Cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng để tránh bị 'sập bẫy'

Làm thế nào để tự bảo vệ mình trên không gian mạng? Bạn đã gặp phải những loại lừa đảo qua mạng nào trong cuộc sống hàng ngày? Lừa đảo qua mạng có ảnh hưởng đến đời sống của bạn và xã hội? Pháp luật về tội phạm mạng, chúng ta nên làm gì để nâng cao nhận thức về vấn đề này… Đó là những vấn đề được đưa ra 'mổ xẻ' tại chương trình 'Nâng cao nhận thức về an ninh mạng và lừa đảo qua mạng…'.

Chuyện tình bất ổn của 'cô giám đốc tài chính và vị bác sĩ' quen qua mạng

Theo UNODC (tổ chức của Liên hợp quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm) đó là câu chuyện có thật để mọi người phòng ngừa. Mọi chuyện bắt đầu với một tin nhắn ngắn gọn "xin chào". Cô Sirinya (tên nhân vật đã được thay đổi) - giám đốc tài chính của một công ty sản xuất, đọc tin nhắn và xem hồ sơ của một sĩ quan quân đội đẹp trai mặc quân phục. Tên hiển thị là "Bác sĩ Adhit" (tên nhân vật đã được thay đổi). "Anh ở đâu?" cô hỏi. Cô biết được anh Adhit là bác sĩ quân y đang làm việc ở nước ngoài. Anh ấy thích giúp đỡ mọi người, cho nên anh rất yêu công việc của mình. Cô Sirinya thấy anh thật ngọt ngào và tốt bụng. Có nhiều lúc họ trò chuyện hàng giờ liền. "Tôi muốn nghe giọng nói của anh. Tôi gọi điện cho anh nhé?", cô hỏi vào một buổi tối muộn. "Xin lỗi em nha, quy định của căn cứ quân đội là cấm gọi điện thoại vì lý do an ninh, nhưng để tôi gửi ảnh và video cho em xem nhé”, anh trả lời. Trong vài tuần tiếp theo, họ gửi cho nhau rất nhiều ảnh và video.

Công an khám xét điểm lừa đảo qua mạng sử dụng công nghệ cao

Công an khám xét điểm lừa đảo qua mạng sử dụng công nghệ cao

Vài tháng sau, mọi chuyện đã có một bước tiến triển mạnh. "Anh nghĩ là anh yêu em mất rồi". Trái tim của Sirinya đập loạn nhịp. Dù bây giờ cô đã 50 tuổi nhưng anh khiến cô cảm thấy mình như được quay lại thời thanh xuân. "Em cũng cảm thấy như vậy", cô trả lời. Chuyện tình của họ tiếp tục như vậy trong những tháng tiếp theo. Vào một ngày nọ, bác sĩ Adhit nói: "Em ơi, cha của anh qua đời rồi". Sau đó, anh giải thích rằng mình muốn chuyển tài sản thừa kế trị giá 85 triệu USD từ người cha quá cố sang Thái Lan và mua một ngôi nhà sang trọng cho hai người. Sau một thời gian tìm kiếm, cô đã tìm thấy một ngôi nhà ưng ý. Sau đó, bác sĩ Adhit nhờ cô gửi tiền đặt cọc trước vì anh đang gặp chút vấn đề khi chuyển tiền ra khỏi tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ của mình. Đồng thời, anh cũng yêu cầu cô gửi thêm tiền để thanh toán các chi phí khác liên quan đến việc chuyển tài sản thừa kế lớn của mình sang Thái Lan. Trong ba tháng sau đó, cô Sirinya đã sử dụng hóa đơn và các bút toán kế toán để thực hiện 251 lượt chuyển khoản tới 112 tài khoản ngân hàng ở 17 quốc gia. Cô đã chuyển tiền ra khỏi tài khoản của công ty trong khoảng bốn tháng cho tới khi công ty phát hiện ra các giao dịch gian lận đã vượt quá 250 triệu USD. Cô bị kết án về 251 tội trộm cắp và 502 năm tù.

Ai cũng có thể trở thành nạn nhân! Tuy nhiên, bằng cách nhận biết các dấu hiệu đáng ngờ, bạn có thể ngăn ngừa được các vụ lừa đảo qua mạng.

Việc nhẹ lương cao

Để tìm hiểu thêm về lừa đảo, tấn công giả mạo và ăn cắp danh tính ở khu vực Đông Nam Á, câu chuyện về Aati (tên nhân vật đã được thay đổi) - người Malaysia - đang thất nghiệp hơn một năm nay rất phổ biến. Những cuộc gọi nhắc anh trả tiền hóa đơn lại càng làm anh cảm thấy tuyệt vọng hơn. Rồi bỗng anh nhìn thấy quảng cáo về một công việc lương cao liên quan đến công nghệ ở Campuchia với mức lương hàng tháng lên tới 3.300 USD. Anh đáp ứng tất cả các yêu cầu nên đã gọi điện ngay lập tức.

Băng nhóm lừa đảo qua mạng bị triệt phá

Băng nhóm lừa đảo qua mạng bị triệt phá

Sau một cuộc nói chuyện trao đổi ngắn qua điện thoại, anh nhận được hướng dẫn về việc chuyển đến Campuchia để sống và làm việc. Tuy nhiên, hướng dẫn nhập cảnh vào Campuchia hơi khác thường. Thay vì bay thẳng, Aati phải nhập cảnh bất hợp pháp vào Thái Lan bằng thuyền và vượt biên trái phép sang Campuchia bằng ôtô. Nhưng Aati đã quyết định đi vì cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác. Khi đến nơi, anh ấy thấy một cơ sở giống như một sòng bạc lớn với nhiều văn phòng ở các tầng cao hơn. Ngoài ra còn có những người mới được tuyển đến từ Việt Nam, Philipines, Thái Lan và Lào. Ngay sau đó, họ gặp một số người đàn ông to lớn mặc vest yêu cầu cung cấp hộ chiếu để làm thủ tục nhập cư. Họ được dẫn lên cầu thang đến một căn phòng rộng, được bài trí như một trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại. Ba người đàn ông đeo mặt nạ cầm súng điện cùng còng tay đi đến và hét lên: "Mỗi người lấy một chiếc và tự khóa chân vào bàn. Bây giờ chúng mày phải làm việc cho bọn tao". Cả ngày và đêm, họ bị ép sử dụng máy tính để lừa đảo những người vô tội. Nếu họ ngừng làm việc hoặc không đạt được chỉ tiêu yêu cầu, họ sẽ bị đánh đập. Aati bị dí súng điện khoảng ba lần một tuần trong khi làm việc liên tục để lừa gạt thêm nhiều nạn nhân.

Aati chịu đựng như vậy khoảng một tháng cho đến khi anh tìm được cách liên hệ với Ban dịch vụ công và xử lý khiếu nại của Đảng Hiệp hội người Hoa ở Malaysia. Sau đó họ đã cử người đến giải cứu với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán và chính quyền Campuchia. Hàng nghìn người ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - trong đó nhiều người có trình độ công nghệ đã bị lừa bởi những vụ lừa đảo việc làm tương tự ở Đông Nam Á. Các nạn nhân đã bị mất tiền, thông tin cá nhân và trong trường hợp xấu nhất, họ trở thành nạn nhân của buôn người.

Lòng hảo tâm và trắc ẩn của nạn nhân bị lợi dụng

Hay kiểu lừa đảo từ thiện lợi dụng những cá nhân muốn quyên góp cho người có hoàn cảnh khó khăn; trong trường hợp này, lòng hảo tâm và trắc ẩn của nạn nhân bị lợi dụng. Những kẻ lừa đảo sẽ ăn cắp tiền của bạn bằng cách giả vờ là một tổ chức từ thiện chân chính. Những email lừa đảo này không chỉ ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm của nạn nhân mà còn lấy đi các khoản đóng góp cần thiết khỏi các tổ chức từ thiện thực sự. Lừa đảo từ thiện giả xảy ra quanh năm và thường tuyên công bố hỗ trợ các thảm họa hoặc trường hợp khẩn cấp thực sự, chẳng hạn như lũ lụt và động đất. Các đối tượng cũng có thể giả mạo các tổ chức từ thiện tiến hành nghiên cứu y tế hoặc hỗ trợ bệnh nhân và gia đình họ. Tội phạm cũng có thể mạo danh thành những cá nhân cần tiền quyên góp để chữa bệnh và đáp ứng các nhu cầu khác.

Tại Singapore, UNODC cho biết, công chúng đã bị sốc khi một nền tảng từ thiện phổ biến đã nhiều lần bị gắn cờ cảnh báo do có hành vi gửi đi các email tấn công giả mạo. Các quan chức chính phủ đã cảnh báo công chúng không nên cung cấp bất kỳ thông tin thẻ tín dụng và thông tin cá nhân nào cho những kẻ mạo danh. Vụ việc là một đòn giáng mạnh đối với hàng trăm tổ chức từ thiện sử dụng nền tảng này để gây quỹ và dấy lên sự nghi ngờ của các nhà tài trợ và nhà hảo tâm. Cảnh báo lừa đảo được đưa ra sau khi nền tảng này nhận được số tiền quyên góp kỷ lục vào năm trước. Các tổ chức từ thiện giả mạo hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Những kẻ lừa đảo có thể thiết lập các trang web giả trông giống như các tổ chức từ thiện thực sự trong khi một số kẻ lừa đảo sẽ gọi điện hoặc gửi email cho nạn nhân để yêu cầu quyên góp...

Vào lúc 8 giờ sáng hôm nay (14/10/2024), tại Trường Đại học Luật TPHCM diễn ra chương trình "Nâng cao nhận thức về an ninh mạng và lừa đảo qua mạng trong bối cảnh chuyển đổi số tại trường đại học", với sự tham gia của UBODC, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), lãnh đạo, sinh viên Trường Đại học Luật TPHCM... Sẽ có nhiều vấn đề "nóng" được đưa ra trao đổi, thảo luận như: tự bảo vệ mình trên không gian mạng, gặp phải những loại lừa đảo qua mạng, ảnh hưởng đến đời sống của bạn và xã hội, pháp luật về tội phạm mạng, nguy cơ lừa đảo đầu tư tiền ảo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em tốt hơn trên mạng và bảo vệ bản thân, gia đình...

Văn Toàn

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-chong-toi-pham-tren-khong-gian-mang/can-nang-cao-nhan-thuc-ve-an-ninh-mang-de-tranh-bi-sap-bay_168531.html