Cần thiết và cấp thiết
Vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) là nhóm dân số đặc thù, chiếm tỉ trọng cao và là nguồn nhân lực kế cận, nên luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn tỉnh, số người trong độ tuổi VTN/TN hiện chiếm khoảng 28% dân số. Do nhiều tác động của đời sống xã hội, lứa tuổi này ngày càng có khuynh hướng bước vào đời sống tình dục sớm trước khi hoàn toàn trưởng thành về mặt tâm, sinh lý. Vì vậy, việc cung cấp vốn kiến thức đủ đầy về giới tính, tình yêu, tình dục cùng những kỹ năng sống giúp các em ứng xử thích hợp, biết bảo vệ chính mình là đòi hỏi cần thiết và cấp thiết không chỉ thể hiện trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội.
Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lâm Thao tuyên truyền về giáo dục giới tính và chăm sóc SKSS cho học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
“Cú sốc” tâm sinh lý
Khi biết tin bạn học cùng khóa với con trai mình phải tạm bảo lưu kết quả vì lỡ mang bầu với một bạn trong lớp, chị Nguyễn Thị L ở phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì tuy lo lắng nhưng không bất ngờ, hoang mang. Chị L chia sẻ: “Con trai mình năm nay học lớp 11. Là phụ huynh, ai cũng mang trong lòng nỗi lo khi con lớn dần và bước vào tuổi biết yêu, bắt đầu ra ngẩn vào ngơ và thỉnh thoảng tủm tỉm một mình. Thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, các con dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn thông tin lệch lạc, dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì thế, nếu bố mẹ cứng nhắc, không biết cách chia sẻ, gần gũi, tâm tình cùng con mà chỉ cấm đoán, ngăn cản, thậm chí dùng những lời lẽ cực đoan để chê bai, phủ nhận những cảm xúc đầu đời thì vô tình gây ra phản ứng ngược hoàn toàn với mong muốn của bố mẹ, hậu họa cũng từ đó mà phát sinh…”.
Tâm sự của chị L cũng chính là những tâm tư, thắc mắc mà học sinh thường gửi tới chị Hà Thị Minh Xiêm - cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lâm Thao mỗi khi đi truyền thông trực tiếp về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) VTN/TN tại các trường học. “Nhiều câu hỏi tưởng chừng như ngô nghê, nhưng lại là vấn đề mà lứa tuổi các em đang rất quan tâm: Bạn gái em mà khóc thì em phải làm thế nào? Yết hầu của em không nổi như các bạn nam cùng lớp thì có phải là bị đồng tính không? Chân em mọc nhiều lông quá thì phải làm sao? Sử dụng bao cao su như thế nào và mua ở đâu?... Khi nghe những câu hỏi đó của các em nhiều người lớn, thậm chí thầy cô có thể bật cười, tuy nhiên khi được chúng tôi gợi mở, giải đáp, chia sẻ thì các em rất hào hứng và không ngần ngại nói ra những suy nghĩ thầm kín ấp ủ” - chị Xiêm cho biết.
Các cụ xưa vẫn có câu “Nữ thập tam, nam thập lục” (gái 13, trai 16 tuổi) là giai đoạn dậy thì, đánh dấu sự trưởng thành trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng thời nay do ảnh hưởng nhiều yếu tố xã hội, nhìn chung tuổi dậy thì của VTN sớm hơn thời trước và các em sống ở khu vực thành thị thường dậy thì sớm hơn các bạn đồng trang lứa ở nông thôn, miền núi. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn ấu thơ sang giai đoạn trưởng thành, có sự thay đổi lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Sự thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý dẫn đến thực tế hình dáng vẻ bên ngoài trẻ giống như người lớn nhưng về tâm lý xã hội vẫn còn trẻ con. Do vậy, tự bên trong trẻ đã xảy ra sự mất cân bằng rất lớn mà nếu không được thấu hiểu, cảm thông, giúp đỡ kịp thời sẽ rất dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Nếu như ở tuổi thơ các em luôn xem bố mẹ, thầy cô là hình mẫu lý tưởng của mình thì trong lứa tuổi VTN, trẻ bắt đầu có những suy nghĩ khác. Do ít trải nghiệm, thiếu kiến thức xã hội, nên việc đánh giá người khác của các em khá cực đoan, cứng nhắc. Những người được các em đánh giá cao thì sẽ được các em tin tưởng, yêu quý, thích hoàn thành nhiệm vụ người đó giao phó và tỏ rõ thái độ ngược lại với những người mà các em phát hiện ở họ có những lời nói, hành động tự các em cho là không đúng, không tốt.
Góc tư vấn tâm lý học đường là nơi học sinh Trường THPT Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy dễ dàng cởi mở trao đổi những thắc mắc với thầy cô của mình.
Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, là bạn với con, tôn trọng tính độc lập của con, giáo dục giới tính và tập dần khả năng xử lý tình huống cho con… Nếu làm được những điều này sẽ giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất ở lứa tuổi vị thành niên và sẽ trưởng thành lành mạnh.
Đa dạng hình thức truyền thông
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp suốt hai năm qua đã khiến cho học sinh trong tỉnh phải tạm dừng đến trường mà ở nhà học trực tuyến, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của các em. Vì thế, năm 2022, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lâm Thao đã đẩy mạnh tuyên truyền chăm sóc SKSS VTN/TN trong trường học và coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của công tác dân số trên địa bàn. Qua đó, tạo sân chơi bổ ích, tâm lý thoải mái, giúp các em cởi mở hơn khi đến trường. Đồng chí Tạ Đức Dũng - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Lâm Thao cho biết: “Trung tâm đã tổ chức tập huấn thường xuyên cho cán bộ dân số các xã, giúp họ rèn luyện kỹ năng tuyên truyền. Lúc đầu tổ chức truyền thông quy mô lớp học sau đó rút kinh nghiệm rồi mở rộng truyền thông theo nhóm tuổi và các buổi ngoại khóa toàn trường. Năm 2022, Trung tâm đã phối hợp với các nhà trường tổ chức 15 buổi tuyên truyền giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS cho VTN/TN, thu hút hơn 3.600 học sinh tham gia với nhiều hình thức: Sân khấu hóa, hỏi đáp, phát tờ rơi… Qua đánh giá của các nhà trường, đây là hoạt động bổ ích, sát thực, cần thiết giúp các thầy cô và phụ huynh hiểu hơn về tâm sinh lý lứa tuổi, từ đó có cách giáo dục phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học”.
Truyền thông trực tiếp về giới tính và SKSS tại các buổi chào cờ đầu tuần, buổi ngoại khóa là cách mà nhiều trường THCS, THPT trong tỉnh đang triển khai hiệu quả.
Trường THPT Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy hiện có 1.126 học sinh, trong đó tỉ lệ học sinh nam và nữ gần như cân bằng. Những năm qua, trường thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác truyền thông giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS VTN/TN cho học sinh. Theo thầy giáo Trần Huy - Hiệu trưởng nhà trường, ngoài những buổi ngoại khóa nhà trường phối hợp với Trung tâm Y tế, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tổ chức tuyên truyền về chăm sóc SKSS VTN/TN cho học sinh; đội ngũ giáo viên nhà trường thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền này vào các buổi lên lớp, nhất là bộ môn Sinh học, Giáo dục công dân, Giáo dục kỹ năng sống… Từ đó, giúp các em có hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về tâm sinh lý lứa tuổi. Vai trò của giáo viên chủ nhiệm cũng khá quan trọng trong việc nắm bắt diễn biến tâm lý tuổi học trò để có những lời khuyên bổ ích, giúp các em cân bằng và vững vàng hơn trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, thầy cô, người thân...
Nhận thức được tầm quan trọng trong chăm sóc SKSS VTN/TN, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng và đổi mới, phù hợp với đặc thù địa phương; từng nhóm đối tượng; đẩy mạnh hình thức truyền thông trực tiếp nhằm giúp đối tượng chuyển đổi hành vi bền vững. Năm 2022, Chi cục đã tổ chức 38 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp trong tỉnh. Cùng với đó, hàng trăm tuyên truyền viên dân số cấp huyện, hơn 2.250 viên chức dân số cấp xã và trên 31.600 cộng tác viên dân số khu dân cư đều là những tuyên truyền viên tích cực trong hoạt động chăm sóc SKSS VTN/TN. Các góc thân thiện ở trường học lần lượt được thành lập, hay phòng khám thân thiện tại cơ sở y tế, CLB các bà mẹ có con trong độ tuổi VTN/TN… đều góp phần nâng cao nhận thức về giới tính và SKSS cho VTN/TN. Chi cục DS-KHHGĐ còn duy trì hoạt động của tổng đài tư vấn 1900 545586 nhằm tư vấn và giải đáp các thắc mắc về DS/SKSS/KHHGĐ cho VTN/TN.Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác CSSKSS cho VTN/TN đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, VTN/TN có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi tiếp cận với thông tin, kiến thức chính thống về CSSKSS/KHHGĐ, đồng thời được cung cấp dịch vụ DS/KHHGĐ chuyên biệt, thân thiện, thuận tiện và an toàn. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu được cung cấp các thông tin, được trang bị kiến thức và kỹ năng của VTN/TN là rất lớn. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chăm sóc SKSS cho VTN/TN rất cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội, đặc biệt là vai trò của phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục về giới tính cho các em tuổi VTN/TN. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến nhóm VTN yếu thế; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trong các nhà trường, các khu công nghiệp; tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, truyền thông đa phương tiện, điện thoại di động…; thí điểm các mô hình truyền thông thân thiện, phù hợp với VTN/TN.
Hồng Nhung
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/can-thiet-va-cap-thiet/189707.htm