Cần thay đổi phong tục trả sính lễ trong hôn nhân truyền thống người S'tiêng

Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh

BPO - Phong tục hôn nhân là phong tục quan trọng của mỗi tộc người, tạo ra những mối quan hệ quan trọng của con người trong xã hội. Tuy nhiên, việc duy trì phong tục trả sính lễ theo nguyên tắc truyền thống trong lễ cưới đã tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội, tâm lý của gia đình nhà trai. Trên cơ sở nghiên cứu văn hóa, phong tục hôn nhân của người S’tiêng và một số dân tộc khác, bài viết sẽ giới thiệu cụ thể những tác động về kinh tế - xã hội, tâm lý sau lễ cưới trong hôn nhân truyền thống của người S’tiêng.

Bài 1:
HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI S'TIÊNG

Một số quan niệm chung về hôn nhân

Điều kiện tự nhiên, văn hóa mưu sinh, tổ chức xã hội truyền thống của mỗi tộc người khác nhau nên phong tục, quan niệm về hôn nhân của mỗi tộc người cũng khác nhau.

Nhà nhân chủng học Conrad Phillip Kottak cho rằng: “Không có một định nghĩa nào về hôn nhân đủ rộng để có thể áp dụng một cách dễ dàng cho tất cả các mô hình xã hội” (Hình ảnh nhân loại học, 2006, tr.134).

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã đưa ra khá nhiều quan niệm, vai trò, chức năng của hôn nhân. Tác giả Nguyễn Đình Khoa cho rằng: “Hôn nhân là một khế ước, một việc giao dịch có tính pháp lý. Pháp lý bắt buộc người ta phải chung sống chỉ vì sự chung sống đó liên quan đến sự tồn tại” (Các dân tộc ở Việt Nam, dẫn liệu Nhân học - tộc người, 1983, tr.285). Một số tác giả khác phát biểu: “Mối quan hệ nam giới và nữ giới trong hôn nhân và gia đình thực chất là những mối quan hệ của một cấu trúc xã hội nhỏ trong một xã hội lớn hơn” (Mạc Đường, Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, 1985, tr.29). Tiếp cận từ góc nhìn văn hóa, tác giả Trần Ngọc Thêm nêu: “Hôn nhân là một loại giá trị văn hóa trong lĩnh vực tổ chức cộng đồng, có tác dụng ràng buộc ở mức cao hơn hai yếu tố liên quan với nhau là tình dục và con cái” (Cơ sở Văn hóa Việt Nam, 1999, tr.143-145); còn tác giả Ngô Văn Lệ nhận xét: “Hôn nhân không chỉ thuần túy là sự kết hợp giới tính mà còn thể hiện những sắc thái văn hóa của một tộc người” (Văn hóa tộc người truyền thống và biến đổi, 2010, tr.241). Nghiên cứu chức năng của hôn nhân, các tác giả còn cho rằng: “Hôn nhân là một công cụ duy nhất và thiêng liêng để duy trì dòng dõi và phát triển nguồn nhân lực” (Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, 2014, tr.143-144). Khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”; khoản 5 Điều 3 quy định: “Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.

Gia đình nhà trai (dân tộc Hoa) và gia đình nhà gái (dân tộc S’tiêng) thực hiện nghi lễ trong lễ cưới theo nghi thức hiện đại (ảnh chụp ngày 16-11-2018)

Gia đình nhà trai (dân tộc Hoa) và gia đình nhà gái (dân tộc S’tiêng) thực hiện nghi lễ trong lễ cưới theo nghi thức hiện đại (ảnh chụp ngày 16-11-2018)

Dựa vào những quan niệm nêu trên và quy định của pháp luật, chúng ta có thể hiểu rằng: Hôn nhân là mối quan hệ đặc biệt của con người giữa nam và nữ, đồng thời phải đáp ứng những điều kiện cụ thể, cần thiết, được xã hội (pháp luật) hay cộng đồng (luật tục) thừa nhận.

Một số đặc điểm hôn nhân truyền thống của người S’tiêng

Về ngoại hôn nội tộc, đây là đặc điểm phổ biến trong hôn nhân truyền thống của người S’tiêng. Trong xã hội truyền thống, người S’tiêng thích kết hôn với người đồng tộc (tasai tơrnăng nơm), tức cùng tộc người S’tiêng, đặc biệt là người cùng làng hơn là kết hôn với người ngoại tộc, ngoài làng. Tác giả Phan An và Nguyễn Thị Hòa khi khảo sát (tháng 4-1984) tại xã Thọ Sơn, huyện Phước Long (nay là xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng), trong số 170 cặp vợ chồng chỉ có 3 cặp vợ chồng kết hôn với người khác tộc (Vấn đề dân tộc ở Sông Bé, 1985, tr.129 -131).

Tâm lý này xuất phát từ quan niệm việc kết hôn với người ngoài tộc, ngoài làng có thể đem lại điều xấu, bất trắc cho gia đình, dòng họ, làng. Trong đó, lý do chủ yếu là lo sợ về người có “ma lai” (chak/cak), lây bệnh phong (dưn) và người sử dụng “ngải độc”. Do đó, họ xem việc nam, nữ kết hôn giữa người đồng tộc không chỉ là hạnh phúc của 2 gia đình, dòng họ mà còn là hạnh phúc của làng; chỉ những người không có điều kiện để kết hôn với người đồng tộc mới phải kết hôn với người ngoại tộc. Vì vậy, trường hợp trai trong làng muốn lấy vợ ở làng khác (dù lấy người đồng tộc) thì chủ làng và gia đình nhà trai phải xem xét kỹ lai lịch gia đình của cô gái (đặc biệt là mẹ cô gái). Trường hợp trai ở làng khác muốn cưới cô gái trong làng thì chủ làng và gia đình nhà cô gái cũng làm tương tự nhưng không khắt khe như xem xét lai lịch của cô gái.

Người S’tiêng quan niệm, nếu cô gái (cô dâu) có “ma lai” thì con cháu của cô ta sau này sẽ là “ma lai” (dòng máu của mẹ truyền sang con từ khi mang thai) ảnh hưởng xấu cho làng. Nếu chàng rể có “ma lai” thì không ảnh hưởng lớn cho làng, vì sau lễ cưới chàng rể sẽ cư trú bên làng của anh ta. Mặt khác, người S’tiêng quan niệm máu của người cha không trực tiếp truyền cho con, trừ khi người cha cắt máu và nhỏ vào miệng trẻ sơ sinh. Tâm lý thích lấy người đồng tộc, người cùng làng tạo nên sự cố kết chặt chẽ liên minh dòng tộc của người S’tiêng. Tuy nhiên, điều này không chỉ dẫn đến dễ xảy ra hôn nhân cận huyết thống mà còn là nguyên nhân làm cho nhà gái thách cưới, đòi sính lễ cao.

Về ngoại hôn ngoại tộc, trong xã hội truyền thống của người S’tiêng, ngoại hôn ngoại tộc không được phổ biến. Vấn đề ngoại hôn ngoại tộc là phức đề khá phức tạp, nhiều nhà nghiên cứu chưa có sự thống nhất về nguyên nhân dẫn đến xuất hiện ngoại hôn ngoại tộc. Tuy nhiên, các tác giả cũng đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể.

Nhà di truyền học người Mỹ Thomas Hunt Morgan cho rằng: “Ngoại hôn ngoại tộc là để tránh những hậu quả xấu của những cuộc hôn nhân giữa những người cùng huyết thống” (Hoàng Nam, Dân tộc học Đại cương (giáo trình), tập I, 1997, tr.54).

Ông E.B.Taylor thì cho rằng: “Ngoại hôn là biện pháp thiết lập và củng cố quan hệ giữa các tập thể người nguyên thủy”. Thuyết này quan niệm rằng “ở thời kỳ nguyên thủy các bầy người sống cô lập với nhau, mỗi khi gặp nhau trong lúc tìm kiếm thức ăn thường đánh nhau. Tình trạng đánh nhau thường xuyên gây nên nhiều đau thương tang tóc... hình thức hòa giải tốt nhất là trao đổi hôn nhân giữa các nhóm” (Hoàng Nam, 1997, tr.54-55). Thuyết khác lại cho rằng: “Ngoại hôn là phương tiện điều hòa quan hệ trong một tập thể người” (Hoàng Nam, 1997, tr.55). Thuyết này giải thích: “Ở thời nguyên thủy, phụ nữ là nguyên nhân xung đột trong nội bộ tập thể người. Vì vậy, để ổn định nội bộ, để có điều kiện tồn tại và phát triển phải thực hiện chế độ ngoại hôn” (Hoàng Nam, 1997, tr.55).

Ngoài do quan niệm về “ma lai”, sợ lây bệnh phong, “ngải độc”, có lẽ do không gian cư trú (làng: poh/wăng) của người S’tiêng xưa kia tương đối biệt lập, nhiều thú dữ, điều kiện đi lại khó khăn, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục… nên hôn nhân ngoại tộc không phổ biến. Hôn nhân ngoại tộc của người S’tiêng chủ yếu với người Khmer, Mạ, M’nông. Đây là những tộc người cùng nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, có nhiều tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, không quá cách biệt về không gian cư trú.

Tâm lý thích lấy người đồng tộc, cùng làng không riêng ở cộng đồng người S’tiêng mà còn ở những cộng đồng khác…

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/139519/can-thay-doi-phong-tuc-tra-sinh-le-trong-hon-nhan-truyen-thong-nguoi-s-tieng