Cân não gửi tiền

Khách hàng phải cân não để 'chọn mặt gửi vàng' bởi bảng lãi suất gửi tiết kiệm đã liên tục thay đổi khi các ngân hàng bước vào cuộc đua tăng lãi suất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hơn nửa tháng nay, nhiều khách hàng có tiền gửi tha hồ “hoa mắt” bởi bảng lãi suất gửi tiết kiệm liên tục thay đổi khi các ngân hàng bước vào cuộc đua tăng lãi suất. Người gửi phải cân não để “chọn mặt gửi vàng”. Chị họ tôi đã gửi tiền và đáo hạn tiền gửi chỉ trong chưa đầy một tuần để chuyển sang gửi ở ngân hàng mới với mức lãi suất cao hơn nhiều. Chị kể, sau ngày 23.9, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm thì cuộc đua tăng lãi suất huy động ngày một nóng lên. Vì chị gửi tiết kiệm online, việc tất toán tiền gửi rồi chọn gửi lại rất dễ dàng, tất cả thao tác đều trên điện thoại thông minh chỉ trong vòng “một nốt nhạc” nên chị đã chọn gửi lại để hưởng mức lãi suất cao hơn.

Có lẽ không chỉ chị họ tôi mà thời gian qua, rất nhiều người có tiền gửi ngân hàng cũng “đứng ngồi không yên” vì mức lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng liên tục thay đổi. “Sóng sau đè sóng trước”, hôm qua ngân hàng A vừa công bố mức lãi suất mới thì hôm nay ngân hàng B đã công bố mức lãi suất cao hơn, thậm chí trong cùng một ngày. Có ngân hàng thay đổi mức lãi suất chỉ trong chưa đầy 1 tuần.

Tính đến ngày 15.10, VPBank áp dụng biểu lãi suất mới với điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Ở Sacombank, lãi suất có kỳ hạn truyền thống được điều chỉnh tăng 0,5-0,7 điểm phần trăm. Hay tại SCB đã ghi nhận mức tăng 1 điểm phần trăm lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 9 tháng. Đặc biệt, mức lãi suất cao nhất cũng là ở ngân hàng này với kỳ hạn 36 tháng đạt 8,9%/năm (trước đó là 7,55%/năm)...

ABBank, LienVietPostBank, Vietbank, VIB, HDBank, Nam Á, Bắc Á, Techcombank… đều đã lần lượt “điểm danh” trong cuộc đua này. Và cuộc đua lãi suất chắc chắn vẫn chưa cán đích.

Hiện nay, người có tiền nhàn rỗi có thể lựa chọn rất nhiều kênh đầu tư. Những người có hiểu biết, ưa mạo hiểm, thích thắng lớn thường lấn sân vào những lĩnh vực đầu tư đòi hỏi vốn lớn hay có độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Người chơi nhỏ hơn thì có thể “lướt sóng” với vàng. Hay nhiều người trẻ thích bỏ tiền vào các "sản phẩm tích lũy" có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn thông qua nhiều ứng dụng Fintech như Finhay, MoMo, ZaloPay, Infina... Với những người có tiền nhàn rỗi nhưng lại không hiểu nhiều về đầu tư, nhất là những người cao tuổi thì gửi tiết kiệm tại ngân hàng thường là phương án lựa chọn.

Nhưng đầu tư không bao giờ là việc dễ. Theo quy luật, đầu tư khả năng sinh lời càng cao thì rủi ro càng lớn. Điều này đúng với cả việc gửi tiền tiết kiệm. Những ngân hàng nhỏ, khát vốn thường để mức lãi suất cao hơn.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, lãi suất huy động vẫn đang chịu áp lực tăng. Mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 có thể cao hơn từ 1,5-2%/năm so với cuối năm 2021. Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, nếu bám sát vào kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất điều hành. Khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ còn đẩy lãi suất huy động tăng lên. Từ đó một số chuyên gia kinh tế đưa ra lời khuyên, người gửi tiền có thể chọn kỳ hạn 6 tháng là hợp lý, bởi 6 tháng nữa lạm phát tăng, lãi suất huy động tăng, cũng đến thời điểm đáo hạn thì sẽ có thêm những lựa chọn để gửi tiết kiệm tốt hơn. Đồng thời, người gửi có thể chia nhỏ khoản tiền tiết kiệm thành nhiều gói và rút tiền tiết kiệm khi cần để tránh mất lãi...

KIM THANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/can-nao-gui-tien-216795