Cẩn trọng áp lực lạm phát những tháng cuối năm

Diễn biến lạm phát đến thời điểm hiện nay của năm 2024 có xu hướng khá ngược với cùng kỳ năm trước khi CPI 5 tháng đầu năm tăng cao dần, từ mức 3,37% của tháng 1 lên đỉnh 4,44% vào tháng 5 (trong khi CPI 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ lại có xu hướng giảm mạnh từ mức 4,89% tháng 1 xuống 2,43% vào tháng 5).

Nhìn lại thấy không lo ngại

Từ tháng 6 đến nay, mức tăng CPI có xu hướng đi ngang và giảm mạnh, từ mức tăng 4,34% của tháng 6/2024 xuống còn 2,63% vào tháng 9/2024 (trong khi CPI tiếp tục giảm xuống 2% trong tháng 6/2023, đi ngang trong tháng 7 và bắt đầu tăng mạnh, lên mức đỉnh 3,66% vào tháng 9/2023). Kết quả là trong 9 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu khiến CPI tăng do chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,33%, tác động làm CPI chung tăng 1%; nhóm giáo dục tăng 7,51%, làm CPI chung tăng 0,46%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,46%, tác động làm CPI chung tăng 0,4% và nhóm giao thông tăng 1,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,18%... Yếu tố giúp CPI giảm do nhóm bưu chính, viễn thông giảm 1,19%.

Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, nếu nhìn theo mức tăng hàng tháng, lạm phát chỉ tăng khá mạnh trong một vài tháng, chẳng hạn trong tháng 2 (do có Tết), tháng 7 (tăng lương) và tháng 9 vừa qua do tác động của bão số 3 (nhưng chỉ là biến động cục bộ, trong một phạm vi hẹp và một khoảng thời gian nhất định chứ không phải là yếu tố gây ra áp lực lạm phát kéo dài). Còn về tổng thể, giá cả theo tháng không tăng đáng kể. “Do đó đến thời điểm này, chúng tôi cho rằng lạm phát ở Việt Nam vẫn đang nằm trong phạm vi kiểm soát rất thuận lợi và cả năm chỉ trong khoảng 4%”, ông Hùng cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy điều này, theo đó so với tháng trước, CPI tháng 2 có mức tăng cao nhất 1,04% do có Tết Nguyên đán, sau đó giảm mạnh (-0,23%) trong tháng 3 và giữ mức tăng không đáng kể từ tháng 4 đến tháng 6/2024 (tăng lần lượt so với tháng trước là 0,07%; 0,05%; 0,17%), sau đó bật tăng lại 0,48% trong tháng 7 (là tháng bắt đầu áp dụng mức lương cơ sở mới), nhưng ổn định (tăng 0%) trong tháng 8, trước khi tăng 0,29% trong tháng 9, chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão, lũ vừa qua.

Giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây áp lực lên lạm phát

Giá điện tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây áp lực lên lạm phát

Song thách thức còn nhiều phía trước

Theo bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2024 nhờ nhiều yếu tố. Trong đó, sự giảm nhiệt của lạm phát toàn cầu đã giúp Việt Nam giảm bớt áp lực nhập khẩu lạm phát. Giá nhập khẩu hàng hóa trung bình giảm 1,73% so với cùng kỳ, đặc biệt là giá xăng dầu - một yếu tố quan trọng trong rổ CPI. Giá dầu thế giới giảm đã kéo chỉ số giá xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72%, giúp CPI chung giảm 0,28%. Cùng với đó để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân; Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão, lũ.

Đặc biệt, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão trong tháng 9 đã làm cho tại một số nơi, một số thời điểm xuất hiện hiện tượng khan hiếm hàng hóa như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống… dẫn đến tăng giá cục bộ. Nhưng để bù đắp nguồn cung hàng hóa bị thiếu hụt do ảnh hưởng của bão số 3, các doanh nghiệp đã tăng cường nhập hàng từ phía Nam, Đà Lạt nhằm giữ giá cả cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có các Công điện chỉ đạo khẩn trương cung ứng hàng hóa, khắc phục hậu quả của bão. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát.

Trong các dự báo cập nhật mới nhất, nhiều tổ chức định chế tài chính quốc tế đều dự báo lạm phát 2024 tại Việt Nam có thể cao hơn năm 2023, song vẫn nằm trong mục tiêu 4,5% đặt ra. Cụ thể như: WB dự báo mức 4,5%; ADB dự báo mức 4,0%; HSBC dự báo mức 3,6%... “Lạm phát tháng 9 tiếp tục giảm xuống 2,6% so với cùng kỳ năm trước, gần tương ứng với kỳ vọng của thị trường là 2,7%. So với tháng trước, lạm phát 0,3% chủ yếu do nguồn cung thực phẩm và giá cả bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Mặc dù tác động kéo dài sẽ cần theo dõi sát sao, áp lực về giá rõ ràng đã không còn căng như trước. Giá năng lượng thế giới thấp cộng thêm chu kỳ chính sách tiền tệ toàn cầu đảo chiều, lạm phát tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ nằm dưới mức trần mục tiêu 4,5%”, báo cáo Vietnam at a glance vừa phát hành ngày 11/10 của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định.

Dù có nhiều yếu tố thuận lợi và hầu hết đều kỳ vọng lạm phát cả năm 2024 sẽ trong ngưỡng mục tiêu, tuy nhiên các chuyên gia nhận định vẫn có những yếu tố có thể gây áp lực lạm phát tăng trong 1/4 chặng đường còn lại. Trong đó, theo bà Nguyễn Thu Oanh, một trong những yếu tố cần lưu ý là thiên tai và thời tiết bất lợi vẫn có thể khiến giá lương thực, thực phẩm tăng, nhất là vào dịp lễ, Tết cuối năm. Cùng với đó, nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng dự báo sẽ tăng mạnh, có thể tạo áp lực lớn lên lạm phát. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào toàn cầu đang ở mức cao trong khi tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường. Trong đó cần đặc biệt chú ý diễn biến giá dầu thế giới, hiện đang chịu sức ép tăng do xung đột tại Trung Đông.

Một yếu tố nữa được các chuyên gia kinh tế lo ngại là việc giá điện tăng từ 11/10, với giá bán lẻ điện bình quân đã tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8% sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát, bởi giá điện tăng sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền điện phải trả thêm của người dân.

Các chuyên gia cũng cho rằng, một trong những yếu tố khiến áp lực CPI không lớn trong 9 tháng qua là tốc độ tăng cung tiền, tín dụng cũng như tốc độ giải ngân đầu tư công thời gian qua chưa cao. Những yếu tố này được thúc đẩy thời gian tới bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn, song cũng có thể tạo thêm áp lực lạm phát không được phối hợp, điều tiết chặt chẽ.

Cuối cùng, hoạt động điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng là yếu tố có thể tác động đến lạm phát. “Nếu không thực hiện các điều chỉnh về giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý thì lạm phát trung bình năm 2024 sẽ xoay quanh mức 3,5%. Còn nếu thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng này, thì sẽ cần tính toán để lạm phát trung bình cả năm vẫn đạt mục tiêu đã đề ra”, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định.y

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-trong-ap-luc-lam-phat-nhung-thang-cuoi-nam-156665.html