Cần trang bị kiến thức thoát nạn trong đám cháy
Thời gian qua, tại các địa phương liên tục xảy ra cháy lớn tại nhà dân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản. Tại Đà Nẵng, trong quý I-2021 đã xảy ra 28 vụ cháy. Tuy chưa xảy ra vụ cháy nào gây thiệt hại về người nhưng các vụ cháy trên cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của những vụ cháy tại nhà dân, cách thoát nạn trong đám cháy, đặc biệt với người dân sống trong những nhà ống có lối thoát nạn duy nhất.
Đừng để “nhà ống” tiếp tay cho giặc lửa
Các vụ cháy nổ xảy ra thời gian qua liên quan tới nhà dân, trong đó có không ít những ngôi nhà dạng hình ống. Đây thực sự là nỗi lo thường trực bởi nhà dạng hình ống thường chỉ có một lối đi, khó thoát hiểm, dễ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người. Trong bối cảnh đó, điều cần làm là sớm có biện pháp khắc phục những bất cập, bố trí lối thoát hiểm phù hợp để “nhà ống” không vô tình tiếp tay cho giặc lửa. Tại Đà Nẵng, khoảng 21 giờ 15 ngày 15-3, một vụ hỏa hoạn xảy ra ở quán cà phê nằm ở trong hẻm số 52 đường Huỳnh Ngọc Huệ (P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê). Theo thông tin ban đầu, ngọn lửa bùng phát tại tầng 2 ngôi nhà, nơi có phòng chứa áo quần và gian bếp. Sau đó, ngọn lửa lan nhanh, bao trùm tầng 1 và cháy lan sang nhà bên cạnh. Thời điểm ngọn lửa bùng phát, ông Ngô Cẩm (1960, chủ nhà) đi vắng, rất may người vợ và con trai ở trong nhà kịp thời được hàng xóm cảnh báo chạy thoát thân nếu không hậu quả hết sức khó lường.
Theo Thượng tá Nguyễn Thành Nam - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng, phần lớn các căn nhà bị hỏa hoạn thời gian qua đều có điểm chung là tận dụng tối đa diện tích để chứa hàng hóa, hầu hết hàng hóa lại dễ cháy. Lối thoát hiểm ở tầng trên bị biển hiệu, biển quảng cáo che kín. Bên cạnh đó, những nhà này sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt rất nhiều, cách sử dụng nguồn điện chưa bảo đảm an toàn. Đặc biệt, ban đêm, toàn bộ phương tiện như xe máy, thậm chí ô-tô đều được đưa vào nhà... yêu cầu PCCC ở các loại nhà này là, ngoài việc trang bị thiết bị chữa cháy xách tay, mỗi căn nhà phải có ít nhất hai lối thoát nạn đồng thời không để vật dụng, hàng hóa dễ cháy ở lối thoát hiểm. Thế nhưng, những yêu cầu này thường bị bỏ quên. Thực tế khác cho thấy, nhiều căn nhà dù nằm trong khu vực đã được quy hoạch, chỉnh trang, có lối thoát hiểm phía sau nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn. Bởi hiện nay, nhiều người dân xây tường kiên cố, bịt lối thoát hiểm thành khoảnh sân sau nhà; thậm chí vẫn còn có thói quen đem củi ra khu vực đường thoát hiểm để nấu nướng.
Cần trang bị kiến thức thoát nạn trong đám cháy
Mặc dù lực lượng chức năng đã cảnh báo và tuyên truyền nhiều về nguy cơ cháy, nổ và những hậu quả mà nó gây ra... nhưng vấn đề tồn tại đó chính là ý thức của người dân còn rất chủ quan, lơ là. Theo Đại úy Nguyễn Huy Linh - Đội trưởng Đội Công tác Chữa cháy &CNCH Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng, vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, con người có rất ít thời gian để phản ứng, suy nghĩ. Nếu không có kỹ năng thoát nạn trong giai đoạn này, thời gian kéo dài sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Do đó, điều quan trọng là phải bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra. Khi tiếp nhận thông tin báo động, mọi người sẽ phải sẵn sàng thực hiện di tản khẩn cấp để thuận lợi cho công tác chữa cháy. Bên cạnh đó, mỗi người dân, hộ gia đình cần dự tính nhiều phương án thoát nạn khi xảy ra cháy; trang bị dụng cụ phá dỡ, thang dây để thoát nạn.
Một yếu tố quan trọng để con người sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn. Khi bị kẹt trong đám cháy, khói của đám cháy đang tràn vào từ các cửa và hành lang, mọi người phải nằm xuống sàn nhà cách nơi khói đang tràn vào càng xa càng tốt, dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn và cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để không có khói, lửa tràn nhanh vào nhà sau khi sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy.
Để cháy nổ không còn nỗi bất an, hằng ngày, mỗi gia đình cần kiểm tra đường dây và các thiết bị điện. Trong quá trình sinh hoạt, người dân không nên để nhiều đồ dùng ở lối cửa chính, cầu thang để dễ dàng thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp. Đối với hộ kinh doanh tại nhà dạng ống, cần sắp xếp hàng hóa, vật dụng sinh hoạt gọn gàng, cách xa các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa và phải có lối thoát hiểm dự phòng thông thoáng, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_242003_can-trang-bi-kien-thuc-thoat-nan-trong-dam-chay.aspx