Cần ưu tiên cung cấp kiến thức chăm sóc bà mẹ, trẻ em cho người dân vùng khó khăn

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Theo số liệu điều tra gần đây nhất do Bộ Y tế tiến hành tại 14 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cho thấy: còn 10% số phụ nữ không đi khám thai lần nào; 23,7% số bà mẹ không uống viên sắt trong lần mang thai gần đây; 41,9% số phụ nữ được phỏng vấn không nói được bất kỳ một dấu hiệu nguy hiểm nào đối với phụ nữ chuyển dạ. Dấu hiệu được biết đến nhiều nhất là chảy nhiều máu cũng chỉ mới đạt 34%.

Ðáng chú ý, vẫn còn đến 19,8% số phụ nữ sinh con tại nhà và 12,8% số phụ nữ sinh con được đỡ bởi những người không có chuyên môn về y tế. Trong khi đó sự hiểu biết và thực hành của các phụ nữ về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng chưa cao, có đến 35,8% số phụ nữ không hề biết bất kỳ một dấu hiệu nào ở trẻ sơ sinh. Các dấu hiệu nhận biết dễ nhất như: sốt hoặc hạ thân nhiệt, bú yếu hoặc bỏ bú và khó thở đều rất thấp, vẫn còn 12,8% số phụ nữ không biết cần cho con bú vào thời điểm nào. Sự hiểu biết của nam giới về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng còn thấp.

Việc cung cấp kiến thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh, cũng như thay đổi nhận thức và thực hành của người dân trong lĩnh vực này, có vai trò lớn của công tác truyền thông. Tuy nhiên, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe bà mẹ, trẻ em chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh của người dân, theo các chuyên gia cần tiếp tục duy trì và cải tiến về hình thức các hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi thông qua đội ngũ truyền thông viên trực tiếp tại cộng đồng. Kết hợp giữa truyền thông tại cộng đồng và truyền thông tại cơ sở cung cấp dịch vụ, cũng như việc đào tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp cho đội ngũ người cung cấp dịch vụ các tuyến và truyền thông viên tại cộng đồng; có chính sách hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn về địa lý, tài chính để người dân tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ….

Ngoài ra cần có sự phối kết hợp hơn nữa giữa các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp ưu tiên cung cấp kiến thức chăm sóc bà mẹ, trẻ em cho người dân ở những vùng khó khăn.

M.A

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-uu-tien-cung-cap-kien-thuc-cham-soc-ba-me-tre-em-cho-nguoi-dan-vung-kho-khan/