Cần lên án hành vi giả vờ nhảy cầu tự tử

Thời gian qua, tại Đồng Nai đã xuất hiện một số vụ giả vờ nhảy cầu tự tử (dựng hiện trường tự tử rồi bỏ đi) khiến lực lượng chức năng và người dân sống ở khu vực xung quanh mất thời gian xác minh thông tin, triển khai tìm kiếm cứu nạn.

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) tập luyện cứu nạn trên sông Đồng Nai (đoạn qua thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) tập luyện cứu nạn trên sông Đồng Nai (đoạn qua thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Không chỉ vậy, các hiện trường giả dễ bị chụp hình, phát tán thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Một hiện trường giả, nhiều người vất vả

Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 18 vụ nhảy cầu tự tử. Trong số này, có 3 vụ việc nạn nhân sau khi nhảy cầu có thể tự bơi vào bờ. Đáng nói, có 2 vụ đối tượng để lại tài sản và thư tuyệt mệnh trên cầu để tạo hiện trường giả nhảy cầu, sau đó rời đi, ngày hôm sau thì người nhà đến báo tin nạn nhân không nhảy cầu.

Gần đây nhất, ngày 19-8, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) nhận được tin báo từ người dân về việc có người nhảy cầu Đồng Nai (thành phố Biên Hòa) tự tử. Hiện trường để lại trên cầu gồm chiếc xe máy kèm theo tờ giấy có ghi số điện thoại của người thân với nội dung “Xin mọi người thông báo về gia đình”. Tuy nhiên, sau đó người được cho là đã nhảy cầu đã gọi điện thoại về cho người nhà báo tin là mình vẫn an toàn.

Trước đó, vào ngày 21-3, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông nhận được tin báo có người nhảy cầu Hóa An (thành phố Biên Hòa) tự tử. Tại hiện trường có lá thư tuyệt mệnh, căn cước công dân, chiếc túi xách và đôi dép. Tuy nhiên, qua xác minh từ ngư dân ven sông thì thời điểm trên không có người nhảy cầu, nhưng người dân đi đường phát hiện các vật dụng trên thì báo tin cho cơ quan chức năng địa phương.

Ở cả 2 vụ việc trên, lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp đã xuất phương tiện cùng lực lượng đến hiện trường để tổ chức tìm kiếm nạn nhân trên nhiều hướng và triển khai đội hình lặn tìm kiếm suốt nhiều giờ liền.

Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh), thiếu tá NGUYỄN THẾ GIA thường xuyên yêu cầu cán bộ, chiến sĩ hàng ngày, hàng tuần tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chuyên sâu. Đặc biệt là chú trọng đào tạo kỹ năng, kỹ thuật để trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết, kịp thời xử lý trong mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra để các chiến sĩ làm quen với điều kiện khắc nghiệt của dòng sông, khi thực hiện nhiệm vụ không bị bất ngờ.

Phải xử lý nghiêm để răn đe

Đáng nói, đa phần những vụ việc cố tình lợi dụng việc giả hiện trường nhảy cầu đều chủ yếu để hù dọa người khác. Trong khi việc làm này khiến cho các lực lượng chức năng phải huy động nhiều nguồn lực, phương tiện để tìm kiếm vô ích, gây lãng phí. Đặc biệt, việc tìm kiếm trong thời gian dài dưới dòng nước xoáy tại các chân cầu mà không có kết quả còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của các chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ.

Cụ thể, khi thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ dưới nước, cán bộ, chiến sĩ công an phải đối diện với rất nhiều khó khăn, nguy hiểm do dòng nước chảy xiết, áp lực nước tăng dần khi lặn sâu có thể gây ra đau màng nhĩ, khó thở… Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người lặn có thể mất ý thức hoặc gặp tình trạng mê sảng do bọt khí trong máu hình thành, gây ra tổn thương đến hệ thần kinh. Bên cạnh đó là tầm nhìn hạn chế, gần như bằng không khi lặn ở môi trường nước sâu, vào đêm tối và dòng chảy mạnh có thể làm mất phương hướng, gây khó khăn trong việc liên lạc của lực lượng cứu nạn.

Những sự việc trên đã gây bức xúc cho người dân, vì nếu trong quá trình lực lượng chức năng tìm kiếm người nhảy cầu (giả mạo) lại xảy ra một tình huống khác cấp bách thì sẽ khó huy động người và phương tiện ứng cứu kịp thời. Từ thực tế trên, nhiều người cho rằng, cần phải xử lý thật nghiêm đối với hành vi giả vờ tự tử như đã nêu để ngăn chặn các trường hợp khác diễn ra.

Ông Nguyễn Tiến Sinh (ngụ phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) cho rằng, cần xem xét đến trách nhiệm bồi thường của những người giả vờ nhảy cầu đối với những thiệt hại về thời gian, công sức, tài sản của các cá nhân, tổ chức, lực lượng tham gia tìm kiếm. Đồng thời, thông báo việc xử lý trên lên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe những ai có ý định giả vờ tự tử, tránh tình trạng gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác.

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 42 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người nào thực hiện hành vi “báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả” có thể bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202409/can-len-an-hanh-vi-gia-vo-nhay-cau-tu-tu-c840833/