Cần sớm có biện pháp bảo vệ lái xe tải đường dài
Mới đây, một lái xe tải đường dài trú tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) xác định mắc COVID-19 khi đến một tỉnh phía Bắc chở hàng.
Rất may tất cả trường hợp F1 của lái xe này tại Lâm Đồng hiện đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho việc đảm bảo an toàn đối với lái xe tải, có vai trò quan trọng trong hoạt động chuyên chở hàng hóa, nông sản, hàng thiết yếu ở Lâm Đồng trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp như hiện nay.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều tuyến vận tải hành khách từ Lâm Đồng đi nhiểu tỉnh, thành có dịch đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hàng hóa vẫn phải duy trì để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản cho người dân. Hàng ngày, đội ngũ lái xe tải tiếp tục đi – đến khắp các tỉnh, thành trong cả nước, kể cả những vùng dịch phức tạp như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương… Đây cũng là những mối nguy tiềm ẩn đối với các lái xe khi trực tiếp đi – đến các vùng dịch COVID-19.
Anh Võ Đình Thịnh (lái xe tải ở Lâm Đồng) cho biết, anh thường xuyên chạy xe tải chở hàng nông sản từ Đức Trọng xuống TP Hồ Chí Minh sau đó lại quay đầu xe lên ngay. Dù đã test nhanh COVID-19 trong mỗi chuyến đi nhưng suốt hành trình anh Thịnh vẫn đeo khẩu trang, tuân thủ các quy định an toàn theo khuyến cáo. “Đi lên, xuống mỗi ngày nên tôi cũng rất lo lắng bởi TP Hồ Chí Minh đang là tâm dịch rất phức tạp, tôi chỉ mong sớm được tiêm vaccine để đảm bảo an toàn cho bản thân và cả những người xung quanh” – anh Thịnh chia sẻ.
Lâm Đồng là địa bàn trọng điểm cung cấp nông sản, đặc biệt là rau củ, hoa cắt cành cho thị trường cả nước. Do vậy, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng hoạt động vận tải hàng hóa có chịu ảnh hưởng nhưng vẫn không thể ngưng trệ. Ông Đào Phương Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải ô tô Đức Trọng (huyện Đức Trọng) cho biết, cả hợp tác xã hiện có hơn 300 đầu xe vận tải, chủ yếu là loại 16 tấn đang hoạt động để chuyên chở hàng hóa, nông sản của người dân trong vùng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bình quân mỗi ngày đơn vị có 20 chuyến xe chở rau củ đi TP Hồ Chí Minh và 15 chuyến đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
“Chúng tôi vẫn yêu cầu lái xe thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn theo khuyến cáo và cũng đăng ký danh sách tiêm vaccine cho các lái xe nhưng đến nay vẫn chưa có ai được tiêm. Tôi mong muốn địa phương sớm có phương án chích ngừa cho lái xe càng nhanh càng tốt để đảm bảo lưu thông trong vận tải hàng hóa, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế” – ông Nam kiến nghị.
Theo Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng, thống kê trên địa bàn tỉnh có hơn 2.500 đầu xe hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa đi tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là những đầu xe thuộc các hợp tác xã, đơn vị vận tải tập trung chủ yếu tại các vùng có sản lượng nông sản lớn như thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà…
Từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại TP Hồ Chí Minh ngày 31/5, Sở đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa thực hiện phương án đảm bảo hoạt động vận tải hàng hóa được thông suốt. Theo đó phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho lái xe và phụ xe; trường hợp lái xe không thực hiện được xét nghiệm thì bố trí người để thay đổi lái xe tại các trạm kiểm soát dịch COVID-19 cửa ngõ ra, vào địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Võ Quang Vũ, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, việc phải thực hiện xét nghiệm cho lái xe cũng làm tăng chi phí vận hành cho các đơn vị vận tải, gia tăng áp lực trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Với đặc thù của Lâm Đồng là nơi cung ứng nông sản nên hoạt động vận tải hàng hóa bắt buộc vẫn phải hoạt động, do đó Sở đã có đề nghị đưa lái xe tải là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine sớm nhất để thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn, vừa phát triển kinh tế.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, trong vụ Đông Xuân, tổng diện tích cây nông nghiệp cho thu hoạch đạt gần 40.000 ha. Trong số đó, sản lượng rau các loại khoảng 885.000 tấn, trung bình mỗi tuần tiêu thụ 35- 40 ngàn tấn rau các loại; sản lượng hoa đạt 1,5 tỷ cành, mức tiêu thụ trung bình mỗi tuần 70- 80 ngàn cành; các loại cây ăn quả chính như sầu riêng, bơ, chuối laba… cũng đang vào kỳ thu hoạch chính với sản lượng trên 200 ngàn tấn. Với sản lượng thu hoạch nông sản rất lớn như trên, nhu cầu chuyên chở hàng hóa đi các tỉnh có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương nên việc đảm bảo an toàn cho lái xe là một giải pháp cấp bách cần sớm được thực hiện.