Cần tăng mức hỗ trợ di chuyển dân khỏi vùng thiên tai

ĐBP - Qua tổng kết Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013 - 2019 trên địa bàn tỉnh mới có 63,5% số hộ dân được di chuyển khỏi vùng có nguy cơ thiên tai, đặc biệt khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở vùng thiên tai và có nguy cơ thiên tai còn thấp, dẫn đến nhiều hộ dân không muốn hoặc không đủ khả năng về tài chính để di chuyển.

Công nhân Công ty TNHH Đức Tiến thi công đường vào khu tái định cư Huổi Po bố trí chỗ ở cho 54 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét các bản Suối Lư I, II, III (xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông). Ảnh: Văn Tâm

Theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2013 - 2019, toàn tỉnh bố trí, ổn định cho 978 hộ dân với 6.404 nhân khẩu. Trong đó có 874 hộ, 5.739 nhân khẩu trong vùng thiên tai; 60 hộ, 428 khẩu vùng biên giới và 44 hộ, 237 khẩu vùng đặc biệt khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu trên, toàn tỉnh có 7 dự án được phê duyệt đầu tư bố trí dân cư; trong đó 6 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai và 1 dự án bố trí dân cư vùng biên giới. Với quan điểm bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo thứ tự ưu tiên: Vùng thiên tai cần di dời cấp bách, vùng có nguy cơ thiên tai, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh đã bố trí, sắp xếp, hỗ trợ di chuyển được 621 hộ gồm: 537 hộ vùng thiên tai, 3 hộ vùng đặc biệt khó khăn và 45 hộ vùng biên giới. Hình thức bố trí tập trung có 97 hộ và xen ghép là 524 hộ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm kế hoạch, tiến độ đề ra là nguồn vốn phân bổ để thực hiện 7 dự án di chuyển dân cư hạn chế: Tổng số vốn phê duyệt thực hiện 7 dự án là hơn 295,1 tỷ đồng nhưng mới bố trí hơn 147,1 tỷ đồng. Theo quy hoạch nơi ở mới phải bằng và từng bước tốt hơn nơi ở cũ, phải được đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên thực tế các dự án thành phần của một số dự án chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, nhất là đối với hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt... Lý do chung là nguồn vốn phân bổ hàng năm của Trung ương chưa đáp ứng yêu cầu.

Một nguyên nhân khác là định mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân di chuyển về nơi ở mới còn thấp. Cụ thể, thực hiện Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/10/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 21/2013/QĐ-UBND về quy định mức hỗ trợ thực hiện chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, mức hỗ trợ hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn về đời sống như thiếu đất, thiếu nước để sinh hoạt và sản xuất, thiếu cơ sở hạ tầng, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường, nếu di chuyển nội vùng dự án (cùng xã, cùng huyện) mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Phân bổ cụ thể như sau: Hỗ trợ di chuyển 2 triệu đồng; hỗ trợ mua vật liệu dựng lại nhà mới 15 triệu đồng; hỗ trợ tiền mua gạo trong thời gian 6 tháng để hoàn thành việc di chuyển đến nơi ở mới và ổn định đời sống 3 triệu đồng. Trong trường hợp nếu hộ gia đình bị mất toàn bộ nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai thì được xem xét hỗ trợ thêm 12 tháng lương thực theo mức tương đương 30kg gạo/người/tháng.

Theo kế hoạch, 23/73 hộ dân sinh sống trong khu vực sụt lún tại trung tâm xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) phải di chuyển đến nơi ở mới trước mùa mưa năm 2020 (do 23 hộ dân không có nhà đất nơi ở khác). Tuy nhiên đến nay chỉ có 8 hộ dân chuyển đến địa điểm mới, mặc dù chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp công di chuyển. Có nhiều lý do được người dân đưa ra như: Không muốn chuyển đi vì xa nơi sản xuất, canh tác; đất ở từ thời ông bà; phong tục tập quán và lý do mức hỗ trợ quá thấp nên không đủ tiền di chuyển; nếu chuyển về nơi ở mới thì phải bắt đầu lại từ đầu, rất tốn kém.

Năm 2020, từ nguồn vốn được phân bổ của chương trình 1776, ngay từ trước mùa mưa, huyện Điện Biên đã chỉ đạo rà soát, lập phương án và di chuyển được 14 hộ dân bản Tin Tốc (xã Mường Lói) ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, mức hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng/hộ là quá thấp, ảnh hưởng đến kế hoạch di dời. Đặc biệt đối với các hộ cận nghèo, hộ nghèo lại càng khó khăn hơn. Bởi với 20 triệu đồng không đủ cho việc tháo dỡ, công vận chuyển, thuê người lắp ráp, thậm chí có nhà phải làm mới.

Để công tác di dời dân khỏi vùng thiên tai đạt mục đích, đặc biệt đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, thời gian tới các cấp, ngành chức năng cần xem xét tăng mức hỗ trợ di chuyển cho hộ dân vùng thiên tai, có nguy cơ thiên tai từ 20 triệu đồng/hộ lên 30 triệu đồng/hộ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống điện, nước, giao thông; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề; khoanh nuôi đất rừng sản xuất để giao cho các hộ dân tại nơi ở mới...

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/180430/can-tang-muc-ho-tro-di-chuyen-dan-khoi-vung-thien-tai