Cân nhắc thêm khung pháp lý cho việc làm thêm giờ

Sáng 23-10, trong phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa là nội dung được nhiều đại biểu góp ý sôi nổi.

Qua thảo luận, đa số đại biểu không tán thành với đề xuất của Chính phủ nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm; đề nghị giữ khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa như hiện hành. Đồng thời, cần ghi rõ nâng thời giờ làm thêm theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát tuân thủ, bảo vệ được quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhấn mạnh, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng cao, cần giảm thời giờ làm việc để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động. Việt Nam cũng cần tiệm cận đến xu thế này.

Trong khi đó, giờ làm việc bình thường của Việt Nam hiện đang cao hơn so với một số nước trong khu vực và thế giới: Số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của Việt Nam là 48 giờ cộng thời giờ làm thêm tối đa theo quy định hiện hành là 300 giờ/năm, thì tổng quỹ thời gian làm việc của người Việt Nam lên đến 2.620 giờ/năm; trong khi Trung Quốc là 2.248 giờ/năm, Hàn Quốc là 2.246 giờ/năm... Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác tối đa sức lao động, hậu quả là người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.

Do đó, đại biểu tỉnh Đắk Lắk không tán thành việc đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa dù thực tế người sử dụng lao động và người lao động có nhu cầu; đề nghị dự luật cần bổ sung các chế tài mạnh, xử lý các doanh nghiệp không tuân thủ thỏa thuận với người lao động.

Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ủng hộ việc giữ nguyên quy định về thời giờ làm việc bình thường hiện nay là 48 giờ/tuần vì cho rằng phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hầu hết các quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ. Với điều kiện nước ta hiện nay, nhất là khi năng suất lao động hiện đang thấp nhất trong khu vực, thì việc áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Chủ tịch VCCI cho rằng, việc rút ngắn thời gian làm việc bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng, khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu, việc giảm thời gian làm việc sẽ dẫn đến giảm tiền lương, làm chậm kế hoạch tăng lương vì doanh nghiệp sẽ tính toán lại. Hơn nữa, năng suất lao động nước ta còn thấp nên tiền lương, thu nhập chưa cao, khi giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, người lao động vẫn phải tìm kiếm việc để làm, dẫn đến hệ lụy khó lường.

“Việc giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm sự cạnh tranh, dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, nhiều lao động mất việc làm”, đại biểu tỉnh Thái Bình nói.

Không đồng tình với quan điểm trên, giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn với quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng việc giữ nguyên giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần là “nhân văn, tự nguyện”. Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào; tự nguyện là nghe từ đâu, nữ đại biểu nêu câu hỏi.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN.

Theo đại biểu, nếu nói tự nguyện mà nghe từ người lao động thì thấy "rất bất ngờ". Bởi lẽ, qua tiếp xúc với nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn cho thấy, công nhân không muốn làm thêm giờ, mặc dù thực tế, họ cần làm thêm giờ, vì thu nhập hiện nay quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống.

Đại biểu nhấn mạnh đến cuộc sống vất vả của người công nhân khi phải làm việc quần quật suốt ngày, phải gửi con về quê, thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con; có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ đi làm việc.... "Họ cần làm thêm chứ không tự nguyện”, đại biểu Tâm khẳng định.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, cần có chính sách để người công nhân có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, có thời gian học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định. “Do đó, hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, và cả tình người với người lao động nữa”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh và cho rằng, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động, mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc – đó là sự tiến bộ xã hội.

Trước sự tranh luận trên, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng, hiện nay, quan điểm tăng hay không tăng thêm giờ cần được nhìn nhận đa chiều hơn, cả về phía người lao động và phía doanh nghiệp, phía nền kinh tế hay các chính sách an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Thực tế, có người lao động không muốn làm thêm song cũng có người lao động lại có nhu cầu muốn làm thêm, nên nếu chọn phương án nào cũng sẽ có “khoảng hở”. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc thêm khung pháp lý cho việc làm thêm giờ, tạo điều kiện cho người lao động ngoài hợp đồng chính thức, có thể làm thêm, song cũng cần có sự tính toán lương căn bản theo giờ...

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/can-nhac-them-khung-phap-ly-cho-viec-lam-them-gio-597994