Cần thống nhất trong quản lý nội dung từ các nền tảng xuyên biên giới

Việc quản lý gameshow và các loại hình khác trên không gian mạng hiện khá khó khăn, phức tạp. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thống nhất trong quản lý Nhà nước mà đầu mối chính là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bảo đảm nguyên lý doanh nghiệp làm ăn ở đâu phải theo pháp luật ở đó

Việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu, nhất là đối với một quốc gia mà lĩnh vực này có mới mẻ và chịu cạnh tranh khốc liệt từ doanh nghiệp ngoại như Việt Nam. Nổi cộm những năm gần đây là câu chuyện quản lý OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp nội dung như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa trên việc tận dụng Internet).

Qua theo dõi, giám sát, các cơ quan quản lý Nhà nước thấy rằng, có nhiều rủi ro về nội dung trên các dịch vụ này. Trong đó, sự phổ biến của các nội dung kích động bạo lực, khiêu dâm, sử dụng các chất kích thích… đang tác động tiêu cực đến giới trẻ. Nghiêm trọng hơn, các dịch vụ này đã xuất hiện những nội dung vi phạm chuẩn mực văn hóa, chủ quyền Việt Nam, xuyên tạc lịch sử dân tộc.

Quản lý các nền tảng xuyên biên giới được xem là một thách thức mang tính toàn cầu

Quản lý các nền tảng xuyên biên giới được xem là một thách thức mang tính toàn cầu

Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, còn gọi là sự bảo hộ ngược, giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài. “Các nghị định mới này là để thực hiện một nguyên lý rất căn bản là doanh nghiệp làm ăn ở đâu thì phải theo pháp luật ở đó. Nếu nói rộng ra thì là sự bảo vệ chủ quyền số quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nằm trong tiến trình chung này, từ đầu năm 2022, ngành thông tin và truyền thông đã tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến lĩnh vực số, trong đó có các quy định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới (như mạng xã hội, phát thanh truyền hình OTT, quảng cáo).

Theo đó, dự thảo lần 7 của Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18.1.2016 liên quan đến các nhóm ngành công nghiệp giải trí đang rất được các doanh nghiệp chú ý và mong đợi. Nếu được thiết kế tốt, nghị định này không những có thể bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng toàn diện và tuyệt đối giữa các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, mà còn bảo vệ được “chủ quyền” văn hóa Việt Nam trên không gian mạng.

Góp ý cho dự thảo này, nhiều ý kiến cho rằng, nội dung trên không gian mạng rất đa dạng, không chỉ bao gồm phim mà còn là các sản phẩm ghi hình như tin tức, chương trình truyền hình, gameshow… nhưng không được đề cập trong dự thảo Nghị định (sửa đổi) và cũng không được điều chỉnh trong Luật Điện ảnh (sửa đổi). Như vậy hoạt động này đang hoàn toàn bị bỏ trống, thiếu quản lý và giám sát.

Theo đó, cùng là nội dung phát trên không gian mạng nhưng lại do 2 cơ quan khác nhau quản lý; được quy định tại 2 văn bản pháp luật khác nhau với 2 cơ chế kiểm duyệt nội dung khác nhau. Với phim thì văn bản điều chỉnh là Luật Điện ảnh (sửa đổi) và cách thức quản lý là hậu kiểm, tự phân loại. Trong khi các sản phẩm ghi hình khác thì được điều chỉnh bởi Nghị định 06/2016/NĐ-CP, Luật Báo chí, Luật Viễn thông và Luật Tổ chức Chính phủ. Điều này khiến nhiều người băn khoăn liệu có mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý Nhà nước?

Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi có nội dung xuyên suốt liên quan mật thiết đến sản phẩm của điện ảnh, nền tảng truyền phát trên hạ tầng viễn thông và nội dung phổ biến trên không gian mạng. Tuy nhiên, lại không có dẫn chiếu liên quan đến Luật Viễn thông, Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật An ninh mạng tại phần căn cứ.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, dự thảo Nghị định 06/2016/NĐ-CP (sửa đổi) là văn bản dưới luật nên không thể bao gồm nội dung chi tiết của các Luật như: Luật An ninh mạng, Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Viễn thông mà khi xử lý vi phạm trong các lĩnh vực này cần phải căn cứ vào luật liên quan. Hiện nay, việc quản lý gameshow và các loại hình khác trên không gian mạng khá khó khăn phức tạp đòi hỏi cần nhất thể quản lý, không có đơn vị nào khác hơn là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài

Một nội dung rất quan trọng là quản lý hoạt động của các doanh nghiệp xuyên biên giới, tuy nhiên dự thảo cũng chỉ mới đưa ra quy định quản lý đối với doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình có sử dụng tên miền do Việt Nam quản lý. Các doanh nghiệp ngoài nước sử dụng tên miền quốc tế cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam lại không được đề cập. Hoạt động của các doanh nghiệp này hiện không có luật nào quy định, hoàn toàn bỏ ngỏ và không có kiểm soát.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiểm duyệt, đánh giá nghiêm ngặt về nội dung để các sản phẩm truyền hình OTT thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiểm duyệt, đánh giá nghiêm ngặt về nội dung để các sản phẩm truyền hình OTT thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, cần có sự kiểm duyệt, đánh giá nghiêm ngặt để quản lý các nội dung trên không gian mạng để các sản phẩm truyền hình OTT thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo môi trường ổn định, bổ ích, lành mạnh trên không gian mạng.

Thực tế đang có sự bất bình đẳng căn bản trong quy định của pháp luật và quản lý của cơ quan Nhà nước đối với doanh nghiệp OTT Việt Nam và OTT xuyên biên giới. Ví dụ như doanh nghiệp OTT trong nước phải được cấp phép trước khi hoạt động, phải có giấy phép nhập khẩu phim, chịu kiểm duyệt (tiền kiểm) về nội dung, bị xử phạt khi có sai phạm… còn doanh nghiệp OTT nước ngoài, có thể phát trực tiếp vào Việt Nam tất cả các sản phẩm của họ mà không cần giấy phép, không bị kiểm duyệt, chưa từng bị xử phạt dù có những sản phẩm xuyên tạc về chủ quyền, văn hóa và họ cũng không phải đóng thuế… Điều này tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng, khiến doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, khi phổ biến phim đến công chúng phải tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh như: xin giấy phép phổ biến phim, kiểm duyệt nội dung trước khi phát hành, phổ biến phim, có giấy phép nhập khẩu… Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới không qua đăng ký cấp phép.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw

“Các đơn vị truyền hình trong nước đưa một video lên OTT cũng phải kiểm duyệt thì không lý do gì các bộ phim của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam lại không phải kiểm duyệt, không phải nộp thuế, trong khi có thể có những nội dung xuyên tạc lịch sử, trái với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam; đồng thời, việc này cũng tạo nên bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, ông Hà nói.

Do đó, ông Hà cho rằng cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng cách xem xét việc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định và tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt. Nếu chưa tuân thủ quy định về thủ tục, điều kiện cấp phép thì không cho tham gia cung cấp dịch vụ vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, cần phải sửa luật để có cơ chế có thể kiểm soát được các nền tảng xuyên biên giới, buộc các chủ thể này phải có trách nhiệm và khi xảy ra vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

“Việc sửa đổi, bổ sung các Luật điều chỉnh cũng như sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ góp phần quản lý hiệu quả dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng internet, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệptrong nước tham gia thị trường này; đồng thời điều chỉnh được đối tượng là các doanh nghiệp xuyên biên giới”, ông Hà nêu.

TUẤN NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/can-thong-nhat-trong-quan-ly-noi-dung-tu-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi-i296299/