Cần luật hóa và quản lý bán thuốc online

Trong năm 2024, ước tính thị trường thuốc online Việt Nam đạt khoảng 5-8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng. Việc bán thuốc trên các sàn thương mại điện tử đang đặt ra nhiều vấn đề với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc siết chặt quản lý các đơn thuốc online và các cơ sở bán thuốc online.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017-2018 và ngày một phát triển mạnh. Tuy nhiên, các quầy thuốc có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để lách luật, để xóa dấu vết.

Thí dụ như các chuỗi nhà thuốc đang cho người dân mua thuốc chọn thuốc trên website của mình, và nếu kê đơn thì gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Tại một số ứng dụng di động, khi khách chọn thuốc, ứng dụng sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn điện thoại, sau đó có nhiều hình thức giao hàng như qua nhân viên quầy thuốc hoặc xe ôm.

Bằng cách mua thuốc online, người dân thấy tiện lợi khi mua thuốc giao hàng tại nhà, tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian. Đây cũng là thói quen khi họ đang mua tất cả các đồ thiết yếu cho cuộc sống online.

Theo đại diện Hiệp hội Tin học Y học Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất của bán online là bảo đảm người mua có đơn thuốc hợp pháp (đơn thuốc có thật, đơn chưa mua, đơn còn hiệu lực); bảo đảm cơ sở bán thuốc là cơ sở được cấp phép cơ sở bán lẻ thuốc đạt chuẩn GDP như quy định chứ không phải ai ai cũng có thể là người bán.

Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm quy trình giao hàng trong phạm vi và thời gian cho phép (dưới 5km và dưới 10p kể từ khi thuốc ra khỏi nhà thuốc) để thuốc không bị hỏng do bảo quản hay nhiệt độ.

"Việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay để cơ quan quản lý nhà nước quản được một cách thực sự các hoạt động này tránh tình trạng vẫn chui lủi bán online mà không biết hoặc vô cùng khó bắt khó phát hiện", đại diện Hội Tin học Y học Việt Nam nhấn mạnh.

Để quản lý vấn đề này, đến nay, Bộ Y tế đã có và đưa vào vận hành 2 hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được một số chu trình này, bao gồm: Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn và Hệ thống phần mềm dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc.

Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc mới liên thông gần 170 triệu đơn từ hơn 20 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 100 nghìn bác sĩ.

Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc mới liên thông gần 170 triệu đơn từ hơn 20 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 100 nghìn bác sĩ.

Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc lưu trữ tất cả đơn thuốc kê điện tử minh bạch được tạo ra từ cơ sở khám chữa bệnh và chia sẻ đơn thuốc (thông qua mã đơn) từ người bệnh tới với cơ sở bán lẻ thuốc.

Hệ thống tiếp nhận báo cáo và cập nhật trạng thái đơn thuốc điện tử: Bán toàn phần, bán một phần, đơn đã hết hạn từ các cơ sở bán thuốc và tiếp tục chia sẻ trong những lần người bệnh tái mua tiếp theo.

Đến nay, hệ thống mới chỉ liên thông gần 170 triệu đơn từ hơn 20 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 100 nghìn bác sĩ.

Hệ thống phần mềm dành cho các cơ sở bán lẻ thuốc vận hành từ năm 2019 theo quy định tại thông tư 02/2018/TT-BYT về 100% cơ sở bán lẻ đều có máy tính đường truyền mạng và phần mềm. Vậy nên các cơ sở này đều tiếp nhận được đơn thuốc điện tử và bán thuốc, gửi báo cáo thực trạng bán đơn về đơn thuốc quốc gia.

Vì thế, đại diện Hội Tin học Y học Việt Nam cho rằng, để bán thuốc online bảo đảm chính xác, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế cần đưa vào luật và phối hợp với Bộ Công thương để kiểm tra giám sát và công nhận công bố các ứng dụng, các sàn thương mại điện tử đáp ứng được quy định quản lý.

Theo đó, sàn thương mại điện tử có chức năng bán thuốc phải bảo đảm các cơ sở bán hàng trên sàn đều đạt chuẩn GDP và có giấy phép của Sở Y tế.

Sàn thương mại điện tử phải chứng minh được việc nhận gửi đặt hàng mua thuốc của khách qua mã đơn thuốc điện tử.

Sàn thương mại điện tử phải bảo đảm tạo môi trường tư vấn cho nhà thuốc với người bệnh.

Sàn thương mại điện tử phải bảo đảm việc gửi đơn thuốc tới nhà thuốc gần người bệnh với khoảng cách không quá 5km.

"Sàn thương mại điện tử phải bảo đảm dịch vụ hoặc phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển được cấp phép chứ không phải giao thuốc online cho bất kỳ ông xe ôm nào hoặc giao cho nhân viên nhà thuốc mang đi đưa", đại diện Hội Tin học Y học Việt Nam nhấn mạnh.

TRẦN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-luat-hoa-va-quan-ly-ban-thuoc-online-post837636.html