Cần nhận diện áo dài truyền thống là di sản

Việt Nam đang trong quá trình tích cực chuẩn bị xem xét, công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Không chỉ những người yêu tà áo dài chờ đợi một ngày áo dài được vinh danh, mà các nhà thiết kế, những người góp phần tạo nên 'nét văn hóa' này cũng ngày đêm trông đợi. Nhân Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) báo Lao động Thủ đô có cuộc trò chuyện với Nhà thiết kế áo dài Nhật Dũng về vấn đề này.

PV: Xin anh cho biết, một trong những tiêu chí để “nhận diện” áo dài truyền thống là “di sản văn hóa”?

Nhà thiết kế Nhật Dũng: Đối với một di sản nói chung, chúng ta phải xem giá trị, chức năng của nó như thế nào để lựa chọn. Ví dụ, áo dài nếu xét về ngữ nghĩa chỉ là một tà áo, hiện vật. Nhưng từ lâu, áo dài có giá trị và đã trở thành bản sắc của người Việt ở Việt Nam. Do vậy, áo dài là một vấn đề văn hóa, xã hội. Nghĩa là, áo dài có chức năng về văn hóa, xã hội đối với người mặc áo dài, với các tập tục văn hóa, ý nghĩa của các biểu tượng gắn trên áo dài, màu sắc và cộng đồng thực hành áo dài.

Nhà thiết kế Nhật Dũng

Nhà thiết kế Nhật Dũng

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài luôn là nét đẹp tâm hồn, gắn bó thủy chung với con người, trong khói lửa chiến tranh, trong lao động sản xuất, trong cuộc sống thường ngày và trở thành nguồn cảm hứng bất tận, là hình ảnh đi vào thơ, vào nhạc của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ. Dù cho chưa có một văn bản nào xác nhận áo dài là quốc phục của Việt Nam, nhưng nó đã được mặc định là “áo dài dân tộc”. Vì vậy, áo dài có tính biểu tượng rất cao, đồng thời nó cũng nâng lên lòng tự tôn dân tộc trong mỗi người khi mặc áo dài.

Hiện nay chúng ta đang chờ đợi quá trình xem xét, công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc nhận diện đầy đủ, khoa học về những giá trị về áo dài sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Mặt khác, các nhà khoa học, các nhà văn hóa cần nghiên cứu một cách thấu đáo về trang phục này nhằm tìm ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của áo dài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sâu rộng như hiện nay thì việc bảo vệ, phát huy giá trị áo dài là rất cần thiết và cấp bách. Trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của áo dài Việt Nam và quảng bá mạnh mẽ hơn nữa những giá trị văn hóa này ra thế giới có vị trí hết sức quan trọng

Từ nhiều năm nay, việc áo dài truyền thống và áo dài cách tân vẫn được đưa ra bàn luận bởi nhiều người cho rằng áo dài cách tân có thể dùng một tên gọi khác, thay vì gọi là “áo dài”. Quan điểm của anh về vấn đề này ra sao?

Người ta hay nhắc đến cụm từ “Áo dài, di sản văn hóa Việt Nam”, nhưng không phải cứ “áo dài” thì được coi là di sản hay trang phục truyền thống, trang phục dân tộc. Nhiều nhà văn hóa cho rằng, chỉ áo dài truyền thống mới xứng danh với cụm từ “di sản”. Áo dài truyền thống là sự kế thừa giá trị lịch sử, trải qua hàng nghìn năm chứa đựng một cuộc hành trình dài cho đến hôm nay, vì vậy, sự “cách tân”, “cách điệu” để người mặc dễ sử dụng, tôn dáng hay tạo độ gợi cảm bằng cách thay đổi thiết kế truyền thống thì không thể coi là trang phục đại diện cho dân tộc được.

Có thể nhận thấy rằng, nhiều năm gần đây những hoa hậu đại diện các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam thường mặc áo dài cách điệu. Nhiều người đã chọn ra những bộ trang phục mang tính thời sự và biến tấu trang phục cho hoành tráng, ấn định vào cơ thể các hoa hậu một cách vô đối. Suy cho cùng, áo dài cách tân cũng có vẻ đẹp và sự tiện dụng riêng.

Thời trang phải đi liền với tính ứng dụng trong cuộc sống thì mới có thể sống được, tồn tại được lâu dài cùng dòng chảy lịch sử. Sự sáng tạo làm nên những luồng gió mới, nếu không thời trang sẽ không còn đúng như tên gọi của nó. Thế nhưng, hãy đừng gọi áo dài cách tân là “trang phục truyền thống”, “trang phục dân tộc” hay “di sản văn hóa Việt”, bởi những gì đã thuộc về “truyền thống” thì không thể “cách tân”. Trang phục không chỉ đơn giản là một thứ che đậy cơ thể mà nó còn phản ánh tâm tư, nguyện vọng, triết lý, thẩm mỹ, tri thức và bản sắc văn hóa riêng một thời được kết tinh lại.

Được biết anh là một trong số ít nhà thiết kế chung thủy với áo dài truyền thống, có chăng chỉ làm mới áo dài bằng các họa tiết vẽ di sản hoặc bằng chất liệu đậm nét văn hóa Việt. Anh yêu kiểu dáng của áo dài truyền thống hay vì muốn chứng tỏ bản thân “có trách nhiệm với di sản”?

20 năm qua, tôi vẫn chung thủy với áo dài truyền thống, dù thời trang áo dài có nhiều đổi thay, cách điệu. Áo dài truyền thống đã thấm vào con người tôi bởi một tình yêu tôn thờ tuyệt đối. Tình yêu với di sản đã khiến cho tôi ngày càng trở nên có trách nhiệm với di sản. Mỗi khi được mời tham gia các sự kiện trong nước hay quốc tế, tôi thường mang “văn hóa Việt” đi giao lưu bằng cách vẽ các họa tiết non sông gấm vóc, di sản lên áo dài.

Mẫu áo dài truyền thống "Khát vọng vươn xa’" của nhà thiết kế Nhật Dũng

Mẫu áo dài truyền thống "Khát vọng vươn xa’" của nhà thiết kế Nhật Dũng

Đất nước được thiên nhiên ưu ái và ban tặng những giá trị lịch sử cội nguồn có hàng nghìn năm, nếu có bất kỳ cách nào để tôn vinh, giữ gìn và phát huy giá trị của nó, tôi đều không quản ngại. Nhất là áo dài, một trang phục đã từ lâu vượt qua giá trị của thời trang, trở thành trang phục biểu tượng của Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, áo dài truyền thống bây giờ không khả dụng, chủ yếu để mặc trình diễn hay sự kiện là chính, còn nếu để mặc, người ta sẽ mặc áo dài cách điệu, cách tân. Tôi cho rằng, áo dài truyền thống ở bất kỳ thời đại nào đều có tính khả dụng. Mỗi ngày, cả nước diễn ra hàng trăm sự kiện lớn nhỏ, như công chức sử dụng áo dài truyền thống cho công việc ngoại giao, các nữ chính trị gia sử dụng áo dài cho các sự kiện, giao tiếp, giáo viên mặc áo dài lên lớp, nhiều trường học các nữ sinh mặc áo dài đến lớp ngày đầu tuần…

Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch. Có lẽ chính vì vậy mà áo dài đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của người Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Chiếc áo dài khẳng định chính là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, vừa gợi cảm như vậy.

Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, anh có món quà nào muốn dành tặng những người yêu tà áo dài Việt Nam không?

Năm 2020 là năm đáng nhớ đối với tôi. Trong không khí của cả nước hưởng ứng Ngày hội di sản văn hóa phi vật thể áo dài truyền thống Việt, tôi đã mang đến bộ sưu tập "Vàng son đất Việt" để trình diễn trong lễ hội. Toàn bộ số tiền bán được tôi đã chia sẻ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt.

Gần một năm trôi qua người dân đã trải qua thời kỳ khó khăn trong dịch Covid-19 và thiên tai hoành hành, gây thiệt hại vô cùng lớn đến đời sống. Mặc dù bị ảnh hưởng không ít bởi dịch bệnh và thiên tai, nhưng tôi cùng các đồng nghiệp luôn chung tay vì trách nhiệm cộng đồng, nhất là đối với quê hương miền Trung – Quảng Bình, nơi tôi sinh ra.

Bảo Thoa (thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-nhan-dien-ao-dai-truyen-thong-la-di-san-115826.html