Cần thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi người có công
Số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, nửa đầu năm nay, cả nước đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.091.324 người có công.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 239 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp lại 4.651 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp trích lục 86 hồ sơ liệt sĩ, tra cứu hơn 5.500 bộ hồ sơ; làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa….
Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách về giảm nghèo theo quy định; triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số và xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu: Tập trung nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách, hoàn thiện các chính sách để trình Quốc hội. Đối với các địa phương, cần tham mưu nhiều hơn cho cấp ủy chính quyền tổ chức thực hiện tốt chính sách liên quan tới đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đúng, đầy đủ kịp thời chính sách xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực người có công và bảo trợ xã hội.
Với lĩnh vực người có công, hình thành ngân hàng Gen ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân trực tiếp đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư...
Hiện, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó trên 1,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp và hơn 280 nghìn thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Thời gian qua, chính sách chăm sóc người có công được thực hiện toàn diện, triển khai tốt nhất trong các chính sách xã hội. Đặc biệt là việc quyết liệt giải quyết hồ sơ tồn đọng, công tác xác nhận người có công được tổ chức thực hiện đảm bảo không bỏ sót những người có đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Đối tượng người có công được mở rộng; mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi được nâng lên để đảm bảo mức sống của gia đình người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Thời gian tới đây, Nhà nước xây dựng chiến lược tài chính để thực hiện chính sách xã hội, trong đó có chính sách người có công, trên cơ sở nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và sự tham gia của người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực trong công tác chăm sóc người có công…