Cần tạo nét riêng cho sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương

Du lịch ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang có nhiều người nhìn nhận là có nét tương đồng nên du khách thường chỉ ghé đến 1 hoặc 2 địa phương để tham quan vui chơi mà không muốn khám phá các địa phương còn lại. Chính vì thế, các địa phương trong khu vực cần tạo nét riêng cho sản phẩm đặc trưng của địa phương mình để thu hút khách du lịch đến ngày càng nhiều hơn.

Theo số liệu của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, năm 2018, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đã thu hút được 66,3 triệu lượt khách nội địa và 10,9 triệu lượt khách quốc tế. Riêng với khách quốc tế, TP. Hồ Chí Minh đã đón hơn 7,5 triệu lượt khách, còn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL dù có nhiều tài nguyên du lịch hơn nhưng chỉ đón được 3,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo nhận định của nhiều người, du lịch tại 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL hiện đang có sự trùng lắp, mỗi tỉnh chưa xây dựng thế mạnh riêng biệt, nên du khách khó phân biệt được sự khác nhau giữa các địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp thị giao thông - vận tải Việt Nam (Vietravel) cho rằng, thiên nhiên đã ban tặng cho vùng ĐBSCL tài nguyên du lịch dồi dào và hệ sinh thái đa dạng. Tuy nhiên, lợi thế này chưa được phát huy tốt và cần có sự liên kết vùng để các địa phương cùng nhau khai thác tiềm năng du lịch. Hiện nay, nhiều người biết đến du lịch ĐBSCL với những đặc điểm chung đó là sông nước miệt vườn, đồng ruộng mênh mông, vườn cây ăn trái và đờn ca tài tử. Những nét chung này hiện là trở ngại để khai thác và phát triển du lịch khi nhiều người căn cứ vào nó để đánh giá toàn bộ các tỉnh ĐBSCL. Do đó, nhiều chuyên gia nhìn nhận cần có sự nghiên cứu chuyên sâu đặc điểm của từng tỉnh một để thấy được nét riêng biệt, đặc sắc của mỗi tỉnh để khai thác, phát triển du lịch.

Đối với Sóc Trăng, du lịch của tỉnh được nhiều chuyên gia nhận định là nơi sở hữu sản phẩm du lịch đa dạng, có lợi thế là các chùa nổi tiếng thu hút đông đảo du khách. Bên cạnh đó là các lễ hội đặc sắc, nhất là lễ hội Oóc om bóc của đồng bào Khmer; các địa điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn, như: cồn Mỹ Phước, chợ nổi Ngã Năm, du lịch Hồ Bể, du lich sinh thái Mỏ Ó... Hiện nay, Sóc Trăng đang mời gọi đầu tư vào lĩnh vực văn hóa du lịch với 12 dự án, tổng diện tích 1.100ha với một số dự án có quy mô lớn như: Dự án Du lịch biển Hồ Bể, Du lịch sinh thái Mỏ Ó…

Tiến sĩ Trịnh Công Lý phát biểu tại Hội nghị xúc tiến và mời gọi đầu tư hạ tầng văn hóa – thể thao – du lịch – giải trí TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Hải Hà

Tiến sĩ Trịnh Công Lý – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, rất nhiều công ty lữ hành đã trao đổi là Sóc Trăng có thế mạnh mà các tỉnh khác không có đó là văn hóa lễ hội, nhất là lễ hội của đồng bào Khmer với các điệu múa… Với những nền tảng này, ông Lý đề xuất: “Để phát triển, Sóc Trăng có thể chọn văn hóa lễ hội dân tộc, các nghệ thuật, kiến trúc đình chùa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa làm cơ sở giới thiệu. Còn du lịch sinh thái miệt vườn, Sóc Trăng vẫn có nhưng có thể sẽ thiếu ưu thế hơn so với Tiền Giang và Vĩnh Long”. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự tương đồng về sản phẩm du lịch thì nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL còn có sự khác biệt, nếu Sóc Trăng có văn hóa lễ hội của đồng bào Khmer thì Tiền Giang có vườn cây ăn trái mênh mông, còn Kiên Giang có biển đảo… thu hút nhiều du khách trong thời gian qua. Tuy nhiên, để du lịch khu vực ĐBSCL phát triển hơn nữa, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ cần sự liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong khu vực mà còn cần sự tập trung phát triển du lịch ở mỗi địa phương, tránh sự đầu tư trùng lắp cho sản phẩm du lịch ở các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.

Nói về hình thức du lịch homestay, tiến sĩ Trịnh Công Lý chia sẻ thêm: “Chúng ta có thể tổ chức du lịch với hình thức homestay nhưng không phải du khách chỉ đến thưởng thức ẩm thực rồi nghỉ chân trong nhà người dân mà homestay còn là sự trải nghiệm, du khách muốn cùng tham gia trải nghiệm các hoạt động với người dân như: đàn, múa, làm ruộng… Ngoài ra, văn hóa ẩm thực cũng là thế mạnh với nhiều món ăn ngon mà Sóc Trăng mới có, ăn ngon và làm quà có bánh pía, còn ăn tại chỗ có bún nước lèo, bánh cống, bánh tằm bì… Muốn như vậy phải tính đến vấn đề môi trường trong lành, cảnh quang sạch, đẹp, hữu tình; văn hóa giao tiếp... để du khách cảm nhận sự hiếu khách, thân thiện, an toàn khi đặt chân đến Sóc Trăng và luôn muốn quay lại vùng đất thân thiện này”.

Hải Hà

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/can-tao-net-rieng-cho-san-pham-du-lich-dac-trung-cua-tung-dia-phuong-31048.html