CẦN RÀ SOÁT, BỔ SUNG CÁC CHẾ TÀI PHÙ HỢP, KHẢ THI ĐỂ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CHẬM, TRỐN, NỢ ĐỌNG BẢO HIỂM XÃ HỘI

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vào sáng 23/11 là quy định về hành vi trốn, chậm, nợ đọng bảo hiểm xã hội. Cùng quan điểm này, các chuyên gia cho rằng, quy định tại dự thảo cần có chế tài đủ mạnh, phù hợp, khả thi để khắc phục triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội.

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Theo Tờ trình của Chính phủ, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra thời gian dài dẫn đến tình trạng khó có khả năng thu hồi, ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động. Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Đặc biệt, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH.

Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị cần rà soát, bổ sung các giải pháp, chế tài phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu, tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, hạn chế việc trốn đóng BHXH. Đặc biệt là hạn chế trong việc chậm đóng BHXH trong thời gian dài, dẫn đến không có khả năng thu nộp, bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng BHXH cho người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị bổ sung chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Theo phân tích của đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Vì vậy, đại biểu tỉnh Bắc Giang đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có các quy định đồng bộ, khả thi nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH đồng thời cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi này.

Cùng quan điểm này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, quy định tại dự thảo cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.

ThS. Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế và quản tri doanh nghiệp cho rằng, cần có các quy định các chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc. Vì vậy, về chế tài xử lý vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc cũng phải thật rõ và đúng về hành vi. Trên cơ sở đó mới quy định, phương thức xử lý, mức độ xử lý, cơ quan, tổ chức/cá nhân có thẩm quyền xử lý, và biện pháp bảo đảm thi hành các chế tài xử lý.

Bên cạnh đó, các biện pháp như quyết định tạm ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh, khởi tố hình sự đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động cũng có thể được quy định để áp dụng đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng hoặc vi phạm các quy định khác của Luật này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Ngoài ra, Ths. Nguyễn Văn Phụng cũng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi chậm nộp hồ sơ tham gia, chậm điều chỉnh thông tin tham gia BHXH bắt buộc, không điều chỉnh mức lương đóng BHXH. Quy định này nhằm bảo vệ người đóng BHXH bắt buộc, giúp họ sử dụng các dịch vụ công để có thể biết và giám sát người sử dụng lao động đã đóng BHXH cho họ chưa, mức lương đóng BHXH có được điều chỉnh theo thời gian vài năm hay không.

Việc quy định bổ sung hành vi bị nghiêm cấm như nêu trên cũng là biện pháp thúc đẩy người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc các quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Dự thảo Luật. Nếu có được quy định này, trong Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH sẽ có căn cứ để quy định các mức xử phạt, chế tài xử lý hoặc răn đe, nhằm giúp cho triển khai thực hiện.

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật

PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật

Cho rằng, tình trạng trốn, chậm đóng BHXH – một vấn đề khá nan giải và cũng rất bức xúc hiện nay, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật ủng hộ việc bổ sung các biện pháp, chế tài đủ mạnh như dự thảo Luật đồng thời lưu ý, để bảo đảm tính khả thi của các quy định trên thì khâu tổ chức thực thi phải thực sự nghiêm túc. Việc quy định chế tài mạnh mẽ như dự thảo nhưng cần kiên quyết, nghiêm túc trong tổ chức thực thi thì mới đem lại hiệu quả. Nếu thiếu kiên quyết, hời hợt, thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong tổ chức thi hành như giai đoạn vừa qua thì cũng không có chuyển biến tích cực, không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Cũng theo, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ cần bổ sung các quy định ràng buộc trách nhiệm, bổ sung chế tài xử lý đối với các cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm có liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82477