Cần tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong trọng dụng nhân tài

'Hầu hết lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại của các nước tiên tiến đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc. Cần mời họ về, trọng dụng họ để tham gia xây dựng đất nước' - GS. Augustine Hà Tôn Vinh chia sẻ với VietTimes.

Chia sẻ với VietTimes về việc trọng dụng nhân tài, năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới. Khi ấy lạm phát đạt đỉnh ở ngưỡng 774,7%, quy mô nền kinh tế chỉ có 26,88 tỷ USD. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Tuy nhiên công cuộc đổi mới đã đưa nền kinh tế Việt Nam sang một trang mới. Kết thúc kế hoạch 5 năm, tăng trưởng GDP đạt bình quân 4,4%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 28%/năm… Điều quan trọng nhất, đây là giai đoạn chuyển đổi cơ bản từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, bước đầu giải phóng được lực lượng sản xuất, tạo ra động lực phát triển mới.

Đến năm 2023, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 433,3 tỷ USD (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế), xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới. Năm nay, quy mô nền kinh tế của Việt Nam được dự báo ước đạt khoảng 469,67 tỷ USD.

Đó là bước bứt phá ngoạn mục. Tuy nhiên, nhìn sang các nước phát triển trên thế giới, nhất là các nước khu vực, quy mô phát triển nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. GDP tính theo đầu người khu vực Đông Nam Á như sau: Singapore: 88.000 USD; Brunei: 35.110 USD; Malaysia và Thái Lan lần lượt là 13.310 USD và 7.810 USD: Indonesia là 5.270 USD. Việt Nam xếp sau Indonesia với 4.620 USD (theo IMF, cập nhật vào tháng 4/2024). Hoa Kỳ là quốc gia dẫn đầu thế giới với GDP 27.000 tỷ USD, chiếm 1/4 GDP toàn cầu. Thứ 2 là Trung Quốc gần 18.000 tỷ USD, gấp gần 4 lần nước đứng vị trí thứ 3 là Đức (4,4.000 tỷ USD).

Nhìn sơ qua bức tranh toàn cảnh như vậy mới thấy Việt Nam đang đứng ở đâu, và mới thấm thía vì sao Tổng bí thư Tô Lâm lại nói Việt Nam cần bước sang một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tạm gọi là cuộc đổi mới lần thứ 2, với tầm vóc cao hơn, quyết tâm lớn hơn, quyết liệt hơn.

Vì sao chúng ta lại nói như vậy? Nếu cuộc cách mạng công nghiệp kéo dài hàng thế kỷ thì cuộc cách mạng khoa học công nghệ ngày nay, nhất là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, sẽ làm thế giới biến đổi hàng ngày. Nếu Google, Apple, Microsoft, Alphabet… phải mất vài chục năm, thì sự xuất hiện của ChatGPT chỉ mất vài tháng đã làm thế giới thay đổi chóng mặt.

Vì vậy, bước sang kỷ nguyên mới phải dám nghĩ mới, dám làm mới, thậm chí làm sai thì sửa!

- Thưa Giáo sư, trong bối cảnh như vậy Việt Nam muốn vươn mình tạo nên một kỷ nguyên mới, chúng ta cần phải có những bước đột phá về thể chế, và nói như Tổng bí thư Tô Lâm là cần tháo gỡ “3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Đó là chỉ đạo rất sáng suốt và mạch lạc. Trước khi nói đột phá, hay tháo điểm nghẽn về thể chúng ta nên hiểu thể chế là gì? Thể chế là hệ thống gồm các nguyên tắc, quy định, các luật lệ,... được sử dụng để định hướng sự phát triển của một tổ chức, một nhà nước, ở những lĩnh vực nhất định trong xã hội. Nói một cách dễ hiểu, đó là Hiến pháp, Luật, Nghị định, Thông tư…

Như vậy “nghẽn thể chế” là hiện tượng thể chế hoạt động bế tắc, kém hiệu quả. Nguyên nhân của nó là sự chồng chéo và xung đột của các quy tắc, luật lệ hay hệ thống pháp luật. Muốn gỡ nghẽn thể chế thì phải cải cách (mang tính đột phá) hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên muốn tháo “điểm nghẽn” về thể chế cần phải đổi mới hoạt động của hệ thống thiết chế. Vì thiết chế và thể chế là hai phạm trù biện chứng, có cái này thì mới có cái kia và ngược lại. Vậy thiết chế là gì? Về mặt tổ chức, thiết chế hiểu nôm na là hệ thống tổ chức bộ máy (là các cơ quan quyền lực như Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội...).

Phải xác định một cách mạch lạc, rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa chúng với nhau.

Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách, Đảng không làm thay Nhà nước; Quốc hội không làm công việc của Chính phủ; chính quyền trung ương không làm công việc của các chính quyền địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội không làm công việc của Đảng và Nhà nước...

 Cựu Tổng thống Trump ký tặng sách cho GS Hà Tôn Vinh.

Cựu Tổng thống Trump ký tặng sách cho GS Hà Tôn Vinh.

- Như vậy là chúng ta đã nói đến “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” là thế chế. Còn để tháo gỡ điểm nghẽn trong sử dụng nhân tài thì bước đột phá quan trọng nhất là gì?

- Tìm kiếm, thu hút và trọng dụng. Trong 3 khâu này, tôi cho rằng việc trọng dụng nhân tài đang là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Chúng ta lần lượt nói về từng vấn đề.

Người Việt Nam có nhiều tài năng không? Có chứ, nhiều là khác. Vậy họ ở đâu? Họ ở trong nước và trên khắp thế giới.

Trong số khoảng 5,5 triệu người Việt Nam đang làm ăn và sinh sống ở nước ngoài có khoảng 10-12%, tương đương khoảng 500.000 – 600.000 người; trong đó, khoảng 50% tại Hoa Kỳ. Trí thức người Việt ở Pháp có khoảng hơn 40.000 người, ở Australia gần 40.000 người, Canada hơn 30.000 người; tại Nga và Đông Âu có khoảng 10.000 người.

Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ lĩnh vực điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương học… đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc. Vì vậy muốn thu hút những nhân tài trong số người Việt này, những người có trách nhiệm phải đi tìm và mời họ về phục vụ đất nước.

Tôi tin rằng người đứng đầu Đảng là Tổng bí thư Tô Lâm thực sự muốn làm điều đó. Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 79 và làm việc tại New York, Mỹ, sáng 23/9/2024, ông Tô Lâm đã tới thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Columbia. Việc làm này thực sự đã làm rung động con tim thế hệ người Việt trẻ ở Mỹ. Đồng thời Tổng bí thư cũng chỉ rõ “con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại”.

- Muốn thu hút được nhân tài, nhất là nhân tài Việt kiều thì ngoài những chính sách đãi ngộ như lương bổng cao, môi trường làm việc tốt thì cần thêm những đột phá gì trong việc trọng dụng nữa, theo Giáo sư?

- Muốn thu hút được nhân tài, nhất là nhân tài Việt kiều thì ngoài những chính sách đãi ngộ như lương bổng cao, môi trường làm việc tốt thì cần thêm những đột phá gì trong việc trọng dụng nữa, theo Giáo sư?

- Đối với trí thức, đặc biệt là nhân tài, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc là cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả. Cái quan trọng nhất là trọng dụng họ. Làm cho họ thấy họ được tôn trọng; nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân; không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”.

Tôi là người Mỹ gốc Việt. Nếu chỉ vì tiền bạc, tôi không về Việt Nam làm việc. Tôi từng làm tư vấn và đi 93 nước khác nhau trên thế giới. Tôi từng làm cho Philippines, có thư ký riêng, có xe riêng, đi đâu có xe cảnh sát “còi hụ” dẫn đường.

Tôi về Việt Nam bởi tôi yêu Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam, đấy là quê hương tôi. Đi đâu tôi cũng tự hào và nói tôi là người Việt Nam. Nói thế không phải là để khoe khoang mà chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đã là người Việt Nam, hay có nguồn gốc là người Việt Nam thì ai cũng mong muốn làm cho đất nước mình giàu đẹp.

- Nếu đề xuất một vài điểm đột phá trong việc sử dụng nhân tài thì đề xuất của Giáo sư là gì?

- Mạnh dạn sử dụng họ, không phân biệt Việt kiều hay người trong nước, không phân biệt người trong Đảng với ngoài Đảng. Không ai phủ nhận vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, các nhân sự là chính khách, các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước Đảng nắm quyền bổ nhiệm là đương nhiên.

Còn các chức vụ như phó các ban tham mưu, các bộ thiên về hoạt động chuyên môn như Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT… có thể bổ nhiệm cấp thứ trưởng là Việt kiều được không, nếu họ thực sự giỏi trên cương vị đó? Hoặc giao cho họ làm Tổng công trình sư một dự án nào đó, ví dụ như xây dựng ngành chip bán dẫn chẳng hạn.

Thậm chí là cố vấn, tư vấn cho bộ trưởng này, bộ trưởng kia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bổ nhiệm GS Nguyễn Văn Huyên, một người ngoài Đảng làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, và ông giữ chức này gần 30 năm.

Vấn đề còn lại là có những Việt kiều đủ tầm đó không? Có chứ! Ví dụ: GS Đặng Lương Mô (chuyên gia hàng đầu về vi mạch), ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong hàm Giáo sư, người Việt Nam đầu tiên chế tạo được con chip; được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992. Ông còn là hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - điện tử - tin học (IEEE, Mỹ). GS Võ Văn Tới- Việt kiều Mỹ, chuyên gia hàng đầu thế giới trong kỹ thuật Y sinh… Còn nhiều những nhà khoa học, trí thức như tôi vừa nêu.

Ngoài ra, còn rất nhiều nhà khoa học trẻ đầy tài năng như: GS Ngô Bảo Châu (Đại học Chicago, bang Illinois, Mỹ), GS Vũ Hà Văn (Đại học Yale, Mỹ), GS vật lý hạt nhân Đàm Thanh Sơn (Đại học Chicago; Viện sĩ Hàn lâm khoa học Mỹ), GS Nguyễn Sơn Bình (chuyên ngành thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng hóa học trong xúc tác, y học và khoa học vật liệu)…

Đây là nguồn tài nguyên quý hiếm, nếu chúng ta biết khai thác và trọng dụng thì họ thực sự là những chuyên gia hàng đầu thế giới trong việc đào tạo “30.000 đến 50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn…” như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính giao cho các bộ triển khai tại phiên họp thường kỳ tháng 7 Chính phủ, ngày 5/8/2023.

- Trong những năm tháng làm tư vấn cho lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành và công tác giảng dạy tại Việt Nam, Giáo sư ấn tượng nhất điều gì?

- Tôi đã mang hết sức lực và tâm huyết để đóng góp cho quê hương đất nước, tuy có lúc, có nơi kết quả còn chưa được như mong muốn.

Khi ông Trần Xuân Giá còn trên cương vị Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, trong một lần trao đổi về làm thể nào để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là nguồn lực chất xám Việt Kiều về xây dựng đất nước, tôi bảo: “Anh Giá ơi, các anh có mấy con chim đang nhốt trong lồng như chúng tôi đây, làm sao cho nó hót hay lên thì sẽ kéo theo những con khác về xây tổ thôi”. Khi còn đương kim bộ trưởng, ông Giá là một người có tâm và có tầm, làm được rất nhiều trong việc thu hút đầu tư.

Khi làm tư vấn cho anh Phạm Minh Chính lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tôi rất vui vì đã có một phần đóng góp nhỏ bé của mình vào quyết sách của tập thể lãnh đạo tỉnh trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, du lịch.

Gần đây nhất, dù rất bận công việc nhưng anh Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM - 23h đêm còn mời cùng tôi đi ăn tối rồi bảo: “Anh Vinh ơi, có anh em nào giỏi ở Mỹ, mách với để tôi trân trọng mời về tham gia giúp TP.HCM nhé!”

Thực ra chúng ta không thiếu những nhà lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, nhìn xa trông rộng. Rất mong Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết liệt, có những bước đột phá về cả thể chế, lẫn thiết chế để Việt Nam vươn mình vào kỷ nguyên mới như Tổng bí thư Tô Lâm đã khẳng định.

- Xin cám ơn Giáo sư!

Lê Thọ Bình (thực hiện)

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/can-thao-go-diem-nghen-trong-trong-dung-nhan-tai-post179713.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat