Cần rõ tiêu chí đầu tư, quy trách nhiệm cụ thể

Ngày 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN quốc gia 3 năm 2019 - 2021.

Phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Vấn đề đầu tư công sao cho hiệu quả được coi là “nóng” nhất trong phiên thảo luận.

Ưu tiên vốn cho dự án chống biến đổi khí hậu
Đồng tình với báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội là tình trạng sạt lở bờ sông, ven biển nghiêm trọng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long và ngập, úng tại một số thành phố lớn chậm được cải thiện, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, có tình trạng trên là do các bộ, ngành. Cụ thể, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP (về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu), các bộ, ngành chưa tham mưu được chương trình hành động; việc giao, phân bổ vốn chậm.

“Từ khi có chủ trương năm 2016 đến nay mới có phân bổ vốn và 2 năm tới liệu có hoàn thành việc đầu tư các dự án đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020?”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện quyết liệt Nghị quyết 120. “Đề nghị Chính phủ sớm ban hành tiêu chí đầu tư, biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và dành khoản chi riêng trong mục lục ngân sách. Theo đánh giá, những năm tới, Việt Nam là nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, vì vậy, việc đầu tư có kế hoạch là cần thiết”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh nói và kiến nghị, nguồn thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường sắp tới cần xem xét đầu tư cho chống ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng đồng tình và nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của kinh tế đất nước, đến cuộc sống của người dân.

Do vậy, trong sử dụng ngân sách dự phòng cần ưu tiên dành cho các dự án liên quan đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, sạt lở bờ sông, biển. Chính phủ cần rà soát các dự án trong danh mục đầu tư công để có sự điều chỉnh.

Dàn trải, lãng phí
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng đến nay khó khăn, thách thức trong đầu tư công vẫn là dàn trải - một nguyên nhân quen thuộc. Kinh nghiệm đầu tư công của các nước trên thế giới là Nhà nước đầu tư vào các dự án có tính lan tỏa, tác động lớn. Việc phân bổ vốn công bằng nhưng không có nghĩa là cào bằng, cần có trật tự ưu tiên vào từng thời điểm.

Về giải pháp, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, cần cương quyết thay đổi phân bổ nguồn lực; đầu tư những dự án có liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tránh nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng thiếu sức lan tỏa vùng miền; Nhà nước chỉ đầu tư ở các ngành, lĩnh vực doanh nghiệp không đầu tư, không muốn đầu tư và không được phép đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ cần phải có bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư nên chưa thể biết đâu là dự án có hiệu quả cao - thấp hay chưa hiệu quả. Do đó, giải pháp đặt ra là hoàn chỉnh bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả dự án theo thông lệ quốc tế; lựa chọn dự án có đầu ra tương xứng với mục tiêu đầu tư; tăng trách nhiệm giải trình nhằm làm rõ bất cập, khó khăn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với ý kiến ĐB Vũ Thị Lưu Mai về việc cần có tiêu chí xác định tính hiệu quả của dự án, trách nhiệm của doanh nghiệp và địa phương khi để dự án thua lỗ, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần làm rõ, xử lý trách nhiệm của người có liên quan thì mới ngăn thất thoát, lãng phí như thời gian qua. Dẫn con số 72 dự án với tổng vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu kém hiệu quả mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, ĐB Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm tại những dự án sử dụng vốn đầu tư công, từ đó rút kinh nghiệm, cảnh báo, răn đe.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), hiện nay, nghịch cảnh trong đầu tư công vẫn xảy ra, như: dàn trải, giải ngân chậm, phân bổ cho dự án không cần thiết. Những vấn đề Chính phủ cần khắc phục sớm là tiêu chí lựa chọn dự án, xếp thứ tự ưu tiên vì kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công hiện chưa rõ. Hiện nay, Chính phủ mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc lĩnh vực ưu tiên đầu tư mà chưa có tiêu chí dự án được ưu tiên. Nếu có tiêu chí này thì sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn tràn lan, dự án không có khả năng giải ngân và không có tranh luận về sự cần thiết của những dự án như xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu một thực tế là nợ phải trả tiền lãi vay và nợ gốc đến hạn đang cao dần. Do đó, Chính phủ và Quốc hội cần thận trọng lựa chọn, ưu tiên dự án nào để đảm bảo đầu tư theo kế hoạch. “Hiện nay, hầu như địa phương nào cũng có dự án cấp bách, cần thiết. Tuy nhiên, nên ưu tiên những dự án dang dở, mà chỉ thêm một chút sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng được ngay. Cùng với đó ưu tiên những vùng trọng điểm, có động lực phát triển cao để tạo tính lan tỏa, kiên quyết dừng đầu tư kiểu dàn trải”, ĐB Trần Hoàng Ngân chỉ rõ.

Thu ngân sách chưa bền vững

Liên quan đến thu NSNN, theo ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), thách thức với thu NSNN năm 2019 đến từ 3 khu vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh khi mà năm 2018 thu không đạt dự toán. Năm 2019, dự toán thu NSNN tại 3 khu vực trên lần lượt tăng 10%, 13% và 13,3%. “Dự toán như trên liệu có đạt được? Đề nghị cần xây dựng chính sách thu theo hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát việc thực hiện năm 2018, dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2019…”, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ nói.

Còn theo ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), nguồn thu chính từ các hoạt động kinh tế, điển hình là thu thuế đối với khu vực doanh nghiệp, có dấu hiệu thiếu ổn định, không đạt dự toán. Trong khi đó, tỷ lệ chi thường xuyên so với tổng chi NSNN vẫn luôn duy trì ở mức cao (hơn 60% tổng chi NSNN) và chưa có chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong những năm qua, dẫn đến thu NSNN, về cơ bản, mới chỉ đủ đáp ứng cho mục đích tiêu dùng và trả nợ. Do đó, cân đối ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai, tài nguyên và bán tài sản nhà nước - tức là phụ thuộc vào các khoản thu 1 lần và không có tính bền vững.

“Với tình trạng ngân sách vẫn còn khó khăn như vậy, tôi đề nghị chúng ta nên sử dụng các khoản thu NSNN vượt dự toán hàng năm cho việc giảm nợ công, giảm áp lực trả nợ, chứ không chỉ dùng để tiếp tục tăng chi như hiện nay”, ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị và cho rằng, giải pháp căn cơ để đạt được cân đối tài chính quốc gia trong trung hạn và dài hạn là bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng thu thì vẫn phải kiên quyết cắt giảm bộ máy về mức hợp lý. Từ đó giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống còn khoảng 50% theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Hôm nay 30-10
Bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ
(SGGP).-Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, bắt đầu từ 8 giờ sáng nay 30-10, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ.
Trong buổi sáng 30-10, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn, lãnh đạo Chính phủ trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Quốc hội cũng sẽ nghe Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Sau các báo cáo trên, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Hoạt động chất vấn kéo dài trong 3 ngày, kết thúc vào chiều 1-11. Điểm khác biệt trong hoạt động chất vấn ở kỳ họp này là Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
LÂM NGUYÊN

NGỌC QUANG - PHAN THẢO

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/can-ro-tieu-chi-dau-tu-quy-trach-nhiem-cu-the-62645.html