Cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Dự thảo của Bộ Tài chính đề nghị bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục gây tranh luận về mục đích cũng như các căn cứ của đề xuất...

Hội thảo Góp ý Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Hội thảo Góp ý Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Tại hội thảo Góp ý Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (đơn vị thực hiện là Tạp chí Nhà đầu tư) phối hợp với báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 20/9, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, hiệp hội đã cùng bày tỏ quan điểm rằng việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, bao gồm: (i) mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là gì, (ii) nếu là vì lý do bảo vệ sức khỏe thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì hay không và (iii) nếu là để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không.

TRANH LUẬN BỔ SUNG ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG VÀO DIỆN CHỊU THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2024 đã định nghĩa lại rõ hơn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế và người nộp thuế. Đồng thời, dự thảo cũng đã mở rộng thêm đối tượng chịu thuế và tăng thuế suất với một số sản phẩm đồ uống được coi là có hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên theo tờ trình Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam với hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.

"Liệu tính khả thi của việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt có đi vào cuộc sốnghay không? Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng không áp thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc có nước áp thuế rồi lại bỏ".

Ông Lương Xuân Dũng, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam.

Trong dự thảo này, nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất tiêu thụ đặc biệt dự kiến 10%, nhằm chống lại tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam hiện nay. Do đó, có ba vấn đề chính được đặt ra.

Thứ nhất tác động của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% cho nước giải khát có đường đối với việc hạn chế hay giảm tỷ lệ béo phì.

Tại hội thảo góp ý dự thảo luật thuế tiêu thu đặc biệt (sửa đổi) diễn ra sáng 20/9, ông Lương Xuân Dũng, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất. Do đó, nước giải khát không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Theo ông Dũng, thực tế, có nhiều loại đồ uống có đường cũng rất phổ biến như trà sữa, các sản phẩm tự chế biến vỉa hè... Trong khi đó, thực tế cũng chưa có số liệu khảo sát thực tế 1 năm tiêu thụ bao nhiêu tấn đường, trong đó bao nhiêu lượng tiêu thụ từ ngành nước giải khát.

Tương tự, bà Phan Thủy Minh, đại diện Ban pháp chế, VCCI, cũng chỉ ra rằng theo nghiên cứu của một số doanh nghiệp, các thực phẩm có chứa đường (gồm đồ uống giải khát, bánh kẹo, kem…) cung cấp trung bình 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể. Như vậy, việc đánh thuế 10% đối với mặt hàng nước giải khát có đường chỉ có thể làm giảm một lượng rất nhỏ, khoảng 0,1% - 0,2% năng lượng được nạp vào cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam, khẳng định có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả bệnh thừa cân béo phì mà nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính duy nhất. "So với nước giải khát có đường, thì những thực phẩm được trẻ em tiêu thụ nhiều hơn là ngũ cốc, chất đạm, chất béo, sữa và sản phẩm từ sữa," bà Lâm cho biết.

Thứ hai là đối tượng chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo bà Minh, chính sách thuế này chưa bảo đảm công bằng khi chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn. Còn các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh… sẽ khó có thể bị đánh thuế, do không thể xác định chính xác hàm lượng đường. Thêm vào đó, nếu coi đường là nguyên nhân gây nên thừa cân, béo phì thì cần xem xét đánh giá cả ảnh hưởng của các sản phẩm có đường khác.

Thứ ba là tác động đến kinh tế, bao gồm thu ngân sách và các doanh nghiệp ngành đồ uống của Việt Nam.

Theo nghiên cứu mới nhất của CIEM, việc bổ sung thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường trên 5g/ml sẽ làm tác động tiêu cực đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan trong chuỗi giá trị, làm thiệt hại khoảng gần 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,5% GDP năm 2022), làm giảm thuế gián thu 5,4 nghìn tỷ đồng/năm và giảm thuế trực thu 3,2 nghìn tỷ đồng/năm do tiêu thụ và sản xuất nước giải khát sẽ có xu hướng giảm. Đây là những con số rất đáng lưu ý.

Còn theo đại diện VBA, chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh bất ngờ như cơn bão Yagi vừa qua phải tạm dừng sản xuất.

Trước đó, kể từ khi đại dịch Covid-19, lợi nhuận toàn ngành đã giảm tới 67%, trong đó mức giảm nghiêm trọng nhất ở khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

CÓ THỂ ÁP DỤNG 5%, THAY VÌ 10%

Là đối tượng trực tiếp phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết sản phẩm của họ được bán với mức giá phù hợp với đối tượng khách hàng chủ yếu là người lao động. "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tăng giá sản phẩm và điều này sẽ ảnh hưởng tới hành vi người tiêu dùng. Sức mua giảm sẽ làm cho doanh thu giảm, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", đại diện tập đoàn Tân Hiệp Phát phân tích.

Ngoài ra, theo đại diện VBA, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường.

Hơn nữa các loại đồ uống này thường có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này dẫn đến mục tiêu chính sách đặt ra không đạt được trong khi đó sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống bị ảnh hưởng tiêu cực, và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.

"Để hài hòa giữa chính sách của nhà nước và quyền lợi của doanh nghiệp, có thể cân nhắc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 5% thay vì 10% như đề xuất hiện nay".

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội đều đồng ý rằng cần có đánh giá kỹ hơn về tác động, biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp của chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lý do bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chưa thực sự thuyết phục do chưa xác định được tác hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng và tác động đối với doanh nghiệp, thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần nghiên cứu kỹ và cân nhắc việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, về đối tượng chịu thuế, thuế suất và cách thức sử dụng nguồn thu cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Trong bối cảnh trên, cần có sự hợp tác liên ngành, thay vì chỉ sử dụng đơn lẻ chính sách về thuế, bao gồm: Nâng cao nhận thức về tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em trong cộng đồng và đối với các nhà hoạch định chính sách; tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về tác động kinh tế và sức khỏe của bệnh thừa cân béo phì, các biện pháp can thiệp giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em để cung cấp đủ bằng chứng cho nhà làm chính sách; đẩy nhanh các chương trình hiện có và xây dựng các chính sách và chương trình cụ thể khác để giải quyết tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em tại Việt Nam.

Trong khi đó, VBA đề nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Ngọc Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/can-nhac-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong.htm