Cẩn trọng với hình thức ủy quyền tín chấp vay vốn
Cần tiền cấp bách, tin tưởng cán bộ tín dụng, nhiều người quyết định ký giấy ủy quyền vay mà không biết nguy cơ gánh nợ rất cao.
Tháng 4/2018, do cần tiền để sửa nhà, bà Bùi Thị Mão ở xã Thung Nai (Cao Phong) có nhu cầu vay 30 triệu đồng. Vì là cán bộ hưu trí, hàng tháng vẫn lấy lương qua điểm Bưu điện văn hóa xã, vì vậy, bà Mão quyết định vay theo hình thức thế chấp sổ lương hưu tại một ngân hàng trong hệ thống trả lương hưu. Hàng tháng, bà Mão trả góp qua lương cả gốc và lãi. Theo kế hoạch, đến tháng 11/2019, bà Mão hoàn thành trả nợ. Tuy nhiên, đến tháng 9, gia đình bà Mão mới tá hỏa khi được biết vẫn đang gánh khoản nợ 150 triệu đồng. Lý do ngân hàng đưa ra là bà đã cho một cán bộ Bưu điện huyện Cao Phong trước đây vay ké số tiền 120 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, bà Mão cho biết: Vì tin tưởng nhân viên bưu điện nhiều năm phát lương hưu nên khi có ý định vay, tôi đã trao đổi với nhân viên Bưu điện văn hóa xã Thung Nai, qua đó, tôi được một người xưng là Thảo, làm ở Bưu điện huyện Cao Phong hướng dẫn chỉ cần gửi chứng minh nhân dân, cô Thảo sẽ làm toàn bộ hồ sơ giúp tôi. Tôi gửi chứng minh nhân dân, sau đó nhận tiền về qua bưu điện, còn hồ sơ vay vốn tôi không được ký.
Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bà Mão đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền về việc cán bộ lợi dụng chức quyền, giả mạo hồ sơ, chữ ký vay ké khách hàng làm thiệt hại kinh tế, chính sách cán bộ nghỉ hưu. Trong lúc chờ cơ quan chức năng vào cuộc, hàng tháng, bà Mão vẫn phải nai lưng đóng trả số tiền vay mà bản thân bà không được sử dụng. Bà Mão chia sẻ: Lương tháng được hơn 4,7 triệu đồng mà tháng nào cũng chỉ cầm về hơn 400 nghìn đồng, chỉ vì tin tưởng cán bộ mà giờ khổ đến thân.
Trường hợp bà Mão không phải là duy nhất bị lừa thông qua hình thức ủy quyền thế chấp vay ngân hàng. Thực tế, có nhiều vụ việc liên quan đến đối tượng gom sổ đỏ tín chấp vay vốn ngân hàng rồi bỏ trốn. Nhiều người chỉ vì cần một khoản tiền gấp nhưng ngại làm thủ tục vay vốn, tin vào lời hứa trả hộ lãi vay hàng tháng nếu đồng ý cho vay ké, đã giao sổ đỏ của mình cho người khác để làm thủ tục vay vốn và bị lừa đến mất nhà, mất đất.
Đồng chí Bùi Duy Thương, cán bộ Đội Điều tra tổng hợp - Công an huyện Cao Phong cho biết: Hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua ủy quyền tín chấp vay vốn ngân hàng là loại tội phạm đã xuất hiện nhiều năm nay. Hình thức chủ yếu lợi dụng sự tin tưởng của người khác, đối tượng lừa đảo đứng ra ủy nhiệm tín chấp vay vốn ngân hàng với lời hứa thủ tục giải quyết nhanh chóng. Có 2 hình thức thế chấp là sổ đỏ và lương. Thậm chí nhiều người đã mất nhà, vì tin tưởng giao sổ đỏ ủy nhiệm thế chấp vay vốn. Những người thường dễ bị mắc lừa là cán bộ hưu trí hoặc người già ở nông thôn. Ngoài ra, việc vay nợ qua các tổ chức tín dụng đen cũng dễ có nguy cơ mất tài sản. Vì lãi suất qua tín dụng đen rất cao, tính lãi theo thang bậc. Nhiều người dù có tài sản, nhưng vì ngại "đụng" các thủ tục vay vốn đã lựa chọn vay ngoài, dẫn đến mất tài sản.
Theo đồng chí Đinh Hữu Hạnh, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp, việc vay nợ bằng hợp đồng ủy quyền tính rủi ro rất cao. Nếu gặp đối tượng lừa đảo, người vay dễ có nguy cơ mất trắng. Vì nếu chứng minh được hợp đồng ủy quyền vay là giả thì hợp đồng mới được vô hiệu hóa, còn trong trường hợp hợp đồng ủy quyền vay là thật thì rủi ro pháp lý cao hơn nhiều. Từ thực tế đó, người dân, nhất là cán bộ hưu trí, người già có tài sản cần hết sức chú ý khi làm thủ tục vay vốn. Cần nghiên cứu, đọc kỹ hồ sơ trước khi đặt bút ký, trong đó đặc biệt quan tâm số tiền vay, thời hạn và kế hoạch trả nợ, tránh bị lừa mất tài sản hoặc gánh nợ oan.