Cần quản lý chặt chẽ hơn việc bê tông hóa đèo Đá Trắng
Đèo Đá Trắng tại xóm Tằm Bắt, xã Phú Cường (Tân Lạc) là địa điểm dừng nghỉ, chụp ảnh, check-in được nhiều du khách gần xa biết đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều phản ánh của du khách khi đi qua địa điểm này, nhất là trên các phương tiện thông tin, mạng xã hội lo ngại việc bê tông hóa đèo Đá Trắng, xây dựng, cơi nới nhiều công trình sẽ phá vỡ cảnh quan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Việc cơi nới, mở rộng dịch vụ, kinh doanh tại đèo Đá Trắng, xã Phú Cường (Tân Lạc) gây mất mỹ quan, ảnh hướng tới môi trường.
Theo những hộ dân xóm Tằm Bát, tên gọi đèo Đá Trắng bắt nguồn từ quá trình phá núi, xẻ đồi để làm đường trước đây, những tảng đá vôi trượt, trôi xuống phủ trắng sườn núi vô tình tạo thành cảnh quan tuyệt đẹp. Nhìn từ xa ngọn đèo trông như có tuyết bao phủ trắng xóa, được nhiều du khách đến check-in, lái xe đường dài chọn làm điểm nghỉ chân, thậm chí được nhiều nghệ sĩ chọn làm nơi quay MV ca nhạc. Với lượng du khách đến ngày càng đông, các hộ dân đã dựng lều, lán trên đèo để khách có chỗ nghỉ, bày bán thêm hàng hóa, đồ ăn, thức uống như ngô luộc, thịt nướng, cơm lam và các sản vật địa phương.
Trên đèo hiện có gần 200 lều, lán của người dân mở dịch vụ bán hàng. Bên cạnh những gian hàng dựng trên diện tích bằng phẳng, nhiều hộ đã dựng thêm cột để mở rộng, cơi nới diện tích lán ra ngoài phía vực sâu của đèo. Nhiều du khách băn khoăn về mức độ an toàn bởi có những lán dựng trên cột cao 20 - 30 m, lều lán sơ sài, thậm chí nhiều hộ chỉ gia cố thêm bằng vật liệu thiếu độ bền với thời tiết như tre, gỗ. Trời mưa, lạnh, nhiều cột kèo ẩm ướt, mục nát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, nhiều hộ tự ý làm móng, dựng cột, xây dựng nhà kiên cố 2 - 3 tầng trên đèo, mở rộng nhiều hơn ra phía vực sâu, dựng biển quảng cáo cỡ lớn, sơn màu nổi bật, thiết kế không phù hợp với cảnh quan khu vực. Đồ ăn thừa, rác hầu như không được thu gom, người bán, người mua có ý thức thì gom lại còn không tiện tay ném thẳng xuống vực. Những vệt trắng của đá vôi vốn có tràn đầy nilon, chai lọ... rất mất mỹ quan môi trường.
Anh Nguyễn Đức Quang, du khách Hà Nội cho biết: "Tôi đi du lịch Mai Châu, nhiều lần dừng nghỉ tại đèo Đá Trắng thật sự thấy buồn khi cảnh quan đèo bị bê tông hóa nhanh như vậy. Trước kia chỉ có vài lán, chòi để dừng nghỉ, ngắm cảnh quan dưới thung lũng, giờ đi qua không còn thấy thung lũng nữa, chỉ thấy quán hàng mọc san sát. Muốn ngắm thung lũng phải vào lán, ra lan can góc chòi để ngắm nhưng cảm giác chênh vênh, thiếu an toàn. Góc chụp con đèo cũng không còn đẹp nữa, leo lên cột cờ nhìn xuống không còn dải đá trắng tuyệt đẹp mà thấy toàn nóc lều, lán làm tôi hơi thất vọng”.
Việc cơi nới, kinh doanh tự phát của người dân ở đèo Đá Trắng gây phản ứng trái chiều không phải mới xảy ra. Còn nhớ, năm 2018, một số hộ dân tự xây dựng cổng chào, tổ chức việc thu tiền đối với du khách khi đến thăm quan, chụp ảnh tại khu vực, ai muốn vãn cảnh, chụp ảnh tại đèo phải đóng phí 5.000 đồng/lượt thăm quan và 5.000 đồng nếu du khách muốn quay phim, chụp ảnh trên đèo. UBND xã Phú Cường đã vận động các hộ tự tháo dỡ, không được tổ chức thu tiền, trả lại hiện trạng vốn có. Được biết, từ trước đến nay, việc xây dựng tại khu vực đèo Đá Trắng hầu như không có giấy phép, hoạt động kinh doanh, buôn bán và các loại dịch vụ khác đều tự phát. Theo lãnh đạo UBND xã Phú Cường, việc xây dựng các dịch vụ tiện ích phục vụ du lịch, thu hút du khách là cần thiết, đã nằm trong kế hoạch phát triển KT-XH của xã, song cần phù hợp để tránh phá đi cảnh quan, bản sắc địa phương. Đối với việc đảm bảo an toàn cho du khách trong các điểm bán hàng, lều, lán, xã cũng chỉ nhắc nhở, chưa có chế tài để xử lý.
Bài học về việc phá vỡ cảnh quan du lịch, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đã từng xảy ra nhiều nơi trong cả nước. Năm 2019, việc xây dựng điểm check-in và khách sạn Panorama ở đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) bị dư luận lên án mạnh mẽ. Công trình được cho là không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách thăm quan. Ở góc độ du lịch, nhiều đơn vị lữ hành với kinh nghiệm đưa, dẫn khách trải nghiệm tại các điểm du lịch cho rằng, việc giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương đóng vai trò rất lớn trong việc hấp dẫn du khách. Bởi thực tế, nhiều du khách chấp nhận đi đường xa chỉ để được khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hoang dã, mộc mạc, nơi nào bị bê tông hóa nhiều khách đa phần không muốn quay lại.