Cần quản lý tốc độ xe máy thay vì chỉ tập trung cho ô tô
Tại hội thảo 'An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm' diễn ra ngày 4/11, giới chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đề xuất nhiều giải pháp công nghệ, nhằm kéo giảm TNGT do xe máy.
Phần tham luận tại Hội thảo "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" của TS Qingfeng Li, Phó giám đốc Tổ chức nghiên cứu chấn thương quốc tế (thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg) gây chú ý khi công bố số liệu, số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ khoảng 1,19 triệu người trên toàn cầu mỗi năm.
Tai nạn giao thông (TNGT) ở hầu hết ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, khiến 50 triệu người khác bị thương, tàn tật vĩnh viễn, để lại hậu quả ngắn hạn và dài hạn. Không những vậy còn kéo theo các chi phí như: y tế, thiệt hại tài sản và mất năng suất.
Ông Qingfeng Li cũng đánh giá, người đi xe máy dễ bị tổn thương hơn trong các vụ tai nạn so với người sử dụng xe bốn bánh bởi không được bảo vệ bởi các cấu trúc hấp thụ va chạm. Chấn thương đầu là nguyên nhân chính gây ra thương tích nghiêm trọng và tử vong.
Còn tại Việt Nam, ông Qingfeng Li cho biết xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, chiếm 95% phương tiện lưu hành.
Việt Nam đã có thành công lớn trong việc thúc đẩy đội mũ bảo hiểm nhờ các biện pháp kết hợp, từ sản xuất mũ bảo hiểm đến bán và thực thi quy định.
Tuy nhiên, 3/5 số ca tử vong do TNGT đường bộ vẫn liên quan đến xe máy, trong số đó 3/4 số vụ có thể gây chấn thương đầu.
Theo WHO, đội mũ bảo hiểm đúng cách có thể giảm 42% nguy cơ tử vong trong tai nạn và giảm 70% nguy cơ bị thương nặng.
Để tốt nhất cho người tham gia lưu thông, tất cả người dùng xe máy và xe gắn động cơ đi trên đường bộ đều phải đội mũ bảo hiểm.
Đồng thời, cần đội mũ bảo hiểm tiêu chuẩn. Hiện 167 quốc gia thực thi luật bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và quản lý tốc độ. Bên cạnh đó, một số quốc gia có những phương pháp riêng đã phát huy hiệu quả.
Ví dụ như Đài Loan sử dụng các dấu hiệu phân cách và khu vực chờ xe máy theo làn đường đã giảm thiểu tai nạn va chạm khi rẽ phải tới 64%.
Hay như Nhật Bản, biển báo và các hướng dẫn bằng giọng nói về hành vi an toàn đã cải thiện hành vi an toàn lên tới 85% trong số những người lái xe máy.
Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm TNGT và tử vong liên quan đến xe máy. Tại TP.HCM, hiện gần như 100% người tham gia giao thông đã đội mũ bảo hiểm.
Từ năm 2021, tình trạng lái xe quá tốc độ đã giảm dần nhờ những nỗ lực can thiệp liên tục tại Hà Nội.
Cũng theo ông Qingfeng Li, hiện có cơ hội để sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thực thi quy định đội mũ bảo hiểm hay quản lý giới hạn tốc độ.
"Tuy nhiên, các hệ thống an toàn giao thông để giới hạn tốc độ chủ yếu được thiết kế cho xe bốn bánh. Vì vậy cần xem xét có những thiết kế và trang bị công nghệ quản lý tốc độ với xe hai bánh", ông Qingfeng Li nói.