điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí xuống 10% đối với tất cả các loại hình báo chí là phù hợp. "Tôi cho rằng, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan Nhà nước. Và để luôn có sức mạnh của một mặt trận văn hóa tư tưởng, chúng tôi đề nghị có một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay" – nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định.

Về vấn đề này, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đồng tình với kiến nghị của Bộ Thông tin Truyền thông về việc các loại hình báo chí cần đưa về thuế suất ưu đãi 10%, thậm chí mức thuế suất ưu đãi hạ thấp hơn nữa nhằm tạo nguồn tài chính cho cơ quan báo chí, để nâng chất lượng nội dung thông tin. Ông Trần Tiến Duẩn phân tích: Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí từ 20% xuống còn 15%, báo in vẫn giữ ở mức 10% như trước. Đây là tín hiệu tích cực và khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, mức đề xuất vẫn chưa thực sự tháo gỡ được khó khăn cho cơ quan báo chí, đặc biệt là đối với báo điện tử. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình truyền thông khác, hoạt động quảng cáo của các cơ quan báo chí cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó quảng cáo trên báo in suy giảm, quảng cáo trên báo điện tử chưa cạnh tranh được với các loại hình quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội. Việc có những chính sách hợp lý lúc này như việc cùng áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% hoặc thấp hơn nữa cho các loại hình báo chí sẽ giúp giảm áp lực cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh khó khăn chung.

Trước thực trạng kinh tế báo chí thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhà báo Trần Tiến Duẩn cũng cho biết thêm, giải bài toán kính tế báo chí khó khăn tất nhiên cần có giải pháp tổng lực, bên cạnh việc Nhà nước đã có cơ chế đặt hàng cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là trong vấn đề truyền thông chính sách thì các đơn vị chủ quản cần có hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí hoặc có cơ chế nhằm tạo điều kiện để tòa soạn tiếp cận được các nguồn kinh tế. Song song với đó, các tòa soạn cũng cần đa dạng hóa nguồn thu, bằng việc tổ chức sự kiện, tiếp thị liên kết hay kinh doanh dữ liệu, tạo nguồn thu trên các nền tảng mạng xã hội; hay thu phí độc giả...

Chính sách thuế nên tính đến lĩnh vực đặc thù như báo chí truyền hình

“Nóng” chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương mà từ phía các báo đài địa phương, vấn đề này cũng đang được lãnh đạo các cơ quan báo chí đề xuất, kiến nghị.

Nhìn nhận thực tế và chia sẻ với các cơ quan báo chí địa phương, ông Lê Văn Tòa - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong thời kỳ kỷ nguyên số này, báo chí đang phải cạnh tranh với rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, quảng cáo giảm sút, trong khi đó các cơ quan báo chí phải đầu tư thêm kinh phí để đảm bảo về chất lượng trong công tác thông tin, phục vụ cho sự nghiệp tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Nếu không điều chỉnh thuế thu nhập ở mức hợp lý sẽ dẫn đến báo chí thiếu đi sức mạnh về nguồn lực để cạnh tranh với mạng xã hội. Báo chí sẽ khó phát triển được nếu chất lượng tác phẩm báo chí ngày càng đi xuống, thậm chí còn phát sinh ra những tiêu cực trong hoạt báo chí.

 Các phóng viên tác nghiệp trong mưa bão.

Các phóng viên tác nghiệp trong mưa bão.

Trực tiếp là đơn vị địa phương đang gặp nhiều khó khăn, nhà báo Võ Nguyên Thủy - Giám đốc Đài PT-TH Quảng Trị chia sẻ: Theo số liệu của Bộ Thông tin & truyền thông, tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh Truyền hình đã giảm 20% so với năm 2022. Chưa kể trong hai năm đại dịch Covid-19, doanh thu còn giảm mạnh hơn từ 30-40%. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho các cơ quan báo chí đang tự chủ hoặc tự chủ một phần gặp nhiều khó khăn trong việc hoạt động. Tình hình quảng cáo của các Đài phát thanh - truyền hình ở địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn, nguồn thu chủ lực của Đài ở địa phương trước đây là quảng cáo nhưng hiện nay đã rơi xuống đến mức “chạm đáy”.

"Có một thực tế là, hiếm có doanh nghiệp nào tìm đến Đài để thực hiện quảng cáo, các doanh nghiệp không còn mặn mà với quảng cáo trên báo chí, truyền hình như trước đây nữa. Vì vậy, nếu áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho truyền hình ở 15% vẫn là mức cao, gây khó khăn cho các đơn vị. Trên thực tế, một tác phẩm báo chí truyền hình sản xuất ra mất khá nhiều chi phí, càng ngày càng là sức ép lớn đối với thu nhập của cán bộ, người lao động trong Đài. Nhiều nguồn thu của Đài trước đây được coi là ổn định thì nay bế tắc, các cơ quan báo chí truyền hình như ở Quảng Trị rơi vào thế…cực kỳ gay go"- ông Thủy cho hay.

Nhà báo Võ Nguyên Thủy lấy ví dụ cụ thể tại đơn vị: từ đầu năm 2024 đến nay, phóng viên Đài PT-TH Quảng Trị đi tác nghiệp khá nhiều ở các huyện miền núi như: huyện Đakrông, Hướng Hóa, đảo Cồn Cỏ…Họ mong muốn cơ quan có hỗ trợ tiền xăng xe để đi lại, (cơ quan không có xe để phục vụ cho phóng viên đi tác nghiệp ở cơ sở), nhưng hiện nay Đài không có nguồn kinh phí để hỗ trợ. Trong khi đó nhuận bút cho mỗi tác phẩm của phóng viên đang không đủ để chi trả cho những chuyến tác nghiệp đó…

Trước thực tế đó, Giám đốc Đài PT-TH Quảng Trị thẳng thắn đề xuất, chính sách thuế nên tính đến lĩnh vực đặc thù như báo chí truyền hình. Trong đó đặc biệt quan tâm đến các cơ quan phát thanh, truyền hình ở địa phương. Họ đang hàng ngày làm các nhiệm vụ chính trị, với rất nhiều sức ép mà áp dụng mức thuế như dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay thì... “khó chồng khó”.

Có thể nói, lĩnh vực báo chí là lĩnh vực đặc thù, rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ để người làm báo vượt qua khó khăn, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Do vậy, việc áp dụng chung một mức thuế suất 10% cho tất cả loại hình báo chí sẽ giúp cho cơ quan thuế dễ dàng trong việc quản lý và đồng thời cũng giúp cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để tập trung vào hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị hơn nữa...

Hà Vân - Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-kip-giam-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-cho-cac-co-quan-bao-chi-post317965.html