Cần quan tâm công tác cứu hộ, cứu nạn trong hoạt động du lịch biển

Mùa du lịch biển năm 2022 đang đến gần, hứa hẹn sẽ diễn sôi nổi, nhộn nhịp và thu hút nhiều du khách đến với các bãi biển Quảng Trị vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Nhiệm vụ quan trọng lúc này đó là cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước; xây dựng phương án, thực hiện hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn; kiện toàn ban quản lý (BQL) các bãi tắm, sắp xếp và bố trí nhân lực hợp lý, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cứu người bị đuối nước…, qua đó, nhằm đảm bảo cho du khách luôn an toàn trong các hoạt động du lịch biển.

 Tăng cường hỗ trợ đối với công tác cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo an toàn cho du khách khi vui chơi, tắm biển - Ảnh: M.Đ

Tăng cường hỗ trợ đối với công tác cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo an toàn cho du khách khi vui chơi, tắm biển - Ảnh: M.Đ

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều du khách đã chọn biển Cửa Việt (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) làm nơi đến để thưởng thức hải sản tươi ngon, vui chơi, tắm biển… Bên cạnh tín hiệu vui đó, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại khi có nhiều du khách chủ quan trong lúc tắm biển, vượt qua cờ cảnh báo quá giới hạn an toàn…, dẫn đến bị đuối nước như vụ 4 du khách bị đuối nước trong lúc tắm tại biển Cửa Việt vào ngày 27/3/2022.

Nhìn thấy 2 người đã tự bơi được vào bờ, còn 2 người đang bị chìm dần trong nước biển, anh Võ Quang Nghĩa, chủ quán kinh doanh dịch vụ Tình Biển đã chạy nhanh ra biển, lao mình vào dòng nước để cứu người. Với sự dũng cảm, bất chấp nguy hiểm, anh Nghĩa đã đưa được 2 nạn nhân vào bờ, trong đó, 1 người được cứu sống và 1 người tử vong. Anh Nghĩa cho biết: “Với tôi, việc cứu người là quan trọng nhất. Tôi đã nỗ lực hết mình để cứu người bị đuối nước.

Nếu lúc đó, có thêm người phụ tôi ra cứu người bị nạn thì sẽ không có cái chết đáng thương tâm đó. Tôi mong rằng các cấp, ngành dành nhiều sự quan tâm hơn nữa đến công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm, đảm bảo cho du khách được an toàn khi tắm biển”. Với hành động dũng cảm cứu người đuối nước trên biển, anh Võ Quang Nghĩa được UBND huyện Gio Linh biểu dương và khen thưởng vào ngày 29/3.

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho hay: “Hành động dũng cảm cứu người bị đuối nước của anh Võ Quang Nghĩa thật cao cả và xứng đáng được khen ngợi. Huyện Gio Linh sẽ tuyên truyền và nhân rộng hành động tốt đẹp, cao quý của anh Nghĩa trong xã hội, để nhiều người noi theo, có thêm nhiều hành động đẹp thấm đượm tình người. Huyện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền và thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, tạo môi trường an toàn, thân thiện cho người dân và du khách trong, ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển tại các bãi tắm ở huyện Gio Linh”.

Với bờ biển dài trên 16 km, có 3 bãi tắm cộng đồng ở thị trấn Cửa Việt, xã Gio Hải và Trung Giang, du lịch biển được xem là thế mạnh của huyện Gio Linh. Anh Bùi Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm Công nghiệp và Khuyến công huyện Gio Linh cho biết, huyện Gio Linh đã chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức khai trương mùa du lịch biển năm 2022; chỉ đạo 3 BQL bãi tắm Cửa Việt, Gio Hải và Trung Giang tổ chức kiện toàn nhân sự với 9 thành viên có nhiều kinh nghiệm trong cứu hộ, luôn có mặt thường xuyên ở bãi biển để làm nhiệm vụ; được trang bị áo phao, còi, loa phóng thanh và thuyền cứu hộ; được tập huấn nghiệp vụ về tuyên truyền phòng, chống đuối nước, thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển...

Bên cạnh đó, trung tâm chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Cửa Việt, chính quyền địa phương, các chủ quán kinh doanh dịch vụ và ngư dân tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho du khách khi đến các bãi tắm, sẵn sàng ứng cứu người gặp nạn trên biển. Tuy nhiên, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cứu hộ, cứu nạn… Trung tâm đã đề nghị cấp trên xem xét, sớm hỗ trợ cho 3 ca nô để ứng cứu người gặp nạn trên biển được tốt hơn; đồng thời đề xuất hỗ trợ khắc phục khó khăn để công tác cứu hộ, cứu nạn đạt kết quả cao.

Anh Lương Ngọc Ninh, Trưởng phòng Văn hoáThông tin huyện Vĩnh Linh cho biết, để tạo cho du khách cảm giác an toàn, thân thiện khi đến tắm biển, huyện Vĩnh Linh đã triển khai nhiều kế hoạch cho mùa du lịch biển 2022, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Huyện đã chỉ đạo các địa phương, BQL các bãi tắm xây dựng phương án ứng cứu người gặp nạn trên biển; công tác sơ cứu, cấp cứu kịp thời, hiệu quả; phân công người thường xuyên có mặt tại biển nhắc nhở du khách tắm biển an toàn và triển khai ứng cứu kịp thời khi có tình huống đuối nước xảy ra.

Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Văn Vượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hải Lăng cho biết, để đảm bảo các điều kiện tổ chức tốt hoạt động du lịch biển, huyện Hải Lăng đã chỉ đạo UBND xã Hải An, BQL bãi tắm Mỹ Thủy phối hợp với Đồn Biên phòng Hải An đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống đuối nước và sẵn sàng các phương án hợp đồng cứu hộ, cứu nạn; kiểm tra và đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ, tàu thuyền cứu hộ, cứu nạn; tổ chức cắm cờ, thả phao giới hạn khu vực an toàn, đặt biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm như nơi có dòng nước chảy xiết, xói lở, vực thẳm dọc bãi biển…

Anh Nguyễn Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải An kiêm Trưởng BQL bãi tắm Mỹ Thủy cho biết, hiện nay, BQL đã kiện toàn bộ máy với 5 thành viên có kinh nghiệm, được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ tốt nhiệm vụ; chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng, y tế địa phương và các chủ kinh doanh dịch vụ, ngư dân trong công tác phòng, chống đuối nước, cứu hộ, cứu nạn. Đề nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ thêm phương tiện ca nô, áo phao cùng kinh phí cho các thành viên trong BQL có nhiều thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ.

Hiện nay, công tác cứu hộ, cứu nạn trên các bãi biển còn gặp nhiều khó khăn, chưa có tính chuyên nghiệp; phần lớn tàu thuyền cứu hộ, cứu nạn của các BQL còn thô sơ, có nơi còn hợp đồng với ngư dân nên không chủ động xử lý kịp thời khi có tai nạn đuối nước; lực lượng cứu hộ, cứu nạn khá mỏng lại đảm nhận nhiều công việc nên gặp khó khăn khi có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra trong cùng một thời điểm; nhân viên cứu hộ, cứu nạn phần nhiều đã lớn tuổi, hoặc chỉ hợp đồng lao động thời vụ nên hoạt động không liên tục tại bãi tắm dẫn đến hiệu quả chưa cao…

Do đó, việc cần thiết lúc này đó là cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong việc trang bị thêm phương tiện cứu hộ hiện đại, dụng cụ phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ đào tạo nâng cao nghiệm vụ, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho các thành viên BQL bãi tắm, hướng đến xây dựng đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp tại các bãi tắm; khen thưởng kịp thời những người có thành tích trong việc cứu người gặp nạn khi tắm biển… Về phía các du khách, cần tuân thủ theo hướng dẫn, quy định của BQL bãi tắm để được đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động du lịch biển.

Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166093&title=can-quan-tam-cong-tac-cuu-ho-cuu-nan-trong-hoat-dong-du-lich-bien