Cần linh hoạt về quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội

Sau khi họp phiên toàn thể tại Hội trường Diên Hồng, nghe cơ quan soạn thảo và thẩm tra báo cáo về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, chiều 28-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về nội dung này.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào chiều 28-10. Ảnh: CTV

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào chiều 28-10. Ảnh: CTV

Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm. Sĩ quan phục vụ tại ngũ, với cấp úy, Chính phủ đề xuất tăng từ 46 lên 50 tuổi, cấp thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, trung tá từ 51 lên 54 tuổi, thượng tá từ 54 lên 56 tuổi.

Với đại tá quy định hiện hành nam là 57 và nữ 55 tuổi được đề xuất cùng lên 58 tuổi. Với cấp tướng, quy định hiện hành nam 60 và nữ 55. Theo dự luật mới, tuổi của nam giữ nguyên, nhưng với nữ đề xuất tăng thêm 5 tuổi lên 60 tuổi.

Dự luật quy định khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm.

Sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Với sĩ quan dự bị, Chính phủ đề xuất tăng tuổi phục vụ. Cấp úy từ 51 tuổi được đề xuất lên 53 tuổi, cấp thiếu tá từ 53 tuổi đề xuất lên 55 tuổi, trung tá từ 56 lên 57 tuổi, thượng tá từ 57 tuổi lên 59 tuổi, đại tá từ 60 lên 61 tuổi và cấp tướng giữ nguyên 63 tuổi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Long tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Long tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Tại phiên thảo luận ở tổ, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường nhất trí với dự thảo luật do Quốc hội ban hành, Quốc hội giao Thủ tướng thi hành.

Nêu ý kiến về độ tuổi nghỉ hưu, đại biểu cho rằng đây là chính sách ưu tiên cho bộ đội nên phải ưu tiên cho bộ đội nghỉ hưu sớm. Về tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan nữ nên giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và quyết định. Về từng vị trí, công việc và trường hợp đặc thù thì nới rộng ra khoảng 3-5 năm.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, quy định về độ tuổi nghỉ hưu cần linh hoạt hơn. Do đó, để Bộ Quốc phòng chủ động, linh hoạt đối với một số đối tượng không đáp ứng được vị trí việc làm. Cần phân cấp thêm cho Bộ Quốc phòng có thể kéo dài độ tuổi nghỉ hưu đối với một số trường hợp đặc biệt.

Theo đại biểu, về nhà ở cho lực lượng vũ trang cần xem xét đưa vào luật cụ thể. Đại biểu Quản Minh Cường cũng đánh giá đây là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, cần có 1 luật riêng về vấn đề này để có sự quan tâm đúng mực.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Đỗ Huy Khánh tham gia phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CTV

Tại phiên thảo luận ở tổ, các đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng nêu ý kiến về thực hiện chế độ chính sách cho chiến sĩ, sĩ quan mới tốt nghiệp về đơn vị công tác.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng, quân đội có hệ thống tư pháp quân đội đã được quy định trong luật. Do đó, đề nghị đưa chức danh tư pháp quân đội vào luật trong chức danh sĩ quan cơ bản để ghi nhận xứng đáng vị trí này trong quân đội.

Thanh Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202410/can-linh-hoat-ve-quy-dinh-tuoi-nghi-huu-cua-si-quan-quan-doi-1f77474/