Cân nhắc tốc độ tăng trưởng

Dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2031 - 2050 là 6,5 - 7,5%/năm. Chuyên gia cho rằng nên cân nhắc mục tiêu này.

Phân bổ không gian phát triển hiệu quả, bền vững

Hơn 600 trang bản dự thảo báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tổng thể quốc gia) vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi lấy ý kiến rộng rãi.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Tại hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia sáng 19.7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, đây là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và "là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ". Quy hoạch này sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thay mặt đơn vị tư vấn chính lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hồng Quang cho biết, mục tiêu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững; hình thành được các vùng động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn. Đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cụ thể, Quy hoạch tổng thể quốc gia có 2 hành lang kinh tế chính. Hành lang Bắc - Nam gồm vùng phía Đông, gắn với cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau; vùng phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Hành lang Đông - Tây ưu tiên tham gia các hành lang kinh tế quốc tế trong khu vực như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.

Về các vùng động lực, ưu tiên địa phương có cảng hàng không quốc tế và cảng biển quốc tế, có tiềm lực khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao.

Về định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch gắn không gian công nghiệp với các hành lang kinh tế ưu tiên, trong đó trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; phân bố các khu công nghiệp tập trung sâu trong nội địa, vùng trung du, mở rộng các cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn. Về nông nghiệp, quy hoạch định hướng phát triển nông nghiệp dựa trên không gian liên địa phương, liên vùng có cùng ngành hàng, hình thành khu tổ hợp nông - công hiện đại, quy mô lớn tại một số vùng nông nghiệp trọng điểm…

Xác định chỉ tiêu, định hướng cho từng vùng

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao nỗ lực xây dựng dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Góp ý cụ thể, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng, cần làm rõ đóng góp của các vùng kinh tế vào tăng trưởng chung. Nếu không, các tỉnh sẽ tự làm theo cách riêng, vùng vẫn tự do và liên kết vùng vẫn lỏng lẻo. Tức là, bên cạnh các chỉ tiêu quốc gia, cần xác định chỉ tiêu, định hướng cụ thể cho từng vùng để có cơ sở thực hiện.

Liên quan hành lang phát triển, ông Dũng cho rằng mới chỉ dựa vào trục giao thông, trong khi hành lang kinh tế còn phụ thuộc nguồn nhân lực, tài nguyên, khả năng phát triển… Do đó, cần xác định rõ hơn các hành lang này cũng như phân định rõ từng khu vực; đồng thời cần xác định cơ cấu kinh tế phù hợp từng vùng để có định hướng tốt trong phát triển.

Cũng theo đại biểu này, cần làm rõ trong từng khu vực thì phương thức vận tải nào là chủ đạo, chính yếu cho sự phát triển. Đặc biệt, về phần đô thị, hiện điểm nghẽn là tỷ lệ đô thị thấp, phát triển theo hàng ngang và chất lượng không phù hợp. “Quan trọng nhất là phát triển đô thị theo đúng chất lượng của nó, mỗi đô thị phải là trung tâm phát triển. Có hành lang, khu vực phát triển kinh tế rồi thì phải lựa chọn đô thị trọng tâm để dồn sức cho nó phát triển”, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất.

Về mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030; khoảng 6,5 - 7,5%/năm giai đoạn 2031 - 2050, ông Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần cân nhắc. Bởi lẽ, về mặt lý thuyết và thực tiễn, khi GDP quy mô càng tăng thì khó có thể tăng trưởng nhanh. Nếu GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD/người/năm thì duy trì tăng trưởng 7% là rất khó. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, dù chưa đến 10.000 USD/người/năm nhưng tốc độ tăng trưởng đã sụt giảm còn 5 - 6%/năm. Do vậy, đặt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2031 - 2050 đạt 6,5 - 7,5% như quy hoạch là khó khả thi nếu thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD. “Duy trì quanh 6% là mức rất tốt”, ông Tú Anh lưu ý.

Cũng theo ông Tú Anh, nhìn vào hai vùng “phên dậu” là Đông Bắc và Tây Bắc hiện không có trung tâm động lực để giữ chân người dân khiến họ di cư đến vùng khác. Do vậy, quy hoạch cần xác định vùng động lực, trung tâm kinh tế để người dân có thể đến đó làm việc nhằm bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương yêu cầu Viện Chiến lược phát triển và Ban soạn thảo tiếp thu, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu để hoàn thiện dự thảo báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Hội đồng thẩm định trong tháng 8, trước khi trình Chính phủ và Quốc hội vào tháng 10.2022.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/can-nhac-toc-do-tang-truong-i295852/