Cẩn trọng khi khai thác những yếu tố liên quan văn hóa truyền thống các dân tộc

Thời gian gần đây, một số nhà sản xuất các chương trình truyền thông đã sử dụng cốt truyện, hình ảnh, lời thoại không đúng với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, những cốt cách của đồng bào dân tộc thiểu số. Dù chỉ mang mục đích tạo nên tiếng cười nhằm thu hút người xem, nhưng sự phản ánh sai lệch, tầm thường hóa, đã làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của đồng bào các dân tộc anh em. Nguy hiểm hơn, cách hành xử thiếu ý thức đó đã xúc phạm và tạo nên sự ngăn cách cộng đồng bởi tâm lý định kiến và kỳ thị.

Thời gian gần đây, một số nhà sản xuất các chương trình truyền thông đã sử dụng cốt truyện, hình ảnh, lời thoại không đúng với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, những cốt cách của đồng bào dân tộc thiểu số. Dù chỉ mang mục đích tạo nên tiếng cười nhằm thu hút người xem, nhưng sự phản ánh sai lệch, tầm thường hóa, đã làm ảnh hưởng thuần phong mỹ tục của đồng bào các dân tộc anh em. Nguy hiểm hơn, cách hành xử thiếu ý thức đó đã xúc phạm và tạo nên sự ngăn cách cộng đồng bởi tâm lý định kiến và kỳ thị.

Kiểu truyền thông gây cười lố bịch

Một người đàn ông mặc trang phục dân tộc Ê Đê cách tân, vác dụng cụ sản xuất chuẩn bị rời đi khỏi ngôi nhà (mà ngôi nhà lại là kiến trúc của dân tộc Ba Na); người vợ gọi giật lại: “Mình đi đâu thế?”; anh ta trả lời: “Đi lên núi”. Người vợ nheo mắt cười lả lơi và cầm lon nước tăng lực trao cho chồng... Đó là đoạn đầu trong clip quảng cáo cho một nhãn hàng nước tăng lực. Clip này từng được phát nhiều lần trên một số kênh truyền hình chính thống. Cũng trên sóng truyền hình lớn, trong chương trình giải trí Nhân tố bí ẩn (X-Factor), một ban nhạc nam có tiếng là F-Band đã dùng chiếc khăn Piêu, một trong những biểu tượng văn hóa nổi tiếng của đồng bào Thái, làm chiếc khố phủ thân trong bộ phục trang được phối kết để biểu diễn các tác phẩm âm nhạc về đề tài Tây Nguyên…

Không ít kênh hài trên các trang mạng xã hội đã sử dụng những câu chuyện, những hình ảnh về đồng bào dân tộc thiểu số. Đề tài là bình thường, nhưng không bình thường ở chỗ, người sản xuất đã sử dụng “chiêu thức” mô tả những người đồng bào của chúng ta với hành vi và lời nói thể hiện sự nghèo khổ, lạc hậu, ngờ nghệch, ngây thơ... hoặc dễ bị lợi dụng. Chúng tôi không hiểu tại sao một số diễn viên lại có thể sản xuất những tiểu phẩm, kiểu như: A Lử đi bắt vợ, Mảnh ghép vùng cao, Anh tộc ngố, Cười lộn ruột khi dân tộc đi uống bia, Anh dân tộc nát rượu… Trong tiểu phẩm do diễn viên hài Đỗ Duy Nam đạo diễn mang tên Mảnh ghép vùng cao, đã thể hiện hình ảnh cặp đôi người dân tộc thiểu số là những người hoàn toàn xa lạ với văn minh, lếch thếch, đói nghèo, đáng thương. Hay tiểu phẩm A Lử đi bắt vợ, người ta đã thể hiện méo mó một phong tục của đồng bào H’Mông thành câu chuyện gây cười rẻ tiền khi dẫn lên hình ảnh một chàng A Lử ngu dốt, không hiểu biết pháp luật cho nên sang tận Hàn Quốc “bắt” một cô gái Hàn về bản mình làm vợ. Câu chuyện đó đã tạo nên những tiếng cười vô duyên, và vô hình trung dẫn dắt cảm xúc và nhận thức của một số đối tượng công chúng đến trạng thái coi thường, đầy tính phản cảm…

Mới đây, cộng đồng mạng, nhất là những người dân tộc thiểu số đã phẫn nộ khi kênh YouTube đăng tải vi-đê-ô có tiêu đề Anh Tộc đi mua sữa non gặp cô chủ thích tòm tem. Sự nhảm nhí trong câu chuyện này lên đến đỉnh cao khi miêu tả một người đàn ông mang trang phục dân tộc thiểu số đi xin sữa non từ một người phụ nữ đang nuôi con nhỏ cho con của mình, do vợ anh không có sữa. Theo mô tả, mặc dù không quen biết người phụ nữ mà mình xin sữa, nhưng khi gặp, mắt anh ta đã nhìn chằm chằm, mặt dí sát lên ngực của người phụ nữ. Những lời thoại lố bịch cũng được đặt lên miệng cho hai nhân vật. Nữ: “Anh đến nhà tôi làm gì, sao anh cứ dò mặt vào tôi thế?” Nam: “Thôi có khi cô cho tôi nhờ hai tí luôn đi”, rồi người nam lại đề nghị: “Hay là cô để tôi vắt sữa cho”… Hoặc, cũng trên YouTube, một vi-đê-ô khác có tiêu đề: Cổ vũ bóng đá theo phong cách anh Tộc và cái kết bê bết cả đời. Nội dung đăng tải cho thấy, các nhân vật đều mang trang phục đồng bào thiểu số, đi xe kẹp ba và không đội mũ bảo hiểm. Khi cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm thì nhân vật nam cãi lại cảnh sát với lời lẽ ngây ngô, lý sự thô thiển, thể hiện không hiểu biết pháp luật: “Mình là A Páo ở trên bản, mình không đội mũ bảo hiểm là có lý do của nó, vì mình có hai con vợ. Mình bị hai con vợ cắm sừng trên này này, cho nên mọc nhiều sừng lắm! Mọc sừng không đội mũ bảo hiểm được đâu…”.

Rất nhiều nội dung ẩu tả như vậy được truyền tải trên các phương tiện truyền thông, trong đó có cả một số cơ quan truyền thông chính thống và trên các trang mạng xã hội. Nhất là các trang YouTube của A Hy TV, Trung Ruồi TV… và các chân rết khác của nó. Hành vi đó thể hiện sự nông cạn trong hiểu biết, sự lệch lạc thẩm mỹ và hành xử thiếu văn hóa.

Cần chế tài xử lý nghiêm

Rõ ràng, sự sáng tạo trong nghệ thuật là cần thiết nhưng không thể tạo ra nội dung theo một công thức lệch chuẩn: Người dân tộc thiểu số có nghĩa là đói nghèo, là lạc hậu, là dễ bị lừa lọc hoặc lừa lọc người khác. Những “nhãn dán” tiêu cực về người dân tộc thiểu số đã được khai thác, chế tác một cách thô thiển và tạo nên những định kiến khó chấp nhận. Sản phẩm “hài dân tộc” với những thủ thuật truyền thông tầm thường đã kiếm được nhiều tiền bởi lượng view (người xem) lớn từ thị hiếu thấp kém. Điều đáng lên án là cả người sản xuất và người xem đã hùa nhau giễu nhại, làm tổn thương sâu sắc một bộ phận đồng bào của chính mình…

Rất bức xúc và phản ứng gay gắt, đó là thái độ của rất nhiều trí thức, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số khi được chúng tôi đề cập vấn đề này. Tiến sĩ Cil Duin, người dân tộc Cơ Ho, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), bày tỏ: “Nhân chủng và văn hóa các dân tộc thể hiện sự khác biệt. Sự khác biệt làm nên bản sắc và tăng thêm sự giàu có cho nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Lợi dụng sự khác biệt rồi chế tác nên những sản phẩm lệch lạc sẽ vô cùng nguy hiểm. Đó là những việc làm xúc phạm đến truyền thống văn hóa tốt đẹp, tự trọng của các tộc người!”. Ông Naria Ya Duck, người dân tộc Chu Ru, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, phát biểu: “Những người làm nên các sản phẩm bôi nhọ đồng bào phải chịu trách nhiệm với những việc làm lệch lạc của mình. Những lời xin lỗi chưa đủ, cần phải nhận các chế tài nghiêm khắc của pháp luật!”. Ở góc độ nghiên cứu, tiến sĩ Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học, nêu ý kiến: “Khi truyền thông đưa thông tin không đầy đủ, hiểu méo mó về cộng đồng các dân tộc thiểu số sẽ tạo ra hình ảnh dân tộc thiểu số là những người bị động, như đối tượng bên lề, đáng thương, yếu ớt. Đó là cách nhìn mang tính phân biệt đối xử, đầy định kiến, tạo ra sự kỳ thị, đi ngược với chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước…”.

Với địa bàn cư trú trải rộng trên 75% diện tích đất liền, cộng đồng các dân tộc thiểu số chiếm một phần bảy dân số quốc gia. Thành tựu trong việc bảo đảm quyền phát triển và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là những minh chứng cụ thể về thúc đẩy quyền tộc người nói riêng và quyền con người nói chung tại Việt Nam. Trong đó, Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực thi nhiều chiến lược quan trọng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, coi di sản văn hóa các dân tộc anh em là bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Nhiều năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn miền núi đã và đang đổi mới không ngừng, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc. Vấn đề dân tộc và chính sách đại đoàn kết các dân tộc mang tầm chiến lược, cơ bản và lâu dài của toàn bộ sự nghiệp cách mạng.

Vẫn biết rằng, do nhiều yếu tố, cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khát vọng rút dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, tạo cơ hội phát triển bình đẳng các dân tộc là một lộ trình nhất quán. Những di sản, những tinh hoa văn hóa và niềm kiêu hãnh đại ngàn đang từng ngày được khôi phục và phát huy. Vì vậy, những việc làm đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cần phải bị lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm khắc.

Trước hết, những người sản xuất chương trình nêu trên, thể hiện sự yếu kém trong hiểu biết về văn hóa tộc người. Vì vậy, đã tạo nên những sản phẩm bộc lộ sự phi lý từ kiến trúc, trang phục, tâm lý, hành vi và ngôn ngữ thể hiện. Còn với mục đích gây cười rẻ tiền, thể hiện sự kỳ thị và xâm phạm đến quyền bảo vệ văn hóa nói riêng và quyền phát triển bình đẳng của các dân tộc nói chung theo Hiến pháp và pháp luật, thì đã thấy rõ!...

Nhà nghiên cứu văn hóa ĐẶNG TRỌNG HỘ

UÔNG THÁI BIỂU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/44280502-can-trong-khi-khai-thac-nhung-yeu-to-lien-quan-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc.html