Cần xác định lại các trường hợp ngân sách nhà nước phải chi trả khi cưỡng chế thi hành án dân sự

Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự (THADS) quy định một số khoản chi phí cưỡng chế do nhà nước chi trả. Tuy nhiên, việc 'bao cấp' này theo nhiều cơ quan THADS là không hợp lý.

Chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật THADS là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả. Điều 73 Luật quy định những trường hợp người phải thi hành án chịu chi phí cưỡng chế và người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án.

Tuy nhiên khoản 3 điều 73 quy định Ngân sách nhà nước trả chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp: Định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá; Chi phí xác minh điều kiện thi hành án; Chi phí cần thiết khác theo quy định của Chính phủ; Trường hợp đương sự được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Dẫn ra bất cập của quy định này, đại diện một cơ quan THADS cho biết, thực tiễn cho thấy, khi xác minh thông tin tài sản là quyền sử dụng đất tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai, đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên sẽ được cung cấp thông tin không phải nộp phí. Riêng đối với Cơ quan THADS, Chấp hành viên phải chịu phí, cụ thể: đối với văn bản cung cấp thông tin là: 200.000 đồng, bản photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 200.000 đồng và phí cung cấp thông tin giao dịch là: 30.000 đồng.

Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng một số nhiệm vụ cơ quan THADS đang được xây dựng theo hướng bao cấp không phù hợp dẫn đến Nhà nước phải chi trả toàn bộ các khoản chi phí liên quan đến việc xác minh. Tổng cục THADS cho biết, theo thống kê, trung bình Ngân sách nhà nước phải chi trả cho khoản chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án khoảng 640.000 đồng/một vụ việc THADS cho 1 lần xác minh điều kiện thi hành án (70.000 đồng/người/ngày đối với Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát, cảnh sát; 100.000 đồng/người/ngày đối với dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác). Chi phí theo dõi tổ chức đến cùng đối với vụ việc đương sự không còn tài sản hay không có điều kiện thi hành án...là chưa phù hợp, vì đây là việc làm để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân nên cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 73, Chấp hành viên dự trù chi phí cưỡng chế và thông báo cho người phải thi hành án biết ít nhất 03 ngày làm việc trước ngày cưỡng chế đã được ấn định, trừ trường hợp cần thiết phải cưỡng chế ngay. Chi phí cưỡng chế thi hành án được tạm ứng từ ngân sách nhà nước.” Tuy nhiên, thực tế người được thi hành án thường phải tạm ứng trước các chi phí này để thúc đẩy và hỗ trợ công tác cưỡng chế THA.

Tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bao gồm thù lao quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác.

Như vậy, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP chỉ quy định chi phí thực hiện phá sản trong trường hợp quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện, còn trong trường hợp chấp hành viên thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản và thực hiện việc thanh lý tài sản theo quy định khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản thì chưa quy định rõ việc chi trả những chi phí trên.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 73 Luật THADS đã quy định rõ trường hợp nào người phải thi hành án chịu, trường hợp nào người được thi hành án chịu và trường hợp nào thì ngân sách chịu. Tuy nhiên, đối với trường hợp thi hành quyết định tuyên bố phá sản thì không có người phải thi hành án. Do đó, các chi phí khi chấp hành viên thực hiện các công việc trên có hay không được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Từ những bất cập nói trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu xác định lại các trường hợp ngân sách nhà nước phải chi trả: không chi trả cho việc bán đấu giá tài sản đến khi giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế tại Điều 104 Luật THADS; Đối với trường hợp thi hành án các khoản thu có ngân sách Nhà nước thì ngân sách nhà nước chi trả để xác minh điều kiện thi hành án, theo dõi và tổ chức thi hành án. Đối với THADS theo đơn yêu cầu, cho phí xác minh thuộc trách nhiệm của đương sự

Địa phương cũng đề nghị rà soát quy định về thủ tục tạm ứng chi phí cưỡng chế THA từ ngân sách nhà nước để Cơ quan THADS có thể thuận tiện và chủ động tạm ứng trước phục vụ công việc theo đúng kế hoạch cưỡng chế đã được phê duyệt. Đồng thời quy định bổ sung chi phí thực hiện phá sản.

Bình An

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-xac-dinh-lai-cac-truong-hop-ngan-sach-nha-nuoc-phai-chi-tra-khi-cuong-che-thi-hanh-an-dan-su-post520140.html