Cần sớm làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng đã đến lúc phải làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đây là cơ hội lịch sử và là lúc TP.HCM ghi tên vào bản đồ vận tải biển.

Video: Cần sớm làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Sáng 19-10, UBND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) Cần Giờ. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng cần sớm làm cảng TCQT Cần Giờ, nếu mất đi cơ hội này sẽ không thể tìm lại được.

“Thời cơ vàng, mất sẽ không tìm lại được”

Góp ý tại hội nghị, TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Nghị quyết 98, cho biết hiện nay, TP đang lấy ý kiến góp ý về đề án này và giai đoạn sau còn nghiên cứu tiền khả khi, khả thi… “Con đường phía trước còn dài. Tuy nhiên, dù khó tới đâu cũng phải làm cho kỳ được. Đây thực sự là cơ hội vàng và Việt Nam không được để vụt mất cơ hội, lợi thế này” - TS Lịch nói.

Cần Giờ là đô thị lấn biển, hướng biển và chúng ta phải nghĩ cách làm sao có thể phát triển kinh tế biển nhưng vẫn bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Chúng ta phải đưa khu vực này đạt kinh tế cao nhất, tác động môi trường ở mức thấp nhất. Việc giữ lại khu dự trữ sinh quyển thực sự có lợi cho cả vùng, không riêng gì TP.HCM.

TS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Các vấn đề về môi trường, kết nối hạ tầng đều có giải pháp thực hiện. Vấn đề quan trọng hơn là sự quyết tâm và chớp thời cơ. Nếu tiếp tục chậm triển khai dự án sẽ thực sự có lỗi với Đảng, Chính phủ và nhân dân.

Ông HỒ KIM LÂN, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam

Chúng tôi ủng hộ để phát triển tiềm năng kinh tế biển ở Việt Nam. Chúng ta có thể đưa ra những giải pháp để hóa giải các xung đột để dự án có thể tiến hành. Tôi nghĩ nên thành lập trung tâm logistic, để phát huy lợi thế của Cần Giờ và cả khu vực.

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam

Hãng tàu MSC, hãng tàu hàng đầu thế giới sẽ mang về cho Việt Nam nguồn hàng rất lớn. Chúng ta cần nghiên cứu để thu hút nguồn hàng và cả tàu du lịch cập bến. Trường hợp chúng ta xem xét dự án quá lâu, các nhà đầu tư sẽ không đồng ý, vì vậy cần thực hiện dự án nhanh hơn.

Đại diện đội tàu Việt Nam

Tuy nhiên, với đề án này, TS Lịch còn băn khoăn hai vấn đề lớn. Thứ nhất là tiềm năng của cảng TCQT Cần Giờ lớn hơn nhiều so với một số cảng khác, vì vậy nếu triển khai làm cảng TCQT, Cần Giờ cần bổ sung với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải. Không nên lấy cảng này cạnh tranh với cảng kia, như vậy là tư duy hành chính địa phương. Người điều phối vùng cần tính toán để mang lại lợi ích quốc gia, tránh việc phát triển chỗ này mà cạnh tranh, ảnh hưởng đến chỗ khác.

Thứ hai là mức độ ảnh hưởng. Khi triển khai dự án thì không được “động đến rừng”, vì nếu động đến rừng sẽ phải trả giá đắt. Trường hợp chỉ tác động nhỏ và có thể khắc phục được thì mới làm.

TS Lịch cũng cho biết hiện nay đã có một hãng tàu hàng đầu thế giới quan tâm tới cảng TCQT Cần Giờ. “Đây là cơ hội, vì vậy chúng ta cần đưa ra lộ trình cụ thể, nếu để mất cơ hội sẽ không tìm lại được” - TS Lịch nói.

 Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐÀO TRANG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐÀO TRANG

 Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: CTV

Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: CTV

Tương tự, TS Trần Đình Thiên cho rằng cảng TCQT Cần Giờ là vấn đề hệ trọng quốc gia, vì vậy chúng ta không chỉ bàn cho TP mà bàn cho quốc gia.

Về giải pháp, TS Thiên cho rằng khu vực này cần đưa thành cụm cảng “Cái Mép - Cần Giờ” chứ không phải cảng đơn lẻ. “Chúng ta cần phát triển và chia sẻ lợi ích trong cụm cảng này để thấy được vị thế toàn cầu, nhất định không dừng lại ở phạm vi tỉnh” - TS Thiên nói.

Trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc lấy ý kiến góp ý cho đề án nghiên cứu xây dựng cảng TCQT Cần Giờ rất quan trọng. Đây là cơ sở để hoàn thiện đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. “Chúng ta không phát triển bằng mọi giá mà cần phát triển bền vững” - ông Mãi nói.

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP cho rằng TP.HCM hoàn toàn tự tin, có đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án này và đây là cơ hội lịch sử của Việt Nam. Đây là dự án trọng điểm, vì vậy nếu thực hiện thành công sẽ ghi tên Việt Nam vào mạng lưới vận tải hàng hóa toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Chủ tịch UBND TP giao Sở GTVT TP và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến góp ý tại hội nghị cũng như ý kiến góp ý bằng văn bản và hoàn thiện đề án vào cuối tháng 10 để giải trình theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Sau đó, TP sẽ gửi các bộ, ngành để lấy ý kiến và cuối tháng 11 sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi cam kết phối hợp với các đơn vị để triển khai dự án mang lại kết quả chính thức, với cơ chế, chính sách ưu đãi và lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, TP cũng sẽ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho dự án này. TP cũng sẽ nghiên cứu CPA (phân tích, đánh giá lợi ích về chi phí theo tiếp cận kinh tế) để làm các bước thủ tục tiếp theo, huy động các nguồn lực, trí lực để triển khai dự án” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.•

Cảng TCQT Cần Giờ vô cùng quan trọng

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết Bộ GTVT đánh giá rất cao cách làm của TP trong việc lấy ý kiến rộng rãi sau một quá trình nghiên cứu, xây dựng nội dung đề án. Hiện chúng ta đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai dự án. Dự án cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, phó thủ tướng và Bộ GTVT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐÀO TRANG

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết khi đặt cảng TCQT Cần Giờ trong hệ thống cảng biển Việt Nam và cảng biển quốc tế đã thấy rằng cảng này vô cùng quan trọng. Hiện nay cảng Cái Mép - Thị Vải đã đạt đến ngưỡng để không thể tăng được nữa. Vì vậy, cảng TCQT Cần Giờ đang đón thời cơ và có vai trò vô cùng quan trọng. Yếu tố thời cơ sẽ là cơ sở để tạo nên sự nhảy vọt về tăng trưởng, việc kết nối có tác động tích cực với nhau trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ.

“Chúng ta cần sớm lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ lần cuối, hy vọng sẽ hoàn thành trong quý IV-2023. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt hàng loạt quy hoạch cần được phê duyệt khác như quy hoạch nhóm 4, quy hoạch vùng đất, vùng nước cho TP.HCM và triển khai đầu tư” - Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-som-lam-cang-trung-chuyen-quoc-te-can-gio-post757393.html